PV -
 
Tổng cục Hải quan đề nghị Công ty IAS-8 là đại diện hợp pháp về Sở hữu trí tuệ của các nhãn hàng rượu Hennessy, Martell, Remy Martin để phối hợp nhận diện lô hàng hơn 8 nghìn chai rượu ngoại và kết luận không có sản phẩm nào có vẻ như là hàng giả.

 

Trong công văn trả lời Báo điện tử Tầm nhìn, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết: Ngày 27/12/2017, Văn Phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia nhận được thông tin phản ánh về lô hàng đóng trong Container số ZCSU 9002724, vận chuyển trên xe ô tô biển số 15C-10220 nghi vấn là rượu ngoại, nhưng khai báo chung chung có dấu hiệu vi phạm. Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia đã có công văn số 492/VPTT-TH để nghị Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đối với lô hàng trên của Công ty Tuấn Minh từ cửa khẩu Chi Ma - Lạng Sơn đi cửa khẩu Sóc Giang - Cao Bằng.

Ngày 28/12/2019, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang, Cục PCMT&TP Bộ Tư lệnh - Bộ đội biên phòng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Sóc Giang kiểm tra thực tế lô hàng trên. Kết quả kiểm tra: thiếu 36 chai rượu so với khai báo thực tế.

Ngày 06/01/2020, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia có công văn số 01/VPTT-TH đề nghị Công ty IAS-8 Việt Nam (là đại diện hợp pháp về SHTT của các nhãn hàng rượu Hennessy, Martell, Remy Martin) phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng nhận diện, giám định với lô hàng rượu trên.

Ngày 12/02/2020, tại khu vực giám sát Hải quan thuộc cửa khẩu Sóc Giang, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia, Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang, Công ty TNHH IAS-8 Việt Nam tiến hành nhận diện, giám định lô hàng rượu trên. Đại diện Công ty TNHH IAS-8 Việt Nam tiến hành nhận diện, giám định bằng mắt thường 04 mặt hàng thuộc lô hàng rượu trên. Đáng chú ý, trong lô hàng gồm 4 loại rượu với số lượng tổng công lên tới 8.484 chai rượu này, mỗi loại rượu chỉ được mở để giám định chỉ từ 2 đến 4 hộp (tức là chỉ giám định từ 12 đến 24 chai/mỗi loại). Chỉ kiểm tra bằng mắt thường về vỏ hộp, tem và nhãn mác.

0455_IMG_20200616_162956_465

 Theo công văn của Cục Điều tra Chống buôn lậu - Tổng Cục Hải quan thì chỉ kiểm tra tối đa 24 chai mỗi loại trong tổng số 8.484 chai.

Ngày 24/2/2020, Công ty TNHH IAS-8 Việt Nam có công văn gửi Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia kết luận: Không có sản phẩm nào có vẻ như là hàng giả. Chất lỏng chưa được phân tích, nhưng việc nhận dạng bề ngoài có vẻ đã đủ.

Ngày 09/3/2020, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia có công văn số 53/VPTT-TH ngày 09/3/2020 đề nghị Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng tiến hành xử lý lô hàng trên theo quy định. Ngày 13/3/2020, Cục Điều tra chống buôn lậu có Công văn số 306/ĐTCBL-Đ1 đề nghị Cục Hải quan tỉnh Cao Bằng tiếp tục thực hiện các thủ tục tiếp theo đối với lô hàng trên theo quy định. Quá trình, kết quả xử lý thông báo cho Cục Điều tra chống buôn lậu và Văn phòng thường trực BCĐ 389 Quốc gia để tổng hợp, báo cáo.

Theo thông tin của đồng chí Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang đến ngày 12/6/2020 lô hàng vẫn đang nằm trên khu vực cửa khẩu Sóc Giang và chịu sự giám sát của Chi cục Hải quan cửa khẩu Sóc Giang.

Ở một diễn biến khác, trong công văn phản hồi gửi tới Báo điện tử Tầm nhìn, Công ty Cổ phần phân phối Moët Hennessy Việt Nam cho biết dường như lô hàng này thuộc diện kinh doanh hàng tạm nhập tái xuất. Các sai phạm đã được làm rõ và bị cơ quan chức năng xử lý.

Moët Hennessy cũng khẳng định Công ty Hennessy Việt Nam không có bất kỳ hoạt động gì liên quan đến kho ngoại quan theo như giấy phép kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp. Vụ việc trên đã được cơ quan chức năng thông tin và xử lý xong. Công ty Hennessy Việt Nam không biết gì hơn ngoài những thông tin mà Báo điện tử Tầm nhìn cung cấp.

0442_1

 Công văn của Moët Hennessy Việt Nam khẳng định không có bất kỳ hoạt động gì liên quan đến kho ngoại quan

Như vậy, đến nay dư luận vẫn chưa có được bất kỳ thông tin gì về nguồn gốc xuất sứ hàng hóa từ đâu và sẽ được xuất đi đâu? Việc “nhận dạng bề ngoài có vẻ đã đủ” có thật sự đủ căn cứ để xác minh nguồn gốc lô hàng trên hay chưa?

Báo điện tử Tầm nhìn sẽ tiếp tục thông tin!

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?