Nhóm Phóng viên -
 
Theo phản ánh của người dân, bãi xe số 415 Nguyễn Xiển mọc lên và hoạt động thu phí trái phép công khai thách thức pháp luật trong suốt thời gian dài nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý dứt điểm.

Trước tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, một số người đã nhân cơ hội nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao để lập bến bãi riêng cho xe chở hàng, nhằm thu phí trục lợi trái phép. Sự việc diễn ra tại bãi xe số 415 Nguyễn Xiển, phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Theo ghi nhận của Phóng viên tại bãi xe hàng số 415 Nguyễn Xiển (hay còn gọi là bãi xe T140) có diện tích khoảng 200m2 trên khu đất trống cạnh đường Nguyễn Xiển, gần lối vào chung cư A15, thuộc địa phận phường Kim Giang, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Ngoài cái tên bãi xe 415 Nguyễn Xiển, bãi xe này còn được gọi với cái tên bãi xe T140 vì cổng vào bãi xe này nằm gần vị trí cột trụ T140 của cầu vượt cao tốc đường Vành đai 3 trên cao. Bãi xe này có nhiều thành phần gồm các kiot cho xe tải ký gửi vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, gara ô tô, tập kết máy móc, trạm cân, bãi gửi xe trông giữ xe không phép hoạt động rầm rộ suốt thời gian dài.

z2865442380719_253d3abec96a4307c63d3cbc9d9a5a39

Lối ra vào bãi xe hàng số 415 Nguyễn Xiển 

Bên trong bãi xe này là hàng chục kiot khung sắt, mái tôn được bố trí một cách quy củ cho các nhà xe hoạt động vận tải thuê lại để làm văn phòng tập kết, vận chuyển hàng hóa. Tại cổng ra của bãi xe có 2 người đứng sẵn và thực hiện thu phí đối với các phương tiện ra khỏi bãi. Những xe ra vào bãi để gửi hàng rất đa dạng, từ ôtô tải, ôtô con, xe ba gác, và xe máy.

Giá mỗi lượt ra vào gửi hoặc lấy hàng với mỗi xe máy sẽ phải mất 5.000 đồng/lượt; xe ba gác là 10.000/lượt; ôtô con là 20.000 đồng/lượt, riêng xe tải là 40.000 đồng/lượt. Tiền được hai người đàn ông đứng ở lối ra thu trực tiếp không có vé, không biên lai mà chỉ trao tay một cách nhanh gọn. Tính trung bình, mỗi ngày có vài trăm lượt ôtô và xe máy, xe tải ra vào bến xe này để ký gửi và nhận hàng hóa. Với quy mô hoạt động và mức phí mà các đối tượng thu của các nhà xe và thu của các phương tiện ra vào bãi có thể lên tới hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Tuy nhiên tất cả các giao dịch tiền đều chỉ được ghi sổ, không có bất kỳ hóa đơn chứng từ.

cats11

 Bất kể nắng mưa, hai người đàn ông đội mũ đứng ở cổng thu phí đối với tất cả các xe ra vào bãi để nhận hoặc ký gửi hàng hóa

Trong vai người cần thuê kiot trong bãi xe để nhận chuyển hàng hóa tuyến Hà Nội - Bắc Kạn. Phóng viên đã được nhân viên thu phí tại bãi giới thiệu gặp người quản lý bãi xe 415 Nguyễn Xiển tên là Hùng. Gặp Phóng viên, người đàn ông tên Hùng này cho biết: Mỗi kiot để làm văn phòng ký gửi hàng hóa tại bãi xe này rộng khoảng 5 mét, có giá 2 triệu đồng/tháng. Mỗi đầu xe tải vào bãi là 1,5 triệu đồng/tháng. Muốn được hoạt động ở bãi này sẽ phải mất tổng là 3,5 triệu đồng trên tháng, có thể vào hoạt động luôn.

cats111

Người đàn ông tên Hùng được giới thiệu là quản lý bãi xe số 415 Nguyễn Xiển ngồi trước những cuốn sổ theo dõi ghi chép việc cho thuê chỗ để kinh doanh tại bãi xe

Phản ánh đến báo chí, một số người dân tỏ ra bức xúc trước tình trạng hoạt động bát nháo của nhiều nhà xe chở hàng từ Hà Nội đi các tỉnh thời gian qua. Một số xe tải, xe khách nhân lúc dịch bệnh, việc di chuyển khó khăn chỉ có duy nhất một nhà xe nên đã chặt chém giá, khách hàng dù không muốn nhưng vẫn phải ấm ức, ngậm ngùi trả giá cao quá đáng.

Một số người dân cũng đưa ra nghi vấn các nhà xe, bãi xe này hoạt động có sự kiểm soát hay không? Có bảng giá chung cho hàng hóa hay các nhà xe hay lái xe, phụ xe có quyền tự đưa ra giá cho hàng hóa và thích hét giá bao nhiêu tùy thích hay không?

“Thiết nghĩ Bộ GTVT và các ngành cơ quan chức năng cần kết hợp với ngành thuế để có quy định cụ thể chi tiết cho việc vận chuyển hàng hóa nhỏ lẻ của các nhà xe từ các tỉnh đến Hà Nội và ngược lại. Thứ nhất là đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân, để người dân không bị các nhà xe độc quyền bắt chẹt, ép phải sử dụng dịch vụ. Thứ hai là đây cũng là một nguồn thu thuế khá khổng lồ cho ngân sách nhà nước, nếu không đưa vào quản lý chặt chẽ thì chắc chắn sẽ thất thoát một nguồn ngân sách lớn”, một người dân nêu ý kiến.

Mặc dù bãi xe "mọc" tự phát và hoạt động rầm rộ suốt thời gian dài nhưng nhiều tháng nay vẫn không bị xử lý khiến dư luận không khỏi nghi ngờ, có hay không sự bao che, bảo kê của một số cơ quan chức năng liên quan? Chúng tôi đã liên hệ đặt lịch làm việc đồng thời phản ánh hoạt động của bãi xe số 415 Nguyễn Xiển đến Chủ tịch UBND phường Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), tuy nhiên đến nay đã gần 1 tháng trôi qua vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào từ đơn vị này. Trách nhiệm của UBND phường Kim Giang, UBND quận Thanh Xuân, Trách nhiệm của Thanh tra GTVT ở đâu khi để tình trạng này tiếp diễn? Liệu các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội có nhắm mắt làm ngơ cho vi phạm tồn tại?

Theo Thông tư số: 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải “quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ” thì Bến xe hàng chỉ được đưa vào khai thác sau khi được Sở Giao thông vận tải các tỉnh, hoặc thành phố công bố đưa bến xe hàng vào khai thác. Quyết định công bố đưa bến xe hàng vào khai thác thuộc thẩm quyền UBND tỉnh, thành phố.

Theo Nghị định Số: 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ “quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” thì hành vi lập bến xe, bãi đỗ xe không theo quy hoạch hoặc không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể bị phạt tiền từ 15 đến 40 triệu đồng.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?