Phóng viên - 07:12 - 27/11/2020
 
Hàng năm, nhiều loại trái cây nhiệt đới được châu Âu nhập khẩu với giá trị tăng nhanh hơn lượng nhập khẩu.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan cho biết, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại trái cây và hương vị mới. Điều này dẫn đến giá trị của các lại trái cây đặc trưng vùng nhiệt đới được nâng cao hơn, nhất là ở khu vực Bắc Âu.

Thông qua các giá trị sức khỏe từ trái cây nhiệt đới đã giúp cho nhu cầu của người tiêu dùng châu Âu, trong số này đứng đầu là lựu, chanh dây, cây lý và trái vải. Ngoài ra, các loại trái cây đặc trưng khác như chôm chôm và khế chắc chắn sẽ là có tiềm năng tăng trưởng tại thị trường này.

1

Cơ hội cho trái cây nhiệt đới tại thị trường châu Âu  

 Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), theo Hiệp định EVFTA, rau quả là một trong những mặt hàng nông sản được hưởng lợi ngay khi hiệp định có hiệu lực với 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả được xóa bỏ.

Trong đó, việc giảm thuế theo EVFTA sẽ giúp trái cây Việt Nam có lợi thế rất lớn trên con đường đến với thị trường châu Âu bởi sản phẩm trái cây 2 bên có tính bổ trợ, chứ không phải cạnh tranh trực tiếp. “Có rất nhiều cơ hội được mở ra từ EVFTA để trái cây Việt Nam mở rộng thị trường tại EU và gia tăng thị phần tại các nước đã có nền tảng xuất khẩu từ trước. Sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu tăng cao trở lại, xuất khẩu mặt hàng này sang EU sẽ có những bước tiến đột biến”, ông Trần Thanh Hải – Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Ông Hải cũng cho biết, dù mới đi vào thực thi EVFTA hơn 3 tháng nhưng kim ngạch xuất khẩu nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến với mức giá khá cao. Hiện, EU là thị trường xuất khẩu thứ 4 của rau, quả Việt Nam. Theo dự báo, xuất khẩu rau quả sang thị trường này từ nay đến cuối năm có thể tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngày 17/9 vừa qua, lô hàng đầu tiên gồm 20.000 quả dừa tươi, 12 tấn bưởi da xanh và 3 tấn thanh long xuất khẩu sang EU Hiệp định EVFTA bằng đường tàu biển và hàng không.

2

 

Ngày 17/11, Thương vụ Hà Lan (Bộ Công thương) vừa công bố thông tin khảo sát thị trường châu Âu để doanh nghiệp (DN) có thể nắm được và điều chỉnh kế hoạch sản xuất – xuất khẩu cho phù hợp.

Đáng chú ý, kết quả khảo sát cho thấy, giá trị nhập khẩu của các mặt hàng ngoại như vải tươi, chanh dây, khế và thanh long đã và đang có mức tăng trưởng nhanh, tới 40% trong 5 năm qua. Điều này cho thấy, giá trị các mặt hàng xuất khẩu đang gia tăng và là tín hiệu đáng mừng đối với DN Việt.

Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý các DN xuất khẩu trái cây của Việt Nam, trong những dịp lễ đặc biệt, nhu cầu nhập khẩu trái cây sẽ tăng đáng kể, đây sẽ là cơ hội cho nhiều loại trái cây đặc trưng nhiệt đới. Cụ thể, cao điểm nhập khẩu trái cây của châu Âu sẽ là vào tháng 4, tháng 5 và tháng 12 hàng năm. Giáng sinh và năm mới là cao điểm người tiêu dùng châu Âu sẽ tiêu tiền nhiều hơn cho các mặt hàng xa xỉ và đồ ăn đặc biệt.

“Đặc biệt vải là một loại quả đặc trưng trong giai đoạn này, nhưng cũng có những loại trái cây trông hấp dẫn như thanh long và cà gai leo. Trong mùa Hè châu Âu (Tháng 7 và 8) nhu cầu trái cây của châu Âu chậm lại, chủ yếu do đây là mùa có của trái cây địa phương. Nếu DN muốn xuất khẩu trái cây lạ, cần phải tính đến nhu cầu theo mùa và điều chỉnh sản lượng cũng như kế hoạch cung cấp”, thương vụ Việt Nam tại Hà Lan lưu ý.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Hà Lan, trái cây xuất khẩu vào châu Âu thường được vận chuyển bằng đường hàng không, một phần vì nhu cầu của người mua nhỏ, nhưng điều quan trọng hơn để trái cây duy trì thời hạn sử dụng tốt nhất. Với sự cải tiến trong công nghệ xử lý và đóng gói, thời hạn sử dụng đang được kéo dài và vận chuyển đường biển cũng đang giúp trái cây xuất khẩu trở nên ngon hơn.

“Sản phẩm trái cây xuất khẩu có thể tiếp cận được nhiều đối tượng hơn, khi được chuyển từ các kênh chuyên biệt sang các siêu thị và nhà bán lẻ. Trái cây có hạn sử dụng lâu hơn và được vận chuyển bằng đường biển sẽ có ưu thế đối với các siêu thị, tạo ra giá cả phải chăng hơn đối với người tiêu dùng. Chanh dây xuất khẩu là một minh chứng, khi thời gian qua đã trở nên phù hợp hơn với vận tải đường biển nhờ vào việc cải tiến bao bì bảo vệ cũng như quá trình kiểm soát nhiệt độ chính xác”, Thương vụ khuyến cáo.

Ngoài ra theo Thương vụ, nhiều công nghệ có thể được được áp dụng để bảo quản trái cây trong quá trình vận chuyển và lưu giữ, bao gồm máy nhặt rác ethylene, máy lọc oxy, bao bì chống vi khuẩn và bao bì khí quyển sửa đổi (MAP).

Ngoài ra, sự phát triển công nghệ của bao bì thông minh đã dẫn đến các giải pháp sáng tạo như bao bì NanoPack - một dự án do EU tài trợ sẽ phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hư hỏng, dựa trên vật liệu nano tự nhiên để giảm lãng phí thực phẩm và ngăn ngừa vi khuẩn truyền bệnh qua thực phẩm.

Bạn nghĩ sao?