11:01 - 18/03/2022
 
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 17/3, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước tiếp tục tăng. Giá vàng thế giới tăng ở mức hơn 13 USD/ounce, niêm yết ở mức 1.948,2 USD/ounce (tương đương 54,03 triệu đồng/lượng).

Giá vàng trong nước

Chốt phiên giao dịch chiều 17/3, tại thị trường trong nước, Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC mua vào ở mức 67,3 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 68,5 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 1,2 triệu đồng/lượng.

Cùng thời điểm, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra 67,2 – 68,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với mở cửa phiên giao dịch cùng ngày 17/3. Chênh lệch giá mua – bán hiện là 1,3 triệu đồng/lượng.

2835_vang

 Ảnh minh họa (internet)

Giá vàng thế giới

Giá vàng thế giới đang giao dịch ở mức 1.928 USD/ounce. Đã có lúc giá vàng giảm sâu dưới ngưỡng 1.900 USD/ounce nhưng sau đó lại bật tăng hàng chục USD/ounce.

Trước đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã chính thức thông qua đợt tăng lãi suất đầu tiên với mức tăng 25 điểm cơ bản (tức 0,25%) lên mức 0,25% sau hơn 3 năm, một động thái nhằm giải quyết lạm phát gia tăng mà không cản trở tăng trưởng kinh tế. Cùng với việc tăng lãi suất, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) cũng dự kiến tăng thêm 6 lần trong năm nay, đưa lãi suất liên bang lên mức 1,9% vào cuối năm nay, cao hơn 1% so với dự đoán trước đó.

FOMC cũng cho biết sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất trong năm 2023 và không tăng vào năm sau đó. Đây là lần đầu tiên Fed nâng lãi suất cơ bản kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, từ từ khép lại giai đoạn ngân hàng này ghìm lãi suất ở mức thấp kỷ lục để hỗ trợ nền kinh tế số một thế giới đương đầu với đại dịch.

Ngoài ra, giá vàng nhích nhẹ còn do diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 trên thế giới, đáng chú ý là tại Trung Quốc, trong đó có thủ đô Bắc Kinh và các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh các yếu tố rủi ro và triển vọng kinh tế không như kỳ vọng, đặc biệt là các vấn đề xung quanh cuộc xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ, tâm lý nhà đầu tư đã chịu tác động tiêu cực, qua đó thúc đẩy dòng tiền chảy mạnh vào kim loại quý./.

Theo TN

Bạn nghĩ sao?