Quang Minh - 12:26 - 28/10/2020
 
Nhiều mặt hàng thế mạnh của Đồng Nai có cơ hội gia tăng xuất khẩu vào EU khi EVFTA có hiệu lực. Nhận thức được điều đó, Cục Hải quan Đồng Nai đã tích cực triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất cho các DN trên địa bàn tận dụng được ưu đãi từ hiệp định, qua đó vực dậy hoạt động sản xuất xuất khẩu trên địa bàn sau dịch bệnh COVID-19.

 Theo số liệu thống kê của Cục Hải quan Đồng Nai, trong giai đoạn 2017-2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Nai vào châu Âu liên tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng khoảng 13% - 14% so với tổng kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 2,87 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2018.

Riêng 9 tháng năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, song Đồng Nai vẫn xuất siêu 1,34 tỷ USD vào EU. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai vào EU đạt gần 1,7 tỷ USD.

Đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

Nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích mà EVFTA mang lại cho các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu tại địa bàn tỉnh Đồng Nai, ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đã dịch tài liệu sang các thứ tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời trong các ngày: 16, 18 và 22 tháng 9 năm 2020, Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đã tổ chức cuộc tọa đàm với hơn 300 doanh nghiệp hoạt động XNK thuộc các thành phần, đến từ các Hiệp hội doanh nghiệp Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản trên địa bàn tỉnh về nội dung chi tiết của EVFTA liên quan đến hoạt động XNK hàng hóa. Tại buổi tọa đàm, các vấn đề được thảo luận, tìm hiểu trong đó các nội dung của EVFTA được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất đó là: Cơ hội cũng như những thách thức từ EVFTA.

1

 

Các mặt hàng sản xuất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai để xuất khẩu sang thị trường châu Âu khá đa dạng, trong đó, các ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao so với tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU bao gồm: nhóm hàng sắt thép và kim loại khác chiếm trên 10% tổng kim ngạch các mặt hàng xuất khẩu vào EU; nhóm hàng máy móc thiết bị, phương tiện vận tải cũng chiếm gần 13%. Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng nông sản vốn có thế mạnh của Đồng Nai như hồ tiêu, cà phê, hạt điều, trái cây tươi... lại có tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu vào EU còn thấp, chiếm không quá 5% tổng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU.

Qua đó cho thấy, vẫn còn nhiều dư địa cho các DN của Đồng Nai đẩy mạnh xuất khẩu vào EU, đặc biệt là nhóm ngành nông sản, da giầy và dệt may.

Theo đánh giá của Cục Hải quan Đồng Nai, việc tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định EVFTA để gia tăng xuất khẩu vào EU sẽ góp phần vực dậy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn sau dịch bệnh COVID-19, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.

 Theo đánh giá của Cục Hải quan Đồng Nai, việc tận dụng những ưu đãi trong Hiệp định EVFTA để gia tăng xuất khẩu vào EU sẽ góp phần vực dậy hoạt động xuất khẩu trên địa bàn sau dịch bệnh COVID-19, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu của Việt Nam nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng.

Việc xuất khẩu hàng vào EU sẽ tăng khả năng cạnh tranh về giá hàng hóa khi 99% các mặt hàng được xóa bỏ thuế quan, trong đó hai trong các mặt hàng có lợi nhất là dệt may, giày dép hiện đang là thế mạnh của các doanh nghiệp trên địa bản tỉnh Đồng Nai.

Việc nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ được lợi từ nguồn hàng hóa, nguyên liệu nhập khẩu với chất lượng tốt và ổn định với mức giá hợp lý hơn từ EU. Đặc biệt là được tiếp cận với nguồn máy móc, thiết bị, công nghệ/kỹ thuật cao từ các nước EU, qua đó để nâng cao năng suất và cải thiện chất lượng sản phẩm của mình.

Dù có nhiều cơ hội, nhưng EVFTA cũng mang đến không ít thách thức cho các DN Việt Nam nếu muốn tận dụng được các ưu đãi của hiệp định, trong đó có các vấn đề về quy tắc xuất xứ hàng hóa, biện pháp phòng vệ thương mại và các rào cản kỹ thuật, chất lượng sản phẩm. Nhận thức được tầm quan trọng cũng như những lợi ích, thách thức của EVFTA, ngay từ khi Hiệp định có hiệu lực, Cục Hải quan Đồng Nai đã tập hợp các tài liệu thông tin về EVFTA và dịch sang các thứ tiếng Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản nhằm giúp các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dễ dàng nắm bắt và thực thi.

EVFTA xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Tuy nhiên, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Đây là một nội dung quan trọng các doanh nghiệp quan tâm, bởi nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.

Nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại: Thông thường khi rào cản thuế quan không còn là công cụ hữu hiệu để bảo vệ, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa. Và EU cũng là một trong những thị trường có “truyền thống” sử dụng các công cụ này.

Một trong những nội dung khác mà các doanh nghiệp cũng đặc biệt quan tâm trong các buổi trao đổi, đó là lợi ích từ việc nhập khẩu hàng hóa từ EU, đồng thời cũng đề cập đến các vướng mắc về việc tự chứng nhận xuất xứ hàng theo hệ thống REX. Các vấn đề về “Chứng từ thương mại” thể hiện tự chứng nhận xuất xứ; việc được hưởng thuế suất ưu đãi theo Thông tư 11/2020/TT-BCT, công văn 5575/TCHQ-GSQL ngày 21-8-2020, việc thể hiện thông tin nào trên chứng từ thương mại theo cơ chế Rex; thời điểm nộp chứng từ chứng nhận xuất xứ để được hưởng thuế suất ưu đãi EVFTA…

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai đã và đang nỗ lực để cùng các cơ quan, ban ngành và cộng đồng doanh nghiệp đưa Hiệp định đi vào thực tiễn đạt hiệu quả cao, hỗ trợ tốt nhất cho cộng đồng doanh nghiệp.

                                                                         

Bạn nghĩ sao?