Phong Vân - 16:09 - 25/01/2021
 
Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề nghị bổ sung một vị trí cảng hàng không tại tỉnh Ninh Bình vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Trong văn bản gửi Bộ GTVT, ông Ngọc cũng đề xuất nghiên cứu sân bay đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh. “UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Giao thông vận tải và các ngành, địa phương liên quan phối hợp với tư vấn xác định vị trí cụ thể trong quá trình lập quy hoạch”, ông Ngọc nhấn mạnh. Cũng theo ông Quang Ngọc Ngọc, Ninh Bình là tỉnh cực Nam vùng Đồng bằng Bắc Bộ, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch với truyền thống lịch sử - văn hóa, phong cảnh tự nhiên phong phú và đa dạng, tiêu biểu là di tích đặc biệt Cố đô Hoa Lư, Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An. Hàng năm, tỉnh thu hút lượng lớn khách du lịch trong cả nước và trên thế giới.

Năm 2019, Ninh Bình đã đón trên 7,6 triệu lượt khách du lịch. “Ninh Bình quyết tâm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trở thành trung tâm du lịch của vùng đồng bằng sông Hồng và của cả nước. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Bình phấn đấu đón từ 8,0 đến 9,0 triệu lượt khách du lịch, doanh thu du lịch đạt 8.000 tỷ đồng trở lên. 

NINH BINH

Ninh Bình đề xuất nghiên cứu sân bay đặt tại huyện Kim Sơn hoặc huyện Yên Khánh 

Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai quy hoạch, đầu tư một số dự án du lịch lớn, tầm cỡ quốc tế như dự án Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình, Khu du lịch hồ Đồng Thái, hoàn thiện trung tâm liên hợp thể thao sân golf 54 lỗ Hồ Yên Thắng...”, ông Ngọc nói và cho biết thêm: Cùng với phát triển du lịch, Ninh Bình cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và công nghiệp điện tử (trong đó Nhà máy ô tô Hyundai Thành Công đang hoạt động là một trong 3 nhà máy lắp ráp ô tô lớn nhất của Việt Nam), tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài. Cũng từ đây, số lượng người nước ngoài đến tỉnh công tác, làm việc sẽ tăng nhanh trong thời gian tới.

Trong khi đó, hiện nay, các khách du lịch nước ngoài và các chuyên gia về Ninh Bình tham quan, công tác và làm việc chủ yếu di chuyển thông qua sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Mạng lưới giao thông tỉnh chưa có phương thức vận tải tốc độ cao. Việc di chuyển qua đường bộ, đường sắt hay trung chuyển qua sân bay của các tỉnh thành lân cận làm kéo dài thời gian, tăng áp lực vận tải lên hệ thống đường bộ hiện đang quá tải, làm hạn chế khả năng khai thác và phát triển của du lịch Ninh Bình nói riêng, cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. 

Tuần trước, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam liên quan đến quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị. Theo văn bản của Bộ Giao thông Vận Tải, Bộ này đã nhận được Tờ trình số 2946 của Cục Hàng không Việt Nam về việc phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030 và văn bản tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch.

Theo Bộ Giao thông Vận Tải, diện tích quy hoạch tổng thể cảng hàng không Quảng Trị là hơn 594ha, trong đó bao gồm diện tích quy hoạch công trình hàng không là hơn 316ha, diện tích đất dự phòng cho phát triển sau năm 2030 là hơn 278ha.Sau khi nghiên cứu hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030, Bộ Giao thông Vận Tải nhận thấy việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất phạm vi và diện tích đất dự phòng cho phát triển cảng hàng không sau năm 2030 là chưa đủ cơ sở xem xét, phê duyệt.

Bạn nghĩ sao?