Từ năm 2021 - 2025, Bạc Liêu sẽ tập trung đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực được xác định như các dự án điện gió ven biển.

 Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, tỉnh đang phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân lĩnh công nghiệp đạt từ 15,3%/năm và lĩnh vực xây dựng đạt từ 20%/năm trở lên.

Theo đó, từ năm 2021 - 2025, Bạc Liêu sẽ tập trung đầu tư, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án động lực được xác định như các dự án điện gió ven biển. Từ đó, đưa Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo của quốc gia.

photo1613986256714-16139862569451114074558

 

Cùng đó, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), đảm bảo đúng tiến độ theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh (đưa tổ máy đầu tiên của nhà máy điện vào vận hành năm 2024, hoàn thành đi công suất năm 2027).

Bên cạnh đó, Bạc Liêu tiếp tục phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng, bám sát và nâng cao giá trị gia tăng cho toàn chuỗi như: công nghiệp chế biến nông, thủy sản, công nghiệp muối và sản phẩm từ muối, may mặc, cơ khí chế tạo nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng phát triển các cơ sở công nghiệp sơ chế nông sản ở nông thôn.

Cũng theo ông Phạm Văn Thiều, cùng với việc thu hút một số doanh nghiệp công nghệ thông tin chủ lực thực hiện hiệu quả vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, tiến tới cho nền kinh tế số, xã hội số, tỉnh tích cực thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng - kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, nhất là Khu công nghiệp Láng Trâm.

Ngoài ra, tỉnh sẽ chú trọng phát triển khu, cụm công nghiệp để giải quyết việc làm, các nhà máy chế biến nông, thủy sản xuất khẩu theo hướng chế biến tinh sâu, tạo giá trị gia tăng cao; xây dựng các cơ sở chế biến gạo xuất khẩu chất lượng cao, có quy mô lớn tại các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Phước Long và thị xã Giá Rai theo quy mô khép kín, từ đầu tư cho sản xuất, đến thu mua, chế biến, bảo quản, xuất khẩu; gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp chế biến hàng xuất khẩu.....

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi, lưới điện; quan tâm đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường về trung tâm các huyện, xã; các dự án chống biến đổi khí hậu; từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông quan trọng, huyết mạch, kiến nghị Chính phủ đầu tư phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông.. và duy tu sửa chữa các tuyến đường hiện có.

Bạc Liêu cũng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đầu tư xây dụng hệ thống thủy lợi đa mục tiêu, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Hiện tỉnh Bạc Liêu đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đột phá là công nghiệp năng lượng tái tạo, điện khí, công nghiệp chế biển thủy hải sản; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều, thời gian qua, công nghiệp Bạc Liêu vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, quy mô sản xuất được mở rộng, không ngừng cải tiến, đổi mới dây chuyền công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh.

Giá trị gia tăng khu vực công nghiệp (theo giá 2010) tăng từ 1.883 tỷ đồng năm 2015 lên 3.295 tỷ đồng (ước năm 2020), tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 11,84%/năm. Cụ thể, công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu giữ vai trò chủ lực, với hệ thống 23 nhà máy chế biến có tổng quy mô công suất thiết kế khoảng 135.000 tấn/năm, sản lượng chế biến tăng từ 61.051 tấn năm 2015 lên năm 97.500 tấn ước 2020, bình quân giai đoạn 2016 – 2020 tăng 9,82%/năm; tạo việc làm cho 35.000 lao động; một số nhà máy đang được đầu tư xây dựng mới và mở rộng quy mô công suất, nâng cấp dây chuyền thiết bị hiện đại theo hướng sản xuất chuyên sâu, tạo giá trị gia tăng ngày càng lớn.

Cũng theo ông Phạm Văn Thiều, tỉnh đang triển khai thi công 9 dự án điện gió với tổng công suất 562 MW, đang kiến nghị xin bổ sung thêm 2 dự án điện gió với tổng công suất 200MW vào Quy hoạch Điện VII điều chỉnh. Còn lại đề nghị đưa vào Quy hoạch Điện VIII với tổng quy mô công suất các nguồn điện là 9.140,6 MW để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trong giai đoạn tiếp theo; Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD. Ngoài ra, tỉnh có 10 làng nghề được khôi phục, công nhận; từ năm 2017 đến nay đã công nhận 12 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; trong đó, đạt cấp khu vực là 3 sản phẩm và 1 sản phẩm cấp quốc gia./.

Bạn nghĩ sao?