Sau gần 7 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất... trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn, từ đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương. 

Quản lý, khai thác hiệu quả quỹ đất

Theo Sở TN&MT Đồng Nai, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, UBND tỉnh Đồng Nai đã điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, lập Kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016 -2020) cấp tỉnh và được Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 9/8/2017. Đồng thời, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 11 đơn vị hành chính cấp huyện trên địa bàn tỉnh. Hàng năm, UBND tỉnh Đồng Nai còn phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện làm cơ sở triển khai thực hiện các dự án theo quy định.

Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được tỉnh Đồng Nai lập đúng quy định và kịp thời, tạo thuận lợi lớn trong việc định hướng, bố trí sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương, đáp ứng được yêu cầu trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý về đất đai; việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tuân thủ các nguyên tắc, căn cứ, trình tự, nội dung mà pháp luật đất đai quy định; việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã bám sát và tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Hiện nay, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã kết thúc kỳ quy hoạch, trong khi việc lập quy hoạch tỉnh Đồng Nai theo Luật Quy hoạch cũng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc triển khai thực hiện lập quy hoạch chưa kịp thời. Để xử lý vướng mắc này, ngày 16/8/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch. Trong đó, cho phép các quy hoạch được thực hiện lập đồng thời, quy hoạch nào được lập và thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn thì quy hoạch thấp hơn sẽ phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

dnai

Sở TN&MT Đồng Nai có nhiều đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai 

Về tình hình thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, từ ngày 1/7/2014 đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai đã ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 27.008 trường hợp với diện tích hơn 6.922 ha. Trong đó, tại cấp tỉnh đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với 708 trường hợp với tổng diện tích hơn 5.967 ha và 26.300 trường hợp với tổng diện tích hơn 954 ha tại cấp huyện.

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai nhận định: Sau gần 7 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có nhiều chuyển biến tích cực, hệ thống tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về đất đai cũng đã được củng cố; việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được tỉnh Đồng Nai triển khai đồng bộ ở các cấp; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Cùng với đó, việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được thực hiện theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Qua đó, quỹ đất được khai thác hiệu quả, hợp lý, đảm bảo phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai cũng đã hoàn thành kiểm kê đất đai năm 2019. Qua kết quả kiểm kê đất đai cũng đã làm rõ các biến động diện tích đất theo mục đích sử dụng đất từ năm 2014 đến năm 2019.

Đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Sau gần 7 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, chính sách, pháp luật đất đai từng bước được hoàn thiện và được triển khai kịp thời đến các tầng lớp trong xã hội trên địa bàn tỉnh, từ đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đất đai, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo an sinh xã hội; đồng thời, khắc phục những bất cập về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; đổi mới công tác giải quyết tranh chấp, khiếu nại về lĩnh vực đất đai, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý Nhà nước về  đất đai, từng bước giải quyết tốt hơn quyền lợi cho người có đất bị thu hồi.

Trong đó, công tác thu hồi đất đã được tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua đó, việc thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo đúng trình tự thủ tục quy định; quyền lợi của người sử dụng đất bị thu hồi đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, theo quy định tại Điều 61, 62 Luật Đất đai, được bảo đảm; diện tích thu hồi lớn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, trong đó có nhiều dự án với quy mô lớn quan trọng như: Xây dựng các tuyến đường giao thông, xây dựng các khu công nghiệp, cảng hàng không quốc tế...

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho hay: Tỉnh Đồng Nai hiện có 99,98% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh được khai thác đưa vào sử dụng cho các mục đích phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Đồng thời, tỉnh Đồng Nai còn phân bổ quỹ đất đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh; việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất cũng phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương; việc sử dụng đất tại địa phương ngày càng tiết kiệm và đạt hiệu quả.

Còn đối với việc quản lý, sử dụng đất để phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp, đô thị và dịch vụ cho thấy diện tích đất phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tăng lên qua từng năm, trong đó tăng chủ yếu là đất xây dựng các đô thị từ 20.112ha vào năm 2015 đã tăng lên 30.583ha vào năm 2020. Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 32 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 10.220ha, trong đó có 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang trong giai đoạn chuẩn bị xây dựng hạ tầng, đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho ngưởi dân. 

Lãnh đạo Sở TN&MT Đồng Nai cho rằng: Việc chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất tại địa phương về cơ bản phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu đầu tư, tạo bước đi hợp lý cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh; đồng thời, quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị được mở rộng, từng bước đáp ứng nhu cầu của giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa và nhu cầu đô thị hóa của tỉnh; diện tích đất khu, cụm công nghiệp đáp ứng được yêu cầu thu hút nhà đầu tư vào hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp có hạ tầng đồng bộ, nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của tỉnh.

Hiện tại, cơ sở dữ liệu địa chính của Đồng Nai đã được hoàn thiện kết nối liên thông từ cấp tỉnh đến cấp huyện và xã, góp phần phục vụ tốt công tác quản lý đất đai, nhất là giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai được thuận lợi, nhanh và hiệu quả. Toàn bộ dữ liệu được tích hợp tại Trung tâm tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường (Trung tâm Công nghệ thông tin), được kết nối liên thông giữa 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Việc cập nhật, chỉnh lý biến động được thực hiện ở 2 cấp tỉnh và huyện, đối với cấp xã đã tham gia truy cập để khai thác thông tin phục vụ công tác quản lý đất đai tại địa phương. Việc truy cập được thực hiện thông qua 2 hình thức hoặc trên website của Sở TN&MT hoặc sử dụng trên điện thoại có tính năng hỗ trợ.

Riêng đối với việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo đẩy mạnh cải cách TTHC, góp phần đẩy nhanh kết quả xử lý TTHC cho người dân. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC và việc ứng dụng các phần mềm luân chuyển hồ sơ đối với các quy trình liên thông đã đáp ứng được nhu cầu giải quyết hồ sơ thực tế. Từ năm 2014 đến nay, công tác giải quyết TTHC về đất đai trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được cải thiện rõ rệt và đạt được nhiều kết quả tích cực, nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng và trước hạn. Cụ thể, năm 2018 đạt 92,72%, năm 2019 đạt 95,92%, năm 2020 đạt 97,41%.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?