Văn Toàn -
 
Cơn sốt bất động sản công nghiệp đã thu hút sự quan tâm của nhiều gương mặt mới và đây cũng là lúc thay đổi tư duy phát triển bất động sản công nghiệp để có thể bứt phá.

Nhiều “tân binh” nhập cuộc

Mới đây, Tập đoàn Asanzo gây chú ý khi quyết định chi cả nghìn tỷ đồng để thành lập Tập đoàn Đầu tư tài chính Winsan, một công ty mới hoạt động đa ngành, bao gồm cả bất động sản công nghiệp. Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Winsan cho biết, nguồn lực ban đầu dành cho doanh nghiệp mới này dự kiến khoảng 1.000 tỷ đồng và 70% số vốn được dùng để đầu tư cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

“Trong bối cảnh Covid-19 tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế thì thương mại điện tử sẽ tạo đà cho bất động sản công nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi đang tăng dần. Ngoài ra, sự chuyển dịch sản xuất từ những công ty toàn cầu sang Việt Nam cũng mang đến nhiều tín hiệu tích cực cho bất động sản công nghiệp”, ông Tam nhận định.

bat-dong-san-cong-nghiep-phia-nam-lep-ve-hon-so-voi-mien-bac

Bất động sản công nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu thuê nhà xưởng, kho bãi đang tăng dần 

Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt thông qua chủ trương góp 68% vốn, tức khoảng 462 tỷ đồng, để thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển khu công nghiệp Phát Đạt. Đây là động thái mới của Phát Đạt nhằm mở rộng sang lĩnh vực bất động sản công nghiệp.

“Ông lớn” trong ngành bất động sản Vingroup cũng lấn sân bất động sản công nghiệp với việc thành lập Công ty Đầu tư khu công nghiệp Vinhomes. Công ty cổ phần Xây dựng và phát triển đô thị Hòa Phát - một thành viên của Tập đoàn Hòa Phát, đã “nhanh chân” đầu tư vào bất động sản công nghiệp. Hay như DRH Holdings cũng đã trình cổ đông kế hoạch đầu tư vào lĩnh vực giàu tiềm năng này nhằm đón đầu làn sóng dịch chuyển đầu tư.

Không chỉ là doanh nghiệp trong ngành, sức hấp dẫn của bất động sản công nghiệp còn thu hút sự quan tâm của những doanh nghiệp ngoài ngành. Đơn cử, Tổng công ty Cao su Đồng Nai đang ráo riết chuẩn bị quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp tại địa bàn các huyện Thống Nhất, Long Khánh, Cẩm Mỹ.

Chia sẻ về cuộc chuyển hướng này, ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Cao su Đồng Nai cho biết, bắt đầu từ năm 2020, Công ty triển khai mở rộng 500 ha đối với Khu công nghiệp Long Khánh và 70 ha đối với Khu công nghiệp Dầu Giây và dự kiến đến năm 2025 sẽ chuyển đổi 2.000 ha đất trồng cao su sang đầu tư khu công nghiệp.

“Tổng công ty đã đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xem xét cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với 18.000 ha đất cao su đang quản lý để phát triển 5.000 ha khu, cụm công nghiệp. Diện tích đất chuyển đổi sẽ phục vụ cho giai đoạn từ nay đến năm 2030”, ông Tuấn cho hay.

Tương tự, đại gia ngành điện là Tổng công ty cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) đã công khai chiến lược mới với việc rút khỏi mảng logistics, chuyển sang bất động sản khu công nghiệp bằng kế hoạch thâu tóm Tổng công ty Viglacera.

Thay đổi để bứt phá

Chia sẻ tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam: Đón sóng đầu tư mới, do Báo Đầu tư phối hợp với Công ty BW Industrial tổ chức tuần qua, các chuyên gia đều có chung nhận định rằng, bất động sản công nghiệp đang cho thấy sức hút rất lớn trong bối cảnh dòng vốn đầu tư chảy mạnh vào Việt Nam.

2

Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu của nguồn vốn đầu tư nước ngoài 

Ông C.K Tong, Tổng giám đốc BW Industrial cho biết, Việt Nam đang trở thành điểm đến hàng đầu của nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhờ vị trí chiến lược, nguồn lao động trẻ, dồi dào, các hiệp định thương mại tự do bắt đầu có hiệu lực cùng kinh tế vĩ mô vững chắc và linh hoạt.

“Cuộc dịch chuyển này sẽ không chỉ có những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, mà các công ty khởi nghiệp, các nhà sản xuất công nghệ cao và kỹ thuật số… cũng đang chạy đua để xây dựng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam”, ông C.K Tong nói.

Theo cách ví von của ông C.K Tong, những doanh nghiệp này như những “chú ong chúa”. Khi “ong chúa” dịch chuyển sẽ mang theo đàn “ong thợ” là hàng trăm nhà cung ứng khác đến Việt Nam.

“Một điểm cần lưu ý là các nhà sản xuất sẽ không di chuyển một mình bởi yếu tố chuyên môn hóa sản xuất. Theo đó, sự dịch chuyển của toàn bộ hệ sinh thái chuỗi cung ứng là tất yếu. Nhưng các doanh nghiệp này hiện đang gặp thách thức về vốn, địa điểm xây dựng, giấy phép và nguồn lao động. Vì thế, các yếu tố liên quan tới hạ tầng cơ sở như nhà kho, xưởng… xây sẵn là một giải pháp”, ông C.K Tong phân tích.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và marketing, Công ty TNHH Quản lý Deep C đánh giá, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, Việt Nam đang là một biểu tượng phát triển mạnh mẽ trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn có một vài nút thắt cần tháo gỡ, một trong số đó liên quan đến hạ tầng cơ sở và chi phí của logistic.

Theo ông Koen Soenens, trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều cải thiện về cơ sở hạ tầng như thúc đẩy xây dựng các tuyến cao tốc…, nhưng nếu so sánh với các quốc gia khác thì cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, kẹt xe cũng là vấn đề mà Việt Nam cần phải giải quyết trong thời gian tới bởi sẽ khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, từ đó dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao.

Một nút thắt khác cũng được chỉ ra, đó là nguồn cung và hiệu suất lao động tại Việt Nam. Ông Koen Soenens cho biết, đây là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp FDI nói chung, Deep C nói riêng, phải đối mặt khi có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam.

“Tại Việt Nam, chi phí rẻ là một lợi thế khi mức lương tháng trung bình của công nhân thấp hơn so với các nước khác, song điều bất lợi là hiệu suất lao động cũng không cao, nguyên nhân có thể liên quan đến nhiều yếu tố như công tác đào tạo, chất lượng nhân sự chưa đồng đều… Để tăng sức hút nhà sản xuất nước ngoài, điều này cần phải cải thiện sớm trong thời gian tới”, ông Koen Soenens nói.

Bạn nghĩ sao?