Thu Trang - 17:15 - 25/08/2021
 
Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty cổ phần Fecon( mã chứng khoán: FCN) ghi nhận con số lợi nhuận khá ấn tượng, nhưng các khoản vay nợ của Fecon lại tăng mạnh, nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu 17%.

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2021 Fecon vừa công bố, doanh thu từ bán hàng, xây lắp và cung cấp dịch vụ, đạt gần 1.341 tỷ đồng tăng 13% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp của công ty đạt 239 tỷ đồng, tăng 28%. Lợi nhuận thuần ghi nhận hơn 68 tỷ đồng, tăng 32% và lãi sau thuế tại Fecon đạt gần 50,4 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng quý 2/2021 lãi ròng đạt hơn 34 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ; biên lợi nhuận gộp là 17,6%, tuy giảm nhẹ so với 18% của quý 1 nhưng cao hơn so với mức 14% của cùng kỳ.

Theo lãnh đạo Fecon, kết quả kinh doanh đạt được là nhờ chi phí vốn giảm nhẹ cùng sự đóng góp của các dự án điện gió mà Công ty đang triển khai trong vai trò tổng thầu C.BoP (tổng thầu xây dựng và hạ tầng), đặc biệt là các dự án có tiến độ thi công tốt như: Cụm trang trại điện gió B&T Quảng Bình (tổng giá trị trúng thầu 1,180 tỷ đồng), Điện gió Thái Hoà (tổng giá trị 276 tỷ đồng), Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (tổng giá trị 440 tỷ đồng).

FECON 1

Kết quả doanh thu theo quý của Fecon

Mặc dù lợi nhuận sau thuế của Fecon tăng, nhưng nhìn tổng quát về bức tranh tài chính của công ty này thì không mấy khởi sắc. Tính đến ngày cuối cùng của tháng 6/2021 nợ ngắn hạn của Fecon đạt gần 1.683 tỷ đồng, tăng 38% so với hồi đầu năm; nợ trong dài hạn là 922 tỷ đồng, tăng 146%. 

Tổng vay và nợ thuê tài chính của công ty đã lên đến hơn 2.600 tỷ đồng, vượt 17% so với vốn chủ sở hữu (2.230 tỷ đồng).

Nợ vay tăng mạnh dẫn đến các khoản chi phí lãi vay trong 6 tháng đầu năm 2021  tăng 146 so với cùng kì năm trước, lên hơn 64 tỷ đồng.  Ngoài chi phí vay lãi của Fecon tăng, các chi phí khác liên quan đến hoạt động tài chính cũng tăng dẫn tới chi phí tài chính trong kỳ tăng 48%, lên hơn 68 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 6/2021, Fecon chỉ có gần 325 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, giảm nhẹ so với đầu năm.

Tính đến cuối quý II tổng tài sản của Fecon đạt 7.840 tỷ đồng, tăng 15,6% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt của doanh nghiệp chỉ chiếm chưa đến 5%.

Fecon2

Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh gấp 19 lần

Báo cáo tài chính cũng cho thấy giá trị hàng tồn kho đạt hơn 1.773 tỷ đồng, tăng 72,4%. Chiếm tỷ trọng cao nhất (93,6%) trong hàng tồn kho là chi phí cho sản xuất và kinh doanh dở dang 1.659 tỷ đồng, cũng tăng 84%. Đáng chú ý là chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng mạnh gấp 19 lần, đạt gần 888 tỷ đồng so với 46 tỷ đồng hồi đầu năm.

Ngoài ra, các khoản phải thu trong ngắn hạn của Fecon đạt 610 tỷ đồng, giảm so với con số 643 tỷ đồng hồi đầu năm, chiếm phần lớn giá trị là khoản tạm ứng 487 tỷ đồng. Trong dài hạn, khoản ký quỹ, ký cược và các khoản phải thu khác là 78,6 tỷ đồng, tăng 93%.

Mặc dù, sức khỏe tài chính không mấy ổn định khi các khoản vay nợ, hàng tồn kho liên tục tăng mạnh nhưng Fecon vẫn đặt ra mục tiêu ký hợp đồng với giá trị khoảng 5.000 tỷ đồng, tính đến thời điểm này, giá trị ký mới đạt được khoảng 1.500 tỷ đồng.

Với khả năng cao trong việc tham gia 2 dự án nhiệt điện lớn vào cuối năm nay và đầu năm tới, cùng các dự án năng lượng điện gió và các dự án hạ tầng, FECON tự tin hoàn thành kế hoạch ký mới hợp đồng và kế hoạch doanh thu 3.900 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 175 tỷ đồng.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?