Nguyễn Long -
 
Quý 2/2021, ngành ngân hàng tiếp tục được đánh giá có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên song song với nó, là nợ xấu của các ngân hàng cũng đang tăng ở mức cao. Agribank là một điển hình của nợ xấu tăng cao trong toàn ngành, quý 2/2021 ghi nhận nợ xấu tăng kỷ lục 13% lên trên 24.000 tỷ đồng nợ xấu và chiếm trên 32,8% vốn chủ sở hữu.  
1445_3

 

Báo cáo tài chính riêng quý 2/2021 của Agribank cho thấy, quý 2/2021 lãi của nhà băng này tăng thêm 2.127 tỷ đồng (tương đương tăng 3,8%), hiện đạt 57.149 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư, lãi thuần từ hoạt động khác cũng đều tăng và tổng chi phí hoạt động của Agribank giảm so với đầu năm, nên tổng lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng thêm 2.703 tỷ đồng, đạt 9.464 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế tăng thêm 2.158 tỷ đồng đạt 7.572 tỷ đồng.

Mặc dù “lãi khủng”, nhưng Agribank cũng ghi nhận chỉ số nợ xấu tăng cao kỷ lục. So với đầu năm, hiện nợ xấu của Agribank đã tăng thêm 2.903 tỷ tương đương tăng 13% lên thành 24.427 tỷ đồng nợ xấu và hiện đang là ngân hàng đứng đầu bảng các ngân hàng có nợ xấu quý 2/2021.

Nguyên nhân nợ xấu của Agribank tăng thêm trên 2.000 tỷ đồng là do nợ dưới tiêu chuẩn của ngân hàng này ở mức 5.211 tỷ đồng tăng 2.467 tỷ đồng (tương đương tăng 89,9 %); nợ nghi ngờ tăng thêm 2.481 tỷ đồng (tương đương tăng 102%) hiện đạt 4.905 tỷ đồng và nợ có khả năng mất vốn ở con số khá cao là 14.311 tỷ đồng.

Tổng dư nợ cho vay quý 2/2021 của Agribank đạt 1.232.051 tỷ đồng và cơ cấu nợ của Agribank cơ bản nằm trong mục “nợ ngắn hạn” ở mức 715.709 tỷ đồng, “nợ trung hạn” ở mức 362.888 tỷ đồng.

Như vậy nợ ngắn hạn của Agribank hiện đã cao hơn 961,7% vốn chủ sở hữu (vốn chủ sở hữu đạt 74,47 tỷ đồng), với nợ ngắn hạn quá cao so với vốn chủ sở hữu và nợ xấu luôn duy trì ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm, dự báo Agribank sẽ phải đối mặt với nguy cơ trong ngắn hạn.

Dòng tiền của Agribank cũng cho thấy không ổn định. Khi lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trước những thay đổi về tài sản và nợ đạt 15.102 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 83.083 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư bị âm 150,98 tỷ đồng; lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính đạt 1.891 tỷ đồng; dẫn tới lưu chuyển tiền thuần trong kỳ đạt 84.824 tỷ đồng.

Số liệu cho thấy, so với đầu năm, quý 2/2021 Agribank cũng bỏ ra một khoản tiền không nhỏ là 12.650 tỷ đồng (tăng 6.127 tỷ đồng) để chi phí cho dự phòng rủi ro tín dụng và chi phí khác của nhà băng này cũng tăng thêm 156,97 tỷ đồng, hiện đạt 387,11 tỷ đồng.

Tài sản có khác của nhà băng này cũng đang ở mức cao đạt 20.182 tỷ đồng. Theo giới chuyên gia tài chính - ngân hàng, nếu phần tài sản có khác này, tức là “tài sản chết” càng cao thì khả năng sinh lời thực tế càng thấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng. Ngân hàng phải đối mặt với thách thức chất lượng tài sản bị suy yếu, do không thể khơi thông dòng vốn.

Nhà băng này cũng trích lập thêm khoản tiền 1.298 tỷ đồng để dự phòng rủi ro cho các tài sản có nội bảng khác.

Nhây vậy, quý 2/2021 Agribank đã chi khoảng trên 13.948 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro cho các hoạt động tín dụng. Dự báo thời gian tới nợ xấu của nhà băng này sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng thêm nhiều tỷ đồng nữa và sẽ tiếp tục đè nặng kết quả lợi nhuận của Agribank trong thời gian tới.

Cần lưu ý, những con số trên thực sự vẫn chưa thể hiện đầy đủ thực trạng nợ xấu của Agribank do hệ thống ngân hàng đang được phép cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID -19 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cần phải nhấn mạnh những con số trên mới chỉ là nợ xấu nội bảng. Vùng nhận diện nợ xấu thực tế của Agribank sẽ mở rộng hơn nhiều khi nhìn vào các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo cơ chế hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID -19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến nhiều địa phương, nhiều tỉnh thành, đặc biệt là các đô thị lớn phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng để đảm bảo công tác phòng chống dịch, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, nên dự báo thời gian tới không chỉ Agribank và nhiều ngân hàng khác trong toàn ngành sẽ có chỉ số nợ xấu tiếp tục tăng cao và đè nặng kế hoạch lãi của các ngân hàng./.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?