Lam Anh - 08:04 - 10/03/2021
 
Giá phân bón thế giới tăng nhanh từ tháng 11/2020 kéo dài tới tháng 2/2021 do giá nguyên liệu tăng, giá ngũ cốc tăng thúc đẩy nhu cầu sử dụng phân bón tăng, hoạt động vận chuyển khó khăn do dịch COVID-19 đẩy chi phí vận chuyển tăng. Giá các loại phân bón tại đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh trong hai tháng đầu năm 2021, đặc biệt phân Ure tăng đến 37%.

Ngày 28/2, các đại lý phân bón tại khu vực phía Nam cho biết phân đạm Urea được các nhà máy sản xuất và nhà nhập khẩu chào bán với giá 9.000-9.600 đồng/kg, tăng khoảng 600 đồng/kg so với cách đây một tuần.

Như vậy, giá phân Urea đến tay nông dân sẽ trên 10.000 đ/kg. mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Một loại phân bón quan trọng khác là DAP mà trong nước mới chỉ đáp ứng được 30-35%, còn lại phải nhập khẩu, đang có dấu hiệu khan hàng.

Gia phan bon

 2 tháng đầu năm giá các loại phân bón tại đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh

Giá phân bón bán ra tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp tại Tân Châu đã tăng gần 2 tháng qua. Cụ thể, ngày 13/1, giá phân ure là 365.000 đồng/bao (bao = 50kg), đến ngày 28/1 tăng lên 480.000 đồng/bao và ngày 3/3 một bao phân Ure 50kg được bán đến tay người nông dân với giá 500.000 đồng/bao. Giá phân bón đã tăng 135.000 đồng/bao (+37%) trong hai tháng đầu năm 2021.

Ngày 21/2, giá Urea Ninh Bình và Urea hạt đục Cà Mau khoảng 9.000 đồng/kg, Urea Phú Mỹ 8.000 đồng/kg. Giá DAP giao dịch sau Tết vẫn giữ ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm trở lại…

Giá phân bón ở Việt Nam tăng cao là do từ tháng 12/2020 đến nay, giá phân bón thế giới tăng mạnh, tàu biển khan hiếm, giá cước container tăng cao gấp 3-5 lần so với trước đó, cộng với hàng rào kỹ thuật từ biện pháp tự vệ, khiến cho giá phân bón nhập khẩu về Việt Nam tăng đột biến.

Thị trường phân bón thế giới trong 2 tháng đầu năm đã tăng đột biến do khan hiếm nguồn cung.

Nhu cầu phân bón ở các nước sản xuất ngũ cốc đã tăng mạnh từ mùa Thu năm 2020 do giá ngũ cốc tăng cao, nhất là giá ngô. Trong khi đó, nguồn cung phân bón thế giới bị thắt chặt do dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất ở nhiều nước, và tình trạng thiếu container rỗng ảnh hưởng tới việc vận chuyển.

Giá bán lẻ cả 8 loại phân hóa học chính trên thị trường Mỹ đều tăng trong tháng 1/2021, tiếp nối đà tăng từ vài tháng nay. Trong đó, giá 5 loại tăng mạnh trên 5%.

Theo đó, giá urea tăng mạnh nhất, tăng 10% chỉ trong vòng một tháng qua, đạt 405 USD/tấn (tăng 38 USD/tấn). Đây cũng là lần đầu tiên trong vòng 2 năm, giá urea vượt ngưỡng 400 USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái, giá hiện cao hơn 13%.

Cụ thể, theo tạp chí Argus, tháng 11/2020, giá FOB bình quân với phân DAP ở Trung Quốc từ 357-360 USD/tấn, MAP 362-367 USD/tấn, Urea 270-275 USD/tấn. Cũng trong tháng 11/2020, giá FOB bình quân với DAP ở Mỹ là 361 USD/tấn, MAP 361 USD/tấn, Urea 240-259 USD/tấn; ở Ai Cập, giá DAP là 360-370 USD/tấn, Urea 250-256 USD/tấn; giá DAP ở Nga từ 340-350 USD/tấn, MAP 343 USD/tấn, Urea 230-235 USD/tấn; giá Urea Malaysia và Indonesia 257-260 USD/tấn.

Đến tháng 2/2021, giá FOB bình quân với phân DAP ở Trung Quốc đã lên mức 515-520 USD/tấn (tăng 158-160 USD/tấn so với tháng 11/2020), MAP 570-572 USD/tấn (tăng 205-208 USD/tấn), Urea 355-360 USD/tấn (tăng 85 USD/tấn)

Cũng vào tháng 2/2021, giá FOB bình quân với DAP và MAP ở Mỹ là 530 USD/tấn (tăng 169 USD/tấn), Urea 357-391 USD/tấn tăng 117-132 USD/tấn); ở Ai Cập, DAP 535-545 USD/tấn (tăng 175 USD/tấn), Urea 353-380 USD/tấn (tăng 103-124 USD/tấn); ở Nga, DAP 535-540 USD/tấn (tăng 190-195 USD/tấn), MAP 564-565 USD/tấn (tăng 221-222 USD/tấn), Urea 348-365 USD/tấn (tăng 118-130 USD/tấn); Urea Indonesia và Malaysia tăng 108 USD/tấn lên mức 365-367 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước,  hiện tại, tồn kho hàng DAP nhập khẩu gần như bằng không, trong khi vụ xuân hè đang đến gần, khiến cho giá DAP bán tại Việt Nam tăng chóng mặt. So với tháng 11/2020, DAP Trung Quốc (xanh) hiện đã tăng 5,1 triệu đồng/tấn lên mức 15,5 triệu đồng/tấn, DAP Trung Quốc (nâu) đã hết hàng, DAP Korea tăng 2,7 triệu đồng/tấn lên 15,5 triệu đồng/tấn.

Giá DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai (giá tại nhà máy), đã tăng 900 ngàn đồng/tấn lên mức 9,528 triệu đồng/tấn. Còn trên thị trường, giá DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai đã tăng 1,95 triệu đồng/tấn lên mức 10,4 triệu đồng/tấn.

Vinacam nhận định rằng, tình hình thiếu hụt DAP ở Việt Nam hiện đang rất nghiêm trọng.

Trong công văn gửi Thủ tướng Chinh phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương ngày 24/2/2021, Vinacam cho rằng, trong 3 năm qua, việc thực hiện Quyết định số 686/QĐ-BCT ngày 2/3/2018 của Bộ Công Thương áp dụng biện pháp tự vệ chính thức đối với sản phẩm phân bón DAP và MAP nhập khẩu, đã ít nhiều phát huy tác dụng về bảo trợ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, ở thời điểm này, việc duy trì biện pháp tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu, đang khiến cho phân DAP ở Việt Nam trở nên khan hiếm, giá tăng vọt, qua đó làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh trong xuất khẩu nông sản, đẩy khó khăn lên nền nông nghiệp trong nước mà người chịu thiệt hại trước tiên là nông dân.

Chính vì vậy, để có đủ nguồn DAP phục vụ cho vụ xuân hè đang tới gần, trong công văn nói trên, Vinacam vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương, xem xét áp dụng biện pháp khẩn cấp, tạm thời hủy bỏ biện pháp tự vệ đối với sản phẩm phân bón DAP, MAP nhập khẩu bổ sung cho nhu cầu ở Việt Nam, để các giao dịch nhập khẩu có thể trở lại bình thường từ đầu tháng 3 này.

                                                                                                                        

Bạn nghĩ sao?