Nguyễn Linh - 09:30 - 05/07/2021
 
Mới đây, Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) đồng tổ chức buổi Công bố trực tuyến “Chỉ số công khai ngân sách các bộ và cơ quan Trung ương 2020” (MOBI 2020).

Theo kết quả khảo sát MOBI 2020, mức độ công khai ngân sách của các bộ, cơ quan Trung ương chưa có cải thiện so với MOBI 2019. Đánh giá chung từ kết quả khảo sát MOBI 2020, PGS TS Vũ Sỹ Cường - chuyên gia tài chính công, đại diện nhóm Nghiên cứu nhận định: So với năm trước, vẫn còn nhiều đơn vị chưa công khai hoặc chưa công khai đầy đủ, chưa đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Thông tư 61/2017/TT-BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.

Điểm số trung bình MOBI 2020 là 21,64 điểm, tương đương với điểm so với MOBI 2019. Có 34 trong tổng số 44 Bộ, cơ quan Trung ương có điểm công khai ngân sách. Còn lại 10 bộ, cơ quan Trung ương không có tên trong bảng xếp hạng MOBI 2020, đồng nghĩa với việc các cơ quan này không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên Cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát.

Ông Nguyễn Quang Thương, Phó giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI), cho biết trong báo cáo MOBI 2020, Bộ Tài chính có thứ hạng cao nhất, với 66,63 điểm quy đổi đồng thời xếp hạng công khai ở mức tương đối đầy đủ. Xếp thứ hai là Bộ Tư pháp, với 48,41 điểm quy đổi.

Anh 1

Lễ công bố “Chỉ số công khai ngân sách các bộ và cơ quan Trung ương 2020” (MOBI 2020) được tổ chức theo hình thức trực tuyến.

“Khảo sát ghi nhận 34/44 bộ, cơ quan Trung ương có điểm công khai ngân sách và 10 đơn vị không có tên trong bảng xếp hạng MOBI 2020 do các cơ quan này không có thư mục công khai ngân sách và không công khai các tài liệu ngân sách trên cổng thông tin điện tử của đơn vị tại thời điểm khảo sát,” ông Thương nêu.

Theo báo cáo, có 27 cơ quan, tổ chức trên tổng số 44 cơ quan trong kỳ khảo sát MOBI 2020 công khai ít nhất 1 tài liệu ngân sách (chiếm 61,36%) và tăng 3 đơn vị so với kỳ khảo sát 2019. Tuy nhiên, vẫn còn 17 đơn vị không công khai bất kỳ một tài liệu nào tại thời điểm khảo sát (tương đương với 38,64%).

Điểm lưu ý trong báo cáo là tính kịp thời về công bố các tài liệu ngân sách theo quy định chưa được các các bộ, cơ quan Trung ương chú trọng. Cụ thể, trong số 19 đơn vị có công bố tài liệu về Dự toán ngân sách năm 2021, chỉ có 6 đơn vị công bố đúng thời hạn theo quy định là trong vòng 15 ngày kể từ ngày 31/12/2020. Đối với tài liệu về quyết toán ngân sách năm 2019, có 9 trên 16 đơn vị có công khai thông tin công bố đúng thời hạn theo quy định.

Các tài liệu còn lại gồm Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách đơn vị quý 1, 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020 chỉ được công khai đúng hạn bởi lần lượt 4, 4 và 3 đơn vị. Không có đơn vị nào công khai đúng hạn báo cáo tình hình thực hiện ngân sách cả năm 2020.

Ngoài ra, kết quả khảo sát MOBI 2020 cho hay 32/44 đơn vị có điểm về tính thuận tiện (tương đương với 72,72%) và tăng 5 đơn vị so với khảo sát MOBI 2019. Song định dạng của các tài liệu ngân sách được công khai trên cổng thông tin điện tử/trang thông tin điện tử của đơn vị chủ yếu dưới dạng pdf hoặc scan ảnh, do vậy còn hạn chế cho người dân đọc và sử dụng thông tin ngân sách từ các định dạng tài liệu này. Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị công khai các tài liệu có định dạng thuận tiện nhất (file excel), dễ dàng trong việc tiếp cận và sử dụng tài liệu.

Về tính liên tục, báo cáo cho thấy chỉ có 6 đơn vị (13,6%) công bố tài liệu dự toán ngân sách đơn vị trong 3 năm liên tiếp. 7 đơn vị (15,9%) công bố tài liệu quyết toán ngân sách đơn vị trong 3 năm liên tiếp.

TS Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, “Điều đáng nói là, một số cơ quan Trung ương quan trọng cần phải “nêu gương” cũng nằm trong các cơ quan không chú trọng về công khai tài liệu ngân sách. Điều đó cho thấy mức độ tuân thủ về công khai ngân sách, tài liệu ngân sách đang là vấn đề tồn tại, hạn chế rất lớn”.

Anh 3

TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS)

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) bổ sung, “Trong khi mức độ công khai minh bạch của các tỉnh liên tục được cải thiện (thông qua đánh giá bằng chỉ số POBI hàng năm) thì các cơ quan trung ương lại chưa có nhiều tiến bộ dù Luật Ngân sách 2015 đã có hiệu lực. Tôi cho rằng đây là lúc Quốc hội cần phát huy vai trò giám sát của mình trong việc thúc đẩy tính công khai, minh bạch của hệ thống tài chính công”.

Bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cấp cao chương trình Quản trị tốt thuộc tổ chức Oxfam cũng cho rằng, công khai minh bạch ngân sách của các Bộ, Trung ương vẫn là một câu hỏi lớn từ năm 2018 đến nay, đã qua ba năm hầu như không có sự thay đổi, cải thiện trong việc công khai, minh bạch ngân sách. Phải chăng, do Luật ngân sách 2015 chưa quy định chế tài xử lý khi các đơn vị không công khai, minh bạch ngân sách, dẫn đến chưa có sự nghiêm túc trong thực hiện triển khai.

Báo cáo MOBI 2020 đưa ra khuyến nghị, trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương cần thực hiện đúng quy định pháp luật về công khai ngân sách. Cụ thể, Bộ Tài chính cần có hướng dẫn cụ thể hơn về thời hạn công khai, rà soát điều chỉnh hướng dẫn về các thông tin và tài liệu cần công khai. Phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành hướng dẫn thực hiện công khai minh bạch ngân sách cho các chương trình dự án đầu tư cơ bản. Đồng thời, truyền thông rõ ràng về việc công khai ngân sách của các Bộ, cơ quan ngang Bộ với công chúng, là động lực để thúc đẩy thực thi Luật ngân sách 2015 và cải thiện công khai minh bạch ngân sách.

TS Lưu Bình Nhưỡng cho rằng việc tăng cường vai trò của Kiểm toán nhà nước và vai trò giám sát của Quốc hội là biện pháp đúng hướng. Đặc biệt là cần vai trò thẩm tra báo cáo dự toán, quyết toán của Hội đồng dân tộc, các uỷ ban của Quốc hội trong đó phải tăng số phiên giải trình, chất vấn làm rõ nguyên nhân/lý do của tình trạng không công khai hoặc chậm trễ trong công khai ngân sách.

Bên cạnh đó, cần tăng cường vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội trong các vụ việc, sự kiện. Cũng cần tăng cường vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên, vai trò giám sát của báo chí, công luận.

Chỉ số MOBI do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) chủ trì xây dựng, do hai tổ chức thành viên của Liên minh là Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) và Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) thực hiện, với sự tài trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam.

Đây là năm thứ ba liên tiếp chỉ số MOBI được thực hiện và công bố. MOBI 2020 đánh giá mức độ công khai ngân sách của 44 bộ, cơ quan Trung ương, trong đó có 38 bộ, cơ quan Trung ương là đơn vị dự toán và 6 cơ quan, tổ chức Trung ương được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Khảo sát chỉ số MOBI 2020 được xây dựng thông qua 5 tiêu chí chính là tính sẵn có, tính kịp thời, tính đầy đủ, tính thuận tiện và tính liên tục của 6 loại tài liệu bắt buộc phải công khai theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, theo hướng dẫn tại Thông tư 61/2017/TT- BTC và Thông tư 90/2018/TT-BTC.

Bạn nghĩ sao?