Thạch Huê -
 
Trải qua 15 năm – một hành trình không ngắn và đủ dài để Báo cáo năng lực cạnh tranh cấp tỉnh ở Việt Nam (PCI) thực sự đánh dấu tầm quan trọng trong việc ghi nhận những nỗ lực của toàn hệ thống chính trị nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và thúc đẩy sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam trong thời kỳ mới.
anhtudonghoa_kcxc

 

Sáng ngày 5/5 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức Lễ công bố Báo cáo PCI 2019 với chủ đề “Tự động hoá và chuyển đổi số trong doanh nghiệp – cơ hội và thách thức đối với vấn đề lao động và việc làm ở nước ta”.

Đây là sự kiện thường niên, thu hút mối quan tâm hàng đầu của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các địa phương, bởi PCI là tiếng nói của khu vực tư nhân, tiếng nói từ cơ sở - nơi sinh kế của hàng chục triệu gia đình.

Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI kiêm Trưởng Ban chỉ đạo PCI cho biết, 15 năm PCI đã ghi nhận những chuyển biến tích cực trong môi trường kinh doanh và sự nghiệp phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam. Từ chỗ ít được quan tâm, việc cải cách thủ tục hành chính đã và đang là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu ở tất cả các địa phương trên cả nước. Từ chỗ vị thế, quy mô còn nhỏ bé, hiện nay cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đã gia tăng nhanh chóng với gần 800 nghìn doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh. Đây chính là động lực quan trọng của nền kinh tế và đang rất cần được tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích phát triển.

Ông Lộc cũng nhấn mạnh, từ vị trí rất thấp trong các bảng xếp hạng thế giới, thứ hạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng được nâng cao và đang hướng tới mục tiêu lọt vào nhóm 3 - nhóm 4 các nền kinh tế đứng đầu Đông Nam Á (ASEAN). “PCI tự hào đã góp một viên gạch nhỏ trên con đường chuyển đổi quan trọng đó của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

"Sản phẩm quan trọng nhất của PCI không phải là bảng xếp hạng thứ bậc của các địa phương mà chính là những bài học kinh nghiệm, những mô hình và công nghệ cải cách được lan tỏa và chia sẻ, những dư địa cải cách được phát hiện và những khoảng cách cần khép lại giữa nỗ lực của chính quyền và kỳ vọng của người dân. Không chỉ khuyến cáo ở tầm định tính, các thông điệp cải cách từ PCI là những con số biết nói và những câu chuyện cụ thể có thể “cân, đong, đo, đếm” và áp dụng được ngay", Chủ tịch VCCI cho hay.

Tại sự kiện, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế PCI, Trưởng Nhóm nghiên cứu PCI cho biết, kết quả PCI 2019 ghi nhận những xu hướng tích cực trong cải cách ở cấp địa phương ở Việt Nam; đặc biệt là từ đầu nhiệm kỳ của Đại hội Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2019 có điểm trung vị cao nhất từ trước tới nay. Xu hướng hội tụ, thu hẹp sự cách biệt trong chất lượng điều hành giữa các tỉnh, thành phố cho thấy các địa phương đã nỗ lực không ngừng trong cải cách.

Sự năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh gia tăng; việc giải quyết khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp đã có nhiều tiến bộ; môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn; tính minh bạch dần được cải thiện; cơ chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; chi phí không chính thức tiếp tục giảm; cải cách hành chính được đẩy mạnh... Tất cả những điều đó cho thấy, bức tranh toàn cảnh của môi trường kinh doanh ở Việt Nam đang trở nên tươi sáng hơn, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ở một số chỉ số thành phần của PCI 2019, có từ 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của các cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát, đã có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới và có xu hướng, người dân quan tâm hơn tới việc thành lập doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên…

Từ thực tiễn địa phương, ông Trương Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (IPA) Quảng Ninh cho hay, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đang ngày càng đi vào thực chất, gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp. Từ cấp tỉnh đến cấp sở, ban, ngành, địa phương đều chủ động, tích cực vào cuộc đồng hành, hỗ trợ cùng cộng đồng doanh nghiệp, thường xuyên tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp theo hướng đi sâu vào thực tiễn để kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp luôn được mời tham gia các cuộc họp thường kỳ của UBND tỉnh để kịp thời thông tin về quá trình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn; đồng thời, định kỳ hàng quý đại diện hiệp hội cũng kịp thời phản ánh các ý kiến, đề xuất từ phía các doanh nghiệp tới các cấp có thẩm quyền. Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức gặp gỡ, làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và 6 tháng/lần tổ chức Hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp....

Ông Hùng cho hay, hoạt động xúc tiến đầu tư “tại chỗ” được các cấp, các ngành ở địa phương tập trung triển khai hiệu quả thông qua việc đẩy mạnh và hỗ trợ các dự án đầu tư như với Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Thành Công; làm việc với doanh nghiệp ngành than, điện, xi măng để tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy tăng sản lượng khai thác, tiêu thụ...

Ngoài ra, đại diện chính quyền cũng tổ chức làm việc với Hiệp hội du lịch Quảng Ninh và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực này để bàn về các giải pháp phát triển du lịch và phòng chống dịch bệnh COVID-19. Song song đó, đại diện các cấp, ngành trong tỉnh cũng tích cực triển khai nhiều giải pháp để đồng hành, gỡ khó cùng các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam....

Thông qua Báo cáo PCI 2019, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cũng nhận định, các chủ trương chính sách của Chính phủ đang đi đúng hướng, nhưng cải cách giáo dục phải được gia tốc mạnh mẽ hơn, cần tăng cường tiếng nói và sự chung tay của giới doanh nghiệp trong việc đầu tư và định hướng các chương trình đào tạo.

Cùng với việc nâng cao kỹ năng cho người lao động, các cấp, ngành nên xây dựng một Chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân để nâng cấp, chuẩn hoá và quốc tế hoá doanh nghiệp; đặc biệt là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng phát triển có trách nhiệm, bền vững, góp phần không nhỏ vào nỗ lực chung nhằm tái khởi động và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch toàn cầu COVID-19./.

Bạn nghĩ sao?