Hoàng Hiếu - 08:05 - 05/11/2020
 
Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng từ ngày 15/11 sắp tới quy định người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ được áp dụng từ ngày 15/11 sắp tới quy định người có hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu, bia sẽ bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng. Ép buộc uống rượu, bia sẽ bị xử phạt 1-3 triệu đồng. Vậy làm sao để chứng minh được việc có người ép buộc hay dụ dỗ mình uống rượu bia? Cơ quan chức năng nào sẽ xử phạt? Quy trình của việc phát hiện, xử lý thế nào?

 Nếu mà xử phạt thì bằng chứng là gì? Ghi âm lại lời của người ta à? Cái đó nó hơi kì. Rất khó để thu thập cái lời nói của họ. Cái cơ sở để phạt, tôi nghĩ là là khó. Anh Nguyễn Trọng Thanh  - quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội cho biết.

1

 

 Còn anh Nguyễn Văn Hải quận Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội thắc mắc: Đơn vị mà mình muốn tố cáo cũng chưa biết là tố cáo ở đâu. Tôi nghĩ là cứ tặc lưỡi cho qua đi.

Tặc lưỡi cho qua là cách mà đa số người đều chọn khi được những người thân thiết mời hay ép uống bia rượu.

Kể cả khi muốn tố giác bạn nhậu thì cũng là một việc rất khó xảy ra. Trừ người tố giác có ý đồ trước để chuẩn bị các phương tiện ghi âm, ghi hình để có thể làm căn cứ cho các cơ quan chức năng xử phạt. Còn nếu báo tin để xử phạt, bắt quả tang thì gần như là việc hy hữu.

Theo các luật sư, cần phải có hướng dẫn chi tiết hơn, chỉ rõ thế nào là hành vi lôi kéo, kích động, xúi giục người khác uống rượu bia. Lôi kéo đến mức nào thì bị xử phạt.

Về góc độ Pháp luật Tiến sĩ Lê Ngọc Khánh, Công ty luật TGS, Đoàn luật sư TP.Hà Nội nêu quan điểm: Ép buộc là dùng những cái tác động lời nói, tinh thần, hành động để ép người khác phải làm theo. Đã có xảy ra trường hợp mời rượu không uống giết chết bạn nhậu. Vấn đề là lôi kéo và ép buộc là như thế nào. Luật của chúng ta quy định nó chưa rõ.

2

 

Còn theo Vụ pháp chế, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia, quy định không có nghĩa cứ đưa ra là phải được xử lí.

Đây là việc thể hiện sự lên án mạnh mẽ ép buộc, xúi giục lôi kéo người khác uống rượu bia nhằm định hướng hành vi để người dân có ý thức hơn.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho biết: Pháp luật của nước ta thì đề cao nhân văn. Tức là đầu tiên là giáo dục, thuyết phục, làm cho người dân, những anh sử dụng rượu bia biết là có những cái quy định như vậy để tự điều tiết cái hành vi của mình. Nếu cái uống rượu nó gây ra cái tai nạn đấm đá nhau, thậm chí đâm chém nhau dẫn đến chết người thì lúc đó ta sẽ quy kết cái trách nhiệm để có cơ chế xử lí.

Sắp tới, NĐ 117 được kì vọng sẽ tạo được nếp sống mới trong xã hội là uống rượu bia theo nhu cầu, sở thích, thói quen thay vì bị mời, bị ép buộc. Nhưng có lẽ sẽ cần những hướng dẫn cụ thể hơn để đi vào cuộc sống.

Bạn nghĩ sao?