Hoàng Anh -
 
Theo tính toán, sau hơn 5 năm thực hiện Đề án chăn nuôi thâm canh thịt bò chất lượng cao, người chăn nuôi ở Bình Định đạt doanh thu khoảng hơn 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng.

 Tháng 5/2020, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Chứng nhận đăng ký sở hữu trí tuệ bò thịt chất lượng cao Bình Định. Đây là tiền đề để người dân mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo hướng bền vững, không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn có thể làm giàu.

Từ năm 2015, tỉnh Bình Định triển khai Đề án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao giai đoạn 2015-2020. Sau 5 năm thực hiện đề án, tỉnh Bình Định đã xây dựng được 43 mô hình ở 7 huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh. Theo đó, mỗi gia đình tham gia mô hình được hỗ trợ 1 phần chi phí mua bò giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng cỏ làm thức ăn… Chương trình nhằm tăng cường phối giống các giống bò chất lượng cao như bò BBB (bà lang trắng- xanh Bỉ), Red Angus để từng bước cải thiện chất lượng đàn bò, thay đổi thói quen chăn nuôi của người dân.

1

 Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao

Ông Ðặng Ðình Tùng (xã Mỹ Lộc, huyện Phù Mỹ) cho biết: những năm trước đây, gia đình ông chủ yếu nuôi giống bò vàng, dáng vóc nhỏ, trọng lượng thấp, sản lượng thịt không cao. Từ năm 2015, gia đình ông được Trung tâm Giống vật nuôi Bình Ðịnh hỗ trợ giống chuyển giao kỹ thuật, tham gia đề án phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao trong nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Theo đó, mỗi hộ nông dân sẽ được hỗ trợ 30 triệu đồng để mua 10 con bò giống, mua thức ăn gia súc và được tham gia các lớp tập huấn kỹ năng chăn nuôi bò thịt chất lượng cao. Những giống bò mới là 3B và Red Angus đã giúp gia đình ông đạt hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước đây. Ông Tùng chia sẻ: "Ban đầu tôi nhập về 10 con bò giống (khoảng 4 - 5 tháng tuổi, trọng lượng từ 50 đến 150kg) giá 150 triệu đồng. Sau hai năm nuôi, bò thịt lên được khoảng 700kg, giá thành 60 triệu đồng/con, trừ đi chi phí thì lãi khoảng 200 triệu đồng".

Hiện nay, mô hình nuôi bò thịt chất lượng cao đang được nhân rộng tại Bình Ðịnh. Hàng trăm hộ nông dân đã thật sự đổi đời từ mô hình này. Không chỉ các hộ chuyên nuôi bò, các ngành nghề phụ trợ lĩnh vực này cũng mang lại hiệu quả kinh tế cao như nghề phối giống thụ tinh nhân tạo cho bò, trồng cỏ voi, bán hèm rượu làm thức ăn gia súc… Anh Nguyễn Hữu Ðộ, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn đã làm giàu nhờ nghề dẫn tinh viên (nhân viên thụ tinh nhân tạo cho bò). Mỗi ngày, anh nhận nguồn tinh bò lai chất lượng cao nhập khẩu từ Trung tâm Giống vật nuôi Bình Ðịnh và đi thụ tinh nhân tạo cho ba đến bốn con bò cái trong địa phương. Mỗi ngày, thu nhập của anh khoảng 500 nghìn đồng.

Theo Giám đốc Trung tâm Giống vật nuôi Bình Ðịnh Trần Văn Hạnh, từ năm 2015 đến nay, số lượng bê thịt chất lượng cao (giống bò 3B và giống bò Red Angus) trung bình mỗi năm sinh ra hơn 15 nghìn con. Phần lớn bê giống được người nông dân bán cho các tỉnh lân cận, chỉ có khoảng 30% số bê giống được tiếp tục nuôi trong tỉnh để phát triển thành bò thịt chất lượng cao. "Chúng tôi đang khuyến khích những hộ có điều kiện tiếp tục nuôi từ bê giống lên bò thịt để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Ðồng thời chúng tôi cũng đang lập hồ sơ để đăng ký thương hiệu Bò thịt chất lượng cao Bình Ðịnh, dự kiến hoàn thành trong năm 2020", ông Hạnh cho biết.

Đề án chăn nuôi bò thịt chất lượng cao của tỉnh Bình Định khởi động năm 2015. Trong năm đầu chỉ có 20.000 con bò được phối các giống chất lượng cao như BBB và Red Angus. Bê lai sinh ra trọng lượng khoảng 30kg, khả năng thích nghi, sinh trưởng tốt, chất lượng cao được thị trường ưa chuộng. Bê lai bán được giá nên những năm sau, số bò được phối các giống này tăng lên gấp 3 lần.

Đến nay, tổng đàn bò ở Bình Định tăng lên gần 300.000 con, tỷ lệ bò lai đạt trên 87%. Trong đó có 120.000 con bò cái giống, là nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh công tác lai tạo đàn bò trong thời gian tới.

Ông Ngô Văn Ngọc, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết: “Giai đoạn trước trên địa bàn An Nhơn triển khai giống bò Bratman, giai đoạn sau này đưa giống bò thịt chất lượng cao như Red Angus và BBB. Qua quá trình phối giống, chăm sóc nuôi dưỡng bà con chăn nuôi đã thấy con Red Angus và BBB sau khi nuôi bê từ 4 đến 6 tháng tuổi thì bán bê lai, bò thịt chất lượng cao thì có giá cao hơn so với bò Bratman từ 3 đến 6 triệu đồng/con. Và trong giai đoạn tới thì vẫn triển khai trên địa bàn giống bò BBB và Red Angus".

Theo tính toán, sau hơn 5 năm thực hiện Đề án chăn nuôi thâm canh thịt bò chất lượng cao, người chăn nuôi ở Bình Định đạt doanh thu khoảng hơn 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt hơn 3.000 tỷ đồng. Đây là nguồn thu cao và bền vững, thúc đẩy người chăn nuôi tiếp tục gắn bó với giống bò chất lượng cao.

Năm ngoái, tỉnh Bình Định xuất bán bò hơi đạt trên 33.000 tấn, trong đó 80% bán cho thị trường TP HCM và các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên.

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết, với chứng nhận bò thịt chất lượng cao được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là tiền đề để Bình Định tiếp tục đẩy mạnh đề án này, mang lại sự phát triển bền vững trong chăn nuôi.

“Các nhà doanh nghiệp đã bắt đầu cùng với bà con liên kết vừa sản xuất vừa tiêu thụ và hình thành HTX nông nghiệp chuyên về chăn nuôi bò thịt. Đặc biệt con bò thịt chất lượng cao đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là con bò thịt chất lượng cao của tỉnh Bình Định là điều rất quý, rất thành công của chương trình này" - ông Hùng nhấn mạnh.

Bạn nghĩ sao?