Thùy Linh -
 
Việc mở rộng xét tuyển với các thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL ở nhiều trường đại học đã thúc đẩy phong trào học tiếng Anh. Tuy nhiên điều này có thực sự công bằng với những học sinh ở nông thôn còn nhiều khó khăn?

Ưu tiên xét tuyển thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Thời điểm này, phần lớn các trường đại học đã công bố phương án tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2021. Việc xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 và kết quả học bạ vẫn là hai phương thức tuyển sinh chủ đạo của các trường. Bên cạnh đó, nhiều trường đã mở rộng phương thức xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực, đặc biệt là ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng những thí sinh có chứng chỉ năng lực quốc tế như A-Level, SAT hoặc có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL, IELTS,…

Được Bộ Giáo dục và Đào tạo chấp nhận năm 2018, thời gian đầu, chỉ vài trường đại học lớn đưa các chứng chỉ tiếng Anh hoặc kì thi năng lực quốc tế vào phương thức xét tuyển. Cho đến nay, đã có khoảng 30 trường đại học công bố ưu tiên xét tuyển và tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 4.0 đến 6.5 hoặc đưa chứng chỉ IELTS thành yếu tố trong các phương thức xét tuyển kết hợp.

tuyen sinh

Ảnh minh họa

Đơn cử như Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) thực hiện xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế SAT (từ 1100/1600), A-Level, ACT (từ 22/36) và IELTS (từ 6.0) và các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế tương đương.

Học viện Ngoại giao xét tuyển thẳng những thí sinh có điểm trung bình cộng kết quả học tập của 3/5 kỳ học lớp 10, 11 và học kỳ I năm học lớp 12 đạt từ 8 trở lên, có chứng chỉ IELTS Academic (hoặc tương đương) đạt từ 7.0 trở lên.

Đại học Bách Khoa Hà Nội: Thí sinh có chứng chỉ IELTS Academic đạt từ 6.5 trở lên (hoặc tương đương) và có điểm trung bình chung học tập từng năm học lớp 10, 11, 12 đạt 8.0 trở lên, sẽ được xét tuyển thẳng vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế quản lý.

Đại học Ngoại thương xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập dành cho thí sinh hệ chuyên và hệ không chuyên; xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi THPT.

Đại học Luật TP.HCM ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ Tiếng Anh IELTS đạt điểm từ 5,0 trở lên còn giá trị đến ngày 30/6 và phải có điểm trung bình của 5 học kỳ THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) của 3 môn thuộc tổ hợp đăng ký xét tuyển đạt tổng điểm từ 21 trở lên.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, trưởng phòng quản lý đào tạo (Đại học Ngoại thương) cho rằng, hiện nhiều chương trình đào tạo của các trường đại học hiện nay sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính, thậm chí là ngôn ngữ giảng dạy. Ví dụ, đại học Ngoại thương 17/32 chương trình đào tạo dạy bằng ngoại ngữ, trong đó có 14 chương trình dạy bằng tiếng Anh. Do vậy, việc xét tuyển thí sinh có năng lực ngoại ngữ để theo học được các chương trình đào tạo này là điều quan trọng.

“Các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có độ tin cậy cao nên việc xét tuyển dựa vào các chứng chỉ này sẽ là một xu hướng của các trường đại học”. – PGS.TS Vũ Thị Hiền nhấn mạnh.

PGS.TS Trần Trung Kiên, trưởng phòng tuyển sinh (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng cho rằng, việc sử dụng các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế là xu hướng của tất cả các trường đại học trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Đối với trường đại học Bách Khoa, nếu thí sinh sử dụng chứng chỉ IELTS để cộng điểm (hay quy đổi điểm) xét tuyển vào các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh sẽ là một lợi thế rất lớn không chỉ tăng cơ hội trúng tuyển mà việc học tập sau này sẽ rất thuận lợi.

Liệu có công bằng với thí sinh ở nông thôn?

Là người luôn theo dõi công tác tuyển sinh đại học trong nhiều năm qua, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng, từ năm 2020, việc không còn kì thi THPT QG “2 trong 1” mà chỉ là kì thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu cao nhất là xét tuyển tốt nghiệp thì các yếu tố xét tuyển đầu vào cho các trường đại học đã suy giảm nhiều. Các trường đại học không còn quá phụ thuộc vào kết quả của kì thi bởi nó thiếu đi những căn cứ “tin cậy” phù hợp với nhu cầu đào tạo của trường. Do vậy việc đa dạng hóa các hình thức xét tuyển như sử dụng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay các chứng chỉ đánh giá năng lực quốc tế là xu hướng tất yếu mà các trường sử dụng để bù đắp lỗ hổng này.

tuyen sinh 2

Ảnh minh họa

Nhìn mặt tích cực, việc mở rộng ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng thí sinh có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như TOEFL, IELTS có thể sẽ thúc đẩy phong trào học tiếng Anh và trình độ ngoại ngữ của học sinh trung học phổ thông cũng được nâng lên.

Tuy nhiên việc đánh giá năng lực của thí sinh bằng các chứng chỉ quốc tế sẽ tạo rào cản cho học sinh ở vùng sâu vùng xa khó tiếp cận. “Có những học sinh ở các tỉnh ven Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc,… hàng tuần gia đình vẫn phải thuê taxi cho con em lên các trung tâm tiếng Anh ở Hà Nội để ôn thi và được học với giáo viên bản xứ. Câu chuyện không chỉ là vấn đề tài chính mà còn là cơ hội tiếp cận với việc học và việc thi đã cho thấy sự không bình đẳng giữa các địa phương. Bởi vậy, các trường đại học tuyển sinh dựa trên các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nên có sự tính toán chi tiết để không cản trở, hạn chế cơ hội của nhóm yếu thế hơn trong xã hội.” – Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc chia sẻ.

Thông tin về việc ưu tiên xét tuyển với các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đã trở thành nỗi băn khoăn, lo lắng của nhiều gia đình. Trên thực tế, có rất nhiều gia đình không có đủ khả năng cả về tài chính lẫn điều kiện để cho con tham gia các kì thi IELTS, TOEFL hay được học tập với các thầy cô giỏi. Nếu các trường tăng tỉ lệ xét tuyển ưu tiên cho các thí sinh có chứng chỉ quốc tế, điều này vô hình trung làm giảm đi cơ hội cho những thí sinh không có chứng chỉ quốc tế.

Quan sát quá trình tuyển sinh của một số trường đại học xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế thời gian qua cho thấy, việc tăng chỉ tiêu cho thí sinh có bằng chứng chỉ quốc tế thì đã thu hẹp lại chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả kì thi THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm chuẩn của ngành học vì thế cũng tăng theo, nhất là với những ngành học “hot” tạo ra sức cạnh tranh rất lớn và có một phần thiệt thòi cho những thí sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc cho rằng, nếu các trường đại học thực sự quan tâm đến năng lực của học sinh thì nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc các trường đại học tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh chung cho học sinh. Như vậy sẽ có sự đánh giá cũng như cạnh tranh bình đẳng giữa các thí sinh trên khắp mọi miền mà lại không quá tốn kém như các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Bạn nghĩ sao?