Thay đổi về quy mô đầu tư
Theo Trưởng Ban Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Phạm Văn Mợi, hiện có trên 700 dự án đầu tư trên địa bàn; trong đó, có 376 dự án là có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động tại khu kinh tế, khu công nghiệp ở Hải Phòng.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong quý I/2020, số lao động tại các doanh nghiệp đã giảm khoảng 24% so với cùng kỳ, từ trên 130.000 người xuống còn khoảng 97.000 người. Tuy nhiên, cũng trong quý I, sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn tăng trưởng do duy trì nguồn nguyên liệu sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu.
Ông Phạm Văn Mợi phân tích, trong tháng 5 và tháng 6, tình hình của các doanh nghiệp sẽ hết sức khó khăn do nhỡ, thiếu đơn hàng. Nếu dịch COVID-19 có chuyển biến theo hướng tích cực, tình hình kinh tế xã hội ổn định thì từ tháng 7 trở đi, hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ổn định và phát triển.
Thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, từ quý III/2020, sẽ có một số nhà đầu tư lớn của Đài Loan (Trung Quốc), Nhật, Đức bắt đầu triển khai dự án tại Hải Phòng. Tập đoàn LG cũng sẽ đưa dây chuyền sản xuất tủ lạnh từ nước ngoài về Việt Nam. Các dự án này sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương.
Năm 2019, trong khi kim ngạch xuất khẩu của Hải Phòng đạt trên 18 tỷ USD thì các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Hải Phòng đã đóng góp tới 12,6 tỷ USD. Dự kiến trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trong Khu kinh tế Hải Phòng cũng đạt 2/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
Theo Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hải Phòng Lê Trí Vũ, thời gian tới, hàng loạt dự án lớn về du lịch, thương mại của Hải Phòng sẽ đi vào hoạt động. Cụ thể, dự án cáp treo dài 3.955 m nối đảo Cát Hải và Cát Bà của Tập đoàn Sungroup đang khẩn trương hoàn thành và dự kiến sẽ khai trương vào ngày 13/5. Hệ thống cáp treo này có công suất chuyên chở khoảng 4.500 người/giờ.
Tại Cát Bà, Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp Flamingo cũng đang được triển khai với 3 tòa nhà 18, 19 tầng và khoảng 1.200 phòng ở đạt tiêu chuẩn 5 sao. Ngoài ra, tổ hợp này cũng có tích hợp 150 dịch vụ vui chơi giải trí. Khi đi vào hoạt động, dự kiến Khu nghỉ dưỡng cao cấp của Flamingo sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.500 lao động.
Ngoài Tổ hợp nghỉ dưỡng Flamingo, tại Cát Bà còn có khách sạn 5 sao M’Gallery cũng sẽ được khai trương vào dịp 13/5. Đây là dấu mốc lần đầu tiên Cát Bà có khu nghỉ dưỡng và khách sạn 5 sao quy mô và tầm cỡ thế giới.
Tại khu vực trung tâm thành phố Hải Phòng, Trung tâm Thương mại và Văn phòng cho thuê cao 72 tầng do tập đoàn FLC là chủ đầu tư cũng sẽ được khởi công trong tháng 5.
Tập đoàn AEON Mall của Nhật Bản đang tiếp tục hoàn thiện Trung tâm thương mại AEON Mall Hải Phòng. Được biết, công trình cao 8 tầng với tổng diện tích 279.000 m2. Đây là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất Việt Nam. Dự kiến sẽ có khoảng 20.000 mặt hàng được bày bán; trong đó, sẽ dành ưu tiên cho hàng Việt Nam chất lượng cao và các hàng hóa của Hải Phòng. Khi đi vào hoạt động số lượng khách tới mua sắm, tham quan có thể đạt từ 13- 15 triệu người/mỗi năm, giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động. Nhà đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công để đi vào khai thác trong tháng 10/2021.
Tạo cơ chế linh hoạt
Theo ông Phạm Văn Mợi, các doanh nghiệp nước ngoài thường xuyên thay đổi công nghệ sản xuất. Do đó họ cần đưa đội ngũ chuyên gia vào Hải Phòng làm việc. Hiện các doanh nghiệp trong khu kinh tế Hải Phòng đang thiếu khoảng 1.000 chuyên gia; trong đó có những người phải ở lại nước sở tại do dịch COVID-19.
Dù một số doanh nghiệp phải cho lao động dừng việc, nghỉ việc nhưng các doanh nghiệp lớn vẫn phát triển ổn định hoặc chuyển hướng sản xuất kinh doanh để đảm bảo việc làm cho người lao động. Trong thời gian tới, các dự án của tập đoàn LG tiếp tục cần nguồn nhân lực. Công ty TNHH Regina Miracle đang chuyển hướng sản xuất từ hàng may mặc sang hàng bảo hộ. Trước thời điểm dịch bệnh, hàng hóa xuất khẩu của 2 công ty trên đã chiếm khoảng 80% tổng hàng hóa xuất khẩu của Hải Phòng.
Ông Lê Trí Vũ cho rằng, thành phố cần tiếp tục tập trung giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Đảm bảo điều kiện giao thông vận tải thông suốt phục vụ các dự án lớn. Việc giải phóng mặt bằng sẽ quyết định tiến độ triển khai dự án. Do đó, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai công việc liên quan đến từng sở, ngành, quận, huyện để tạo mặt bằng sạch, thuận lợi cho nhà đầu tư. Hải Phòng cũng cần hoàn thiện sớm quy hoạch không gian đô thị tại các quận, huyện, phát triển du lịch Cát Bà để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ của Thành ủy Hải Phòng mới đây, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục liên quan đến giấy phép cho người lao động nước ngoài đến Hải Phòng làm việc. Thành phố chỉ đạo các ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án lớn, tập trung giải quyết thủ tục đầu tư cho một số khu, cụm công nghiệp.
Theo công bố mới nhất của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Hải Phòng xếp vị trí thứ 10/63 tỉnh, thành phố, đạt 68,73 điểm, tăng 4,25 điểm và tăng 6 bậc so với năm 2018.
Kết quả PCI 2019 cho thấy, Hải Phòng nhận được sự đánh giá cao của các doanh nghiệp về chỉ số đào tạo lao động khi đứng đầu cả nước với 8,24 điểm. Đây cũng là chỉ số thành phần mà các doanh nghiệp Hải Phòng có mức độ hài lòng cao từ năm 2017 trở lại đây./.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Đà Nẵng: Khởi tố "đầu nậu" mua bán động vật hoang dã cung cấp cho nhà hàng, quán nhậu
- Hết Quý 1, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt trên 11%
- Dự án nâng cấp Quốc lộ 19: Mở rộng đường đèo An Khê
- Phú Yên: Ra mắt mô hình Tổ tự quản phân loại rác thải nhựa
- Đài Loan đầu tư 2 Dự án sản xuất giày, dép xuất khẩu 113 triệu USD tại Nghệ An
- Bắc Giang: Sắp có khu đô thị sân golf quy mô hơn 600ha