Thu Trang -
 
Mới đây, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ban hành Công văn số 687/TMĐT-TTCNS gửi các Sàn thương mại điện tử về việc tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu như ưu tiên hiển thị các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) khẩn trương phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn triển khai các phương án theo nhiệm vụ được Bộ trưởng Bộ Công Thương giao về việc đảm bảo cung ứng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua thương mại điện tử.

Ngày 7/7 thực hiện theo chỉ đạo giãn cách toàn thành phố, lần lượt các chợ đầu mối thực phẩm tươi sống lớn tại TP. Hồ Chí Minh đã tạm dừng các hoạt động kinh doanh, nhiều Trung tâm thương mại, siêu thị và cửa hàng bách hóa đang gặp tình trạng quá tải và hết hàng khi chỉ có khả năng đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa. Nhằm đảm bảo việc cung ứng và lưu thông hàng hóa thiết yếu kịp thời, chiều cùng ngày, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn thành lập Ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

TMDT 2

 

Thực hiện Quyết định số 1724/QĐ-BCT ngày 7/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Công Thương trong đó nêu rõ: “Tập trung chỉ hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện mua bán theo hình thức trực tuyến”, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã khẩn trương làm việc trao đổi với các sàn thương mại điện tử lớn để lên phương án chuẩn bị tốt nguồn cung ứng hàng hóa nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu cho khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thông qua phương thức giao dịch trực tuyến qua thương mại điện tử.

Tại cuộc họp ngày 7/7 Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã đánh giá, TP. Hồ Chí Minh cũng đã tương đối chủ động và tích cực đưa ra các phương án, kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng có thực tế là tại TP. Hồ Chí Minh, chợ đầu mối và các chợ truyền thống đang giữ vai trò chủ đạo, với 70% lượng hàng hóa cung ứng cho toàn thành phố. Theo đó, khi các chợ này đóng cửa sẽ tác động và gây áp lực đáng kể cho cho các Trung tâm thương mại, siêu thị vốn chỉ đáp ứng được 30% lượng cung ứng hàng hóa.

Ngày 8/7, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã ban hành Công văn số 687/TMĐT-TTCNS gửi các Sàn thương mại điện tử về việc tổ chức đảm bảo nguồn cung hàng hoá thiết yếu như ưu tiên hiển thị các mặt hàng nông sản, thực phẩm, nhu yếu phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, kết nối với các doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối bán lẻ uy tín để nhanh chóng đảm bảo nguồn cung; có các chương trình, chính sách hỗ trợ thương mại điện tử đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân đặt mua sản phẩm hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trên sàn thương mại điện tử một cách thuận lợi.

Bên cạnh đó, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cũng đã có kế hoạch phối hợp cùng các đơn vị thuộc Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Tổng Cục Quản lý thị trường trong việc phối hợp thông tin điều tiết chuỗi cung ứng và đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam; phối hợp các cơ quan truyền thông trong việc tăng cường đẩy mạnh tuyên truyền để người dân khu vực TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam khuyến khích, tăng cường mua sắm hàng hoá thiết yếu trên các Sàn thương mại điện tử uy tín, một mặt đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của người dân, mặt khác vẫn đảm bảo công tác chống dịch trong bối cảnh giãn cách xã hội.

Với lợi thế của thương mại điện tử, trường hợp các hàng hóa thiết yếu thiếu hụt cục bộ ở một số địa phương, một số điểm, các nhà cung cấp có thể bổ sung nguồn cung một cách nhanh chóng và giao tới người dân kịp thời mà không nhất thiết phải tiếp xúc trực tiếp qua phương thức mua sắm tại siêu thị, chợ truyền thống.

Ngoài ra, khi mua hàng thông qua thương mại điện tử, các hoạt động giao hàng đều đảm bảo các quy tắc về phòng chống dịch, với các sàn thương mại điện tử uy tín người mua hàng hoàn toàn có thể lựa chọn hình thức giao hàng nhanh hoặc giao hàng tiết kiệm tùy thuộc vào sản phẩm đặt mua.

Như vậy, việc mua thực phẩm tươi sống hay các đồ dùng thiết yếu sẽ không gặp nhiều khó khăn, các siêu thị và cửa hàng bách hóa sẽ giảm thiểu được tình trạng quá tải, hết hàng.

Việc tăng cường lưu thông hàng hóa qua thương mại điện tử được xem là nhiệm vụ và phương thức phù hợp, cấp thiết trong tình hình hiện nay, TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận cần chủ động, tích cực thông tin đến người tiêu dùng các kênh cung ứng hàng hóa trực tuyến qua thương mại điện tử, từ đó dần phát huy được hiệu quả của thương mại điện tử đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp.

Bạn nghĩ sao?