Xuân Bắc - 16:09 - 21/10/2020
 
Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2021. Với định hướng đó, năm 2021 dự kiến Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán 169 cuộc kiểm toán, tăng 11 cuộc so với kế hoạch kiểm toán năm 2020 đã ban hành.
z2129497266168_34c8523c622b6b01a163cde5170b08f6

 

Cụ thể, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và chương trình, dự án, dự kiến thực hiện 32 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, trong đó có nhiều dự án lớn, được dư luận quan tâm. Như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành; Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

(ảnh) Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Nội Bài

Danh sách dự kiến còn có các dự án thủy lợi, như Dự án Hồ chứa nước Cánh Tạng; Dự án Hồ chứa nước Bản Lải giai đoạn 1; Dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1; Dự án Hồ chứa nước Krông Pách Thượng; Dự án đường ống Nam Côn Sơn 2 - giai đoạn 2; Dự án đường ống thu gom, vận chuyển khí mỏ Sao Vàng - Đại Nguyệt; …

Ngoài ra, năm 2021, KTNN dự kiến lựa chọn kiểm toán một số chuyên đề có quy mô lớn, phạm vi rộng để tổ chức kiểm toán nhằm đánh giá toàn diện, xuyên suốt công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đối với chuyên đề, chủ đề được lựa chọn.

Chuyên đề “Việc quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng và quản lý, sử dụng đất các dự án đầu tư tại đô thị giai đoạn 2017-2020”.

Chuyên đề “Hoạt động quản lý môi trường tại các Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp giai đoạn 2017-2020”.

Chuyên đề “Công tác quản lý thu, việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Chương trình này nhằm đánh giá việc tuân thủ các quy định theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, thông qua thực hiện kiểm toán phát hiện các hành vi chuyển giá, trốn thuế. Qua đó kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bịt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách (nếu có) để tránh thất thoát ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, KTNN thực hiện kiểm toán đối với công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các Cục thuế liên quan đến việc hoàn thuế, miễn, giảm, giãn thuế, chống trốn thuế, chuyển giá nhằm đánh giá việc thực hiện gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020; việc thực hiện chính sách miễn giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; việc thực hiện khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019...

Về lĩnh vực doanh nghiệp và các tổ chức tài chính - ngân hàng, Kiểm toán Nhà nước lựa chọn các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có quy mô lớn để kiểm toán; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện các Nghị quyết Trung ương, Quốc hội về sắp xếp, cổ phần hóa và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; kiến nghị xử lý các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ; đầu tư ngoài ngành, đầu tư ra nước ngoài không hiệu quả…

Về lĩnh vực ngân sách nhà nước, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các bộ, cơ quan trung ương có quy mô ngân sách lớn, tiềm ẩn rủi ro để xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách nhằm phục vụ cho việc phê chuẩn báo cáo quyết toán ngân sách năm 2020 của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Quốc hội; đánh giá việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (việc giảm thu NSNN; các giải pháp chi hỗ trợ, miễn, giảm, giãn thuế và các loại phí, lệ phí…) nhằm cảnh báo, uốn nắn lệch lạc xảy ra.

Bạn nghĩ sao?