Phạm Sơn - 08:31 - 30/10/2020
 
Ngoài các chức năng truyền thống lâu nay, trong kỷ nguyên EVFTA, Ngoại giao nên phát huy vai trò tiên phong và đột phá. Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng – Giám đốc truyền thông Viện nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) nhấn mạnh khi trả lời chúng tôi về thuận lợi và thách thức của các doanh nghiệp trong nước trước cơ hội do EVFTA mang lại.
anh 1

TS Đinh Hoàng Thắng là cựu đại sứ Việt Nam tại Hà Lan. 

PV: Ông đánh giá thế nào về quá trình thu hút FDI của Việt Nam?

Việt Nam mở cửa kinh tế từ 1986 thì chỉ một năm sau (1987) đã ban hành Luật đầu tư nước ngoài. Cho đến nay, Việt Nam đã có 14 năm gia nhập WTO và ta đang là một trong những lựa chọn điểm đến của dòng vốn tự do toàn cầu.

 Bên cạnh các thành quả báo chí đã nói nhiều qua các dịp tổng kết, tôi muốn đề cập đến mảng khuất của FDI. Đó là sau 25 năm thu hút dòng vốn nước ngoài, đến năm 2012, Việt Nam nhận ra 94% dòng vốn chảy vào nước ta chưa mang lại công nghệ và cải thiện được hiệu quả kinh tế.

2

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp giấy phép từ 2010 – 2019 (Nguồn: Tổng cục Thống kê)

 Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, kỷ yếu hội thảo 25 năm thu hút FDI (năm 2012) cho thấy, chỉ có 5% doanh nghiệp FDI có công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình và 14% công nghệ thấp. Công nghệ trung bình và công nghệ thấp là các công nghệ đã lạc hậu, ô nhiễm môi trường.

Cho tới nay, đã 8 năm kể từ khi cả giới chuyên gia lẫn chính phủ của Việt Nam đồng thuận với nhận định này, tình trạng chất lượng của dòng vốn FDI chưa tốt lên là bao. Hầu hết FDI vào ta vẫn còn nhiều “FDI bẩn”, chỉ để tận dụng tài nguyên, nhân công giá rẻ hoặc chảy vào các thị trường đất đai, khoáng sản như bán lẻ, bất động sản, xây dựng…

 Đặc biệt, FDI phần lớn không chảy vào đầu tư dài hạn để nâng cao năng suất lao động và công nghiệp phụ trợ. Có thời điểm, FDI chảy vào bất động sản chiếm tới gần 25% tổng dòng vốn FDI vào Việt Nam.

 PV: Với EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam sẽ gặp những khó khăn và thuận lợi nào?

Về những thuận lợi và kỳ vọng khi tham gia EVFTA, báo chí nói nhiều, nhưng phần lớn vẫn ở dưới dạng tiềm năng/dài hạn. Dự báo, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định, trong đó những lĩnh vực tiềm năng là dệt may, da giày, nông thủy sản...

 Theo tính toán, EVFTA sẽ tạo điều kiện cho 71% hàng hóa Việt Nam miễn thuế vào thị trường châu Âu, trong khi 65% hàng hóa từ EU vào thị trường Việt Nam mà không phải chịu bất kỳ mức thuế nào. Xem vậy, EVFTA sẽ là cú hích cho xuất khẩu của Việt Nam. Hy vọng, hiệp định này cũng giúp thu hút dòng vốn FDI thuận lợi hơn.

3

Năng suất lao động là yếu tố không thể thiếu để thu hút được nguồn FDI chất lượng

Tuy nhiên, điều tôi muốn nhấn mạnh là những nhân tố gây nên tình trạng yếu kém trong quá trình thu hút FDI như đã nói ở trên hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Những yếu kém ấy là gì?

 Nếu chúng ta không có một thể chế kinh tế thị trường, thì đấy chính là rào cản lớn nhất ngăn dòng vốn FDI chất lượng vào Việt Nam, không nâng được năng lực cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm Việt Nam trong thương mại quốc tế.

 Về tư duy, trước nay chúng ta cứ cho rằng, dòng vốn khi được tự do bởi toàn cầu hoá có vẻ như sẽ chuyển dịch từ các nền kinh tế có mức lương cao về nền kinh tế có mức lương thấp. Nhưng cao hay thấp là phải lấy năng suất lao động làm căn cứ. Thứ mà Việt Nam thiếu, chính là năng suất lao động ở ta quá thấp và khoảng cách ngày một lớn giữa năng suất lao động và tiền lương chưa đủ để hấp dẫn và giữ chân các “đại bàng FDI”.

“Đắt xắt ra miếng”. Năng suất lao động nếu cao hơn tiền lương phải trả nhà đầu tư vẫn chấp nhận. Tiền lương ở ta thấp nhưng Việt Nam vẫn đang mất dần ưu thế, vì năng suất lao động của ta thấp, mà tiền lương của người công nhân còn phải gánh thêm bảo hiểm, phí công đoàn... Đó là lý do tại sao trước nay chúng ta chỉ thu hút được “FDI chim sẻ” là do vậy.

 Về thị phần, hàng hóa của Việt Nam tại khu vực EU vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng còn hạn chế. Chất lượng gạo của ta hiện còn thua cả gao Camphuchia.

 Tuy nhiên, vẫn còn đó triển vọng cho xuất khẩu của ta, khi kinh tế EU hồi phục dần, nhất là khi gói hỗ trợ 750 tỷ Euro được thông qua. Có điều ảnh hưởng của đại dịch, nên thói quen tiêu dùng tại EU đã thay đổi, rồi mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, do đó các doanh nghiệp cần nắm bắt để có những điều chỉnh phù hợp với thị trường.

4

Ngoài các chức năng truyền thống lâu nay, trong kỷ nguyên EVFTA, Ngoại giao nên phát huy vai trò tiên phong và đột phá

 PV: Theo Tiến sĩ, hoạt động ngoại giao đóng vai trò thế nào trong việc thúc đẩy thực hiện EVFTA?

 Một trong những vai trò chủ yếu của ngoại giao nói chung và các Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài nói riêng là hỗ trợ các doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội từ EVFTA. Vai trò này là độc nhất, không thể thay thế. Ngoài các chức năng xưa nay vẫn làm là tham mưu, hỗ trợ và đồng hành, nay giúp trong nước đột phá và mở đường là những nhân tố tạo nên vai trò tiên phong của Ngoại giao.

Trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến những biến động lớn do tác động của đại dịch Covid-19, cục diện kinh tế - thương mại khu vực và toàn cầu đã/đang chuyển dịch theo các mảng lớn và đang vào hồi căng thẳng; kinh tế thế giới lại rơi vào suy thoái, cạnh tranh nước lớn gay gắt, chưa có điểm dừng, thì Ngoại giao phải sớm đưa ra các dự báo, sớm tiên lượng trước được những tác động tiêu cực của các chấn động toàn cầu ấy đối với lộ trình thực hiện EVFTA.

 Ngoại giao không chỉ thấy EVFTA như là cơ hội để gia tăng nội lực và tính tự chủ của nền kinh tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong quan hệ với EU và các đối tác. Ngoại giao cần chỉ ra được những nhân tố vừa yếu vừa thiếu trong thời gian qua đã cản trở tiến trình thu hút FDI. Phải có kiến nghị với các bộ, ngành hữu quan cũng như với các cấp hoạch định chính sách về cách hoá giải.

Cùng với các bộ, các ngành khác trong hệ thống chính trị, Ngoại giao phải góp phần tìm cách khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại của Hoa Kỳ với Việt Nam hiện đang tăng ở mức cao nhất trong mọi thời kỳ. Điều này lại rới đúng vào thời điểm ta có thể bị điều tra về thao túng tiền tệ. Theo con số do phía Mỹ đưa ra, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ hàng năm vượt quá 20 tỷ USD là mức phải đưa vào diện điều tra. Hiện nay con số này của ta đã vượt 50 tỷ USD và đang tăng rất nhanh trong giai đoạn chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, càng khiến Mỹ lưu ý.

Ngoại giao phải sát cánh với Ngoại thương để hoá giải các thách thức về năng lực thực thi do lộ trình thực thi các cam kết mở cửa thị trường ngắn, các quy tắc, thủ tục chặt chẽ liên quan các lĩnh vực “thế hệ mới” như sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, phát triển bền vững, lao động…

 Việc thực thi EVFTA đòi hỏi phải tuân thủ “luật chơi” theo tiêu chuẩn cao thì mới tận dụng được những cơ hội và hạn chế được các tranh chấp kinh tế, thương mại với các đối tác. Thêm nữa, Ngoại giao phải góp phần tìm được câu trả lời rốt ráo, tại sao những đóng góp của FDI trong thời gian qua quá thấp so với kỳ vọng và ưu đãi thuế, đất đai, tài nguyên mà chúng ta dành cho họ?

 PV: Từng làm Đại sứ Việt Nam tại châu Âu, ông có lời khuyên nào cho các doanh nghiệp Việt Nam?

 Mỗi thời một khác. Các kinh nghiệm chỉ để tham khảo, không phải để sao chép, nhưng chủ yếu chúng có thể làm nền cho cuộc cách mạng tư duy. Không giải quyết được khâu thay đổi tư duy thì mọi đối phó đều chỉ mang tính chất chắp vá và tạm thời trong ngắn hạn. Phải biến khẩu hiệu “Đổi mới hay là chết” thành hành động trên thực tế: “Thay đổi hay là mãi mãi lệ thuộc”.

 Các doanh nghiệp trong nước đang “ra đi” hàng loạt, dĩ nhiên sẽ có nhiều doanh nghiệp mới ra đời. Nhưng trong kỷ nguyên hậu Covid-19, các doanh nghiệp cũ hay mới đều chỉ nên lấy cơ hội EVFTA làm cú hích. Chúng ta phải luôn luôn ý thức rằng, tiêu chuẩn để có thể thâm nhập vào thị trường EU không đơn giản chút nào, không phải doanh nghiệp nào của Việt Nam cũng có thể được hưởng lợi thế từ thị trường khổng lồ nhưng khó tính này.

 Những ưu đãi từ Hiệp định chỉ nên xem là yếu tố hỗ trợ. Các điều kiện tiên quyết vẫn phải là nội lực doanh nghiệp và quyết tâm đổi mới chính mình. Hơn lúc nào hết, các doanh nghiệp cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại.

 Hội tụ những điều kiện cần và đủ sẽ giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm hai bên có thế mạnh như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... của Việt Nam và những mặt hàng ô tô, dược phẩm, hóa chất từ EU… Mặt khác cũng cần giúp các nhà đầu tư châu Âu có ưu thế hơn nữa ở Việt Nam để phát triển mạnh mẽ tại thị trường được coi là năng động nhất Đông Nam Á.

Xin cảm ơn Tiến sĩ!

Bạn nghĩ sao?