Khải Phong  -
 
Việc Cao su Đà Nẵng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế trong quý I tăng 41% cho thấy công ty rất tin tưởng vào cơ hội mới từ môi trường vĩ mô và nội lực doanh nghiệp.

Kết quả kinh doanh quý IV/2020 của CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho thấy doanh thu tăng 15% lên 1.108 tỷ đồng nhờ tình hình tiêu thụ sản phẩm khả quan.

Lợi nhuận sau thuế quý IV của Cao su Đà Nẵng đạt mức cao nhất sau 4 năm, đạt 110 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước nhờ biên lãi gộp tăng và chi phí khấu hao nhà máy Radial giai đoạn 1 chính thức hết khấu hao từ cuối tháng 8/2020.

Thoát cơn bĩ cực

Lũy kế cả năm 2020, doanh thu Cao su Đà Nẵng giảm nhẹ 5% còn 3.647 tỷ đồng chủ yếu do kết quả kinh doanh trong quý II giảm bởi dịch COVID-19. Nhờ chi phí nguyên vật liệu thấp ở những quý đầu năm và không phải trích khấu hao của nhà máy Radial giai đoạn 1, biên lãi gộp cả năm tăng lên mức 16,4%.

Lợi nhuận sau thuế cả năm của Cao su Đà Nẵng đạt 257 tỷ đồng, tăng nhẹ 2%, nghĩa là Cao su Đà Nẵng đã vượt 14% kế hoạch lợi nhuận năm.

drc

Doanh thu của Cao su Đà Nẵng tăng 15% lên 1.108 tỷ đồng nhờ tình hình tiêu thụ sản phẩm khả quan. Ảnh: Cao su Đà Nẵng 

Bức tranh kinh doanh quý IV/2020 của Cao su Đà Nẵng hoàn toàn trái ngược với tình trạng khó khăn hồi quý II cùng năm. Hồi đó, giá cao su thiên nhiên - nguyên liệu đầu vào chiếm từ 80 - 84% giá vốn của các doanh nghiệp săm lốp – đạt mưc thấp nhất kể từ năm 2016 tới lúc ấy. Có thời điểm giá chạm đáy 130 JPY/kg.

Dẫu vậy, CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) lại báo cáo quý II/2020 kinh doanh kém khả quan, với doanh thu 788,9 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 43,2 tỷ đồng, lần lượt giảm tới 28% và 39,2% so với cùng kỳ năm 2019. Công ty giải thích rằng kết quả kinh doanh giảm mạnh do dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến các thị trường tiêu thụ của công ty.

Vấn đề lớn nhất lúc bấy giờ mà Cao su Đà Nẵng và các doanh nghiệp cùng ngành săm lốp cao su phải đối mặt là thị trường xuất khẩu đang gặp thách thức lớn.

Với quý III/2020, doanh thuần của công ty giảm nhẹ xuống mức 947 tỉ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ qúy III năm 2019.

Trong kỳ, giá vốn hàng bán ghi nhận 802 ttỷ đồng, chỉ giảm 1%, kéo lợi nhuận gộp của DRC giảm 11%; biên lợi nhuận gộp giảm từ 16,8% quý III/2019 xuống 15,3% quí III/2020.Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của Cao su Đà Nẵng giảm 24% từ 82 tỷ đồng xuống 62 tỷ đồng.

Mới đây, Hội đồng quản trị Cao su Đà Nẵng đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh quý I/2021 với doanh thu thuần tăng 4% lên 835 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 41% so với cùng kỳ, tương ứng đạt 66 tỷ đồng.

Giới đầu tư chỉ ra rằng trong năm nay, nhà máy Radial hết khấu hao giai đoạn một nên mỗi tháng Cao su Đà Nẵng có thêm khoản lãi hàng chục tỷ tiền đồng. Giá cao su liên tục tăng nên công ty hưởng lợi từ lượng tồn kho cao. Mục tiêu của công ty là lãi 60 tỷ đồng trong quý I, song rất có thể họ sẽ đạt mục tiêu sớm hơn nhiều.

Yếu tố rủi ro lớn của Cao su Đà Nẵng là cạnh tranh với hàng Trung Quốc, song lợi thế không chịu thuế giúp công ty giữ vững doanh số xuất khẩu vào Mỹ và Brazil.

Các nhân tố thuận lợi từ môi trường vĩ mô

Cục Xuất nhập khẩu nhận định giá cao su tăng trên các sàn giao dịch châu Á do hoạt động sản xuất tại châu Á có dấu hiệu phục hồi, tình hình sản xuất tại Trung Quốc ổn định, nhiều nhà máy sản xuất săm lốp hoạt động trở lại khiến nhu cầu cao su tăng.

Đồng thời thị trường cũng kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ từ thị trường châu Âu và Mỹ sẽ được cải thiện. Trong khi đó nguồn cung cao su tại Thái Lan hạn chế khi thời tiết xấu làm giảm sản lượng mủ cao su.

Tại thị trường Việt Nam, từ đầu tháng 1/2021 đến nay, giá mủ cao su nguyên liệu trên cả nước cũng có xu hướng tăng so với cuối tháng 12/2020.

Ngày 8/1, giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 340 đồng/TSC, tăng 15 đồng/TSC so với cuối tháng 12/2020; giá thu mua mủ tạp ở mức 260 đồng/TSC, tăng 15 đồng/TSC so với cuối tháng 12/2020.

Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất ngày 11/1 của Bộ Công Thương cho biết theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 11 tháng năm 2020, nhập khẩu cao su (mã HS 4001, 4002, 4003, 4005) của Trung Quốc đạt 9,76 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Hàn Quốc là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc.

Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 1,51 tỷ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su Việt Nam trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc trong 11 tháng năm 2020 chiếm 15,52%, tăng so với mức 14,11% của 11 tháng năm 2019.

Trong 11 tháng năm 2020, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 4 cho Trung Quốc với 204,51 triệu USD, giảm 32,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 7,77% trong tổng trị giá nhập khẩu của Trung Quốc, giảm so với mức 9,91% của 11 tháng năm 2019.

Ngoài ra, Trung Quốc nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (mã HS: 400280) đạt 4,34 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm 2019. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Myanmar là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.

Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ 2 cho Trung Quốc trong 11 tháng năm 2020 với 1,3 tỷ USD, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 29,98% trong tổng trị giá nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, giảm so với mức 31,18% của 11 tháng năm 2019.

Bạn nghĩ sao?