Thùy Linh -
 
Theo số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 2/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020. Với mức tăng này, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm chỉ đạt 5,64%, thấp hơn so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra trước đó.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý 2/2021 và 6 tháng đầu năm của Tổng cục Thống kê cho biết GDP quý 2/2021 tăng 6,61% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 0,39% của quý 2/2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 6,73% của quý 2 các năm 2018 và 2019.

Theo đó, với mức tăng này, GDP 6 tháng đầu năm 2021 ước tính tăng 5,64%, cao hơn tốc độ tăng 1,82% của 6 tháng đầu năm 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 7,05% và 6,77% của cùng kỳ năm 2018 và 2019.

Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn đáng kể so với mức dự báo 5,8% được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra hồi cuối tháng 5/2021. Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước từ cuối tháng 4/2021 với những diễn biến phức tạp, khó lường đang đặt ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”.

Anh 1

GDP quý 2/2021 ước tính tăng 6,61% so với cùng kỳ năm 2020

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,82%, đóng góp 8,17%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,36%, đóng góp 59,05%; khu vực dịch vụ tăng 3,96%, đóng góp 32,78%.

Đặc biệt, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước do năng suất lúa đông xuân tăng cao, ngành chăn nuôi và thủy sản phát triển ổn định, các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản chủ yếu đều tăng khá.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2021 tăng 8,91% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn tốc độ tăng 9,13% của 6 tháng đầu năm 2019 nhưng cao hơn tốc độ tăng 2,91% của 6 tháng đầu năm 2020, đóng góp 3,01 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế chỉ tăng 11,42%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011 - 2021. Ngành xây dựng tăng 5,59%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 4,54% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021.

Với nhóm ngành dịch vụ, hệ thống nhà hàng và cơ sở dịch vụ ăn uống tại chỗ, vận tải hành khách tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thực hiện giãn cách xã hội tại một số địa phương để phòng chống dịch bệnh. Tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2021 chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,48% của cùng kỳ năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2021.

Bán buôn và bán lẻ vẫn là ngành đóng góp lớn nhất của khu vực dịch vụ vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với mức tăng 5,63% so với cùng kỳ; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,27%; ngành vận tải, kho bãi giảm 0,39%; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 5,02%.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5% theo yêu cầu Chính phủ đề ra, ông Lê Trung Hiếu - Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê), cho rằng: Tăng trưởng GDP 6 tháng cuối năm phải đạt mức tăng 7,2%, điều này là không hề đơn giản, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trên cả nước. Trong khi đó, tại một số địa phương, dịch COVID-19 đã tấn công trực tiếp vào khu công nghiệp, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên và Thành phố Hồ Chí Minh.

Anh 2

Cơ cấu GDP 6 tháng đầu năm

Các chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam 6 tháng cuối năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Trước mắt, cần thực hiện kiểm soát tốt dịch COVID-19, nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19, cùng với đó là nghiên cứu để chủ động được nguồn vắc xin trong dài hạn, tiếp tục thực hiện các giải pháp để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng, hiệu quả các gói hỗ trợ, tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, chủ động triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là người lao động bị mất việc làm tại các khu công nghiệp. Hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong việc tìm thị trường nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu, phụ tùng, linh kiện thay thế nhằm vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh các giải pháp trên, để tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh tác động dịch COVID-19 dự báo còn diễn biến kéo dài, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp, hỗ trợ và hướng dẫn doanh nghiệp quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường số trong điều kiện giãn cách xã hội.

Ngoài ra, cần hỗ trợ và đôn đốc các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm mở rộng thị trường trong nước, để nhanh chóng đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng nông sản có sản lượng lớn đã vào vụ hoặc sắp thu hoạch ở các địa phương.

Bạn nghĩ sao?