Ngô Quảng - 09:35 - 05/06/2020
 
Hoàn thành hàng loạt hạng mục thi công trị giá hàng trăm triệu đồng và bàn giao lại cho trường Tiểu học Kim Liên (xã Kim lương cũ) huyện Kim Thành, Hải Dương) vào năm 2017, nhưng tới nay, anh Luận mới nhận được chưa tới nửa số tiền cần thanh toán theo hợp đồng.

 Theo đơn trình bày gửi Cơ quan báo chí anh Nguyễn Thành Luận (ở Hải Dương) cho biết, vào năm học 2017 -2018, anh có nhận các hạng mục thi công làm mái tôn, hàng rào sắt… cho khu nhà ăn bán trú tại trường Tiểu học Kim Liên, xã Kim Thành, tỉnh Hải Dương (khi đó do bà Nguyễn Thị Hiên làm hiệu trưởng). Tuy nhiên, khi đang triển khai thi công thì bà Hiên có quyết định chuyển công tác sang làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Anh. Sau đó, bà Trần Thị Hòa về tiếp quản vị trí hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên.

Sau khi bà Hòa về làm hiệu trưởng, anh Luận vẫn tiếp tục hoàn thành các hạng mục thi công đã cam kết với bà Hiên, đồng thời bà Hòa có thuê anh Luận làm thêm các hạng mục thi công khác. Tổng chi phí cho các hạng mục thi công mà anh Nguyễn Thành Luận đã hoàn thành tại trường Tiểu học Kim Liên lên tới: 535.738.000 đ (Năm trăm ba mươi lăm triệu, bảy trăm ba mươi tám nghìn đồng).

0014_unnamed

 Trường Tiểu học Kim Liên, xã Kim Lương, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương

Tuy nhiên, sau 4 lần thanh toán, trường Tiểu học Kim Liên mới chi trả được cho anh Luận số tiền là 207.077.000đ (Hai trăm linh bảy triệu, không trăm bảy mươi bảy triệu đồng). Còn lại số tiền nợ là 328.661.000đ (Ba trăm hai mươi tám triệu, sáu trăm sáu mươi mốt nghìn đồng) – có giấy nhận nợ của trường Tiểu học Kim Liên do bà Trần Thị Hòa ký vào ngày 20/9/2018.

Kể từ đó cho tới nay, anh Nguyễn Thành Luận không nhận được thêm đồng nào từ phía trường Tiểu học Kim Liên. Sau nhiều lần gọi điện, gặp trực tiếp với Ban giám hiệu trường Tiểu học Kim Liên, anh Luận vẫn không nhận được câu trả lời thỏa đáng cho khoản tiền mà trường Tiểu học Kim Liên còn thiếu anh. Quá bức xúc trước sự việc trên, anh Luận đã có đơn thư gửi tới nhiều ban ngành có liên quan thuộc huyện Kim Thành, trong đó có Phòng Giáo dục huyện Kim Thành.

Anh Luận chia sẻ: “Xưởng thi công của tôi không phải là lớn, chưa mang quy mô công ty hay doanh nghiệp. Vì thế, khi nhận được công việc khoán thi công từ trường Tiểu học Kim Liên, tôi đã phải vay mượn khắp nơi, kể cả ngân hàng để có tiền mua  nguyên vật liệu về thi công cho nhà trường. Tuy nhiên, đã 3 năm trôi qua, trường Tiểu học Kim Liên không thanh toán số tiền nợ cũng như có phương án chi trả cụ thể cho chúng tôi”.

Để làm rõ thông tin, PV cơ quan báo chí đã có buổi làm việc trực tiếp với bà Trần Thị Hòa - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên. Bà Hòa xác nhận, đúng là có chuyện nhà trường đang nợ anh Nguyễn Thành Luận số tiền trên. Tuy nhiên, khi bà về tiếp quản chức vụ hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên thì anh Luận đang thi công các hạng mục do bà Hiên - Hiệu trưởng cũ thuê anh Luận làm từ trước đó. Sau khi về tiếp quản trường Tiểu học Kim Liên, bà Hòa vẫn tiếp tục nhờ anh Luận làm thêm một số hạng mục khác.

Theo bà Hòa, năm học 2017-2018 nhận chỉ tiêu của Phòng Giáo dục huyện Kim Thành, trường Tiểu học Kim Liên (lúc đó là là trường Tiểu học Kim Lương) đã tham mưu với địa phương lên kế hoạch thực hiện tổ chức xây nhà ăn bán trú cho học sinh bao gồm 1 bếp ăn và 1 phòng ngủ.

Tháng 6 và tháng 7/2017, trường Tiểu học Kim Liên (khi đó do bà Hiên làm hiệu trưởng) đã thuê anh Nguyễn Thành Luận làm khu chế biến, mái của khu nhà ăn và sửa cổng trường, đến tháng 8 thì hoàn thành với tổng chi phí là 342.363.000 đồng.

Ngày 8/8/2017, Ban lãnh đạo nhà trường đã xây dựng kế hoạch xã hội hóa năm học 2017-2018 nhằm chi trả những chi phí xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, nhưng không được UBND xã Kim Lương và Phòng Giaó dục Đào tạo huyện Kim Thành đồng ý vì khi đó đã có chủ trương luân chuyển cán bộ quản lý.

Trong tháng 8/2017, trường Tiểu học Kim Liên thực hiện luân chuyển cán bộ quản lý. Theo đó, bà Trần Thị Hòa được điều chuyển về làm hiệu trưởng thay cho bà Nguyễn Thị Hiên. Sau đó, lần lượt hiệu phó và kế toán của trường Tiểu học Kim Liên cũng được điều chuyển sang các đơn vị khác. Trong quá trình bàn giao, Ban giám hiệu cũ không cung cấp đầy đủ hồ sơ làm việc với anh Nguyễn Thành Luận, vì thế Ban giám hiệu mới không có căn cứ xây dựng kế hoạch trả nợ.

Tháng 9/2017, BGH mới căn cứ vào chỉ tiêu giao của PGD huyện Kim Thành và kế hoạch XHHGD của BGH cũ, trường Tiểu học Kim Liên đã huy động và chi trả cho anh Luận số tiền là 104.466.000đ và còn nợ lại 237.897.000đ. Tuy nhiên, năm học 2018-2019, trường Tiểu học Kim Liên tiếp tục không được PGD huyện Kim Thành phê duyệt kế hoạch XHHGD nên số tiền nợ anh Luận vẫn không được chi trả.

Bên cạnh đó, sau khi thay đổi kế toán theo luân chuyển vào tháng 10/2018, kế toán mới không nhận được bàn giao nợ từ kế toán cũ khiến việc chi trả nợ cho anh Luận cũng gặp nhiều khó khăn. Để hợp lý hóa hồ sơ, đủ căn cứ pháp lý, tháng 8/2019 BGH mới đã có cuộc họp 3 bên giữa những nhân sự cũ và mới của trường tiểu học Kim Liên có liên quan tới khoản tiền nợ anh Luận và đã đưa ra biên bản nhận nợ vào ngày…

Năm học 2019-2020, do kế hoạch sáp nhập trường Tiểu học Kim Lương và trường Tiểu học Kim Khê thành trường Tiểu học Kim Liên nên kế hoạch XHHGD không thể thực hiện được, vì thế số tiền trường tiểu học Kim Liên nợ anh Luận vẫn chưa được chi trả.

Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Phạm Tiến Nhuận – Trưởng phòng Giáo dục huyện Kim Thành cho biết, việc xây dựng tu bổ trường Tiểu học Kim Liên, Phòng GDDT huyện Kim Thành có nắm được. Tuy nhiên, nhiệm vụ của Phòng GD là đảm bảo về chuyên môn, về chất lượng giáo dục, còn về cơ sở vật chất thì phải do địa phương quản lý.

Tuy nhiên, ông Nhuận nhận định, số tiền trường Tiểu học Kim Liên nợ anh Luận không phải là quá lớn nhưng việc BGH trường Tiểu học  Kim Liên kéo dài thời gian chi trả số tiền nợ này làm ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh ngành giáo dục của huyện Kim Thành nói riêng  cũng như tỉnh Hải Dương nói chung.

Ông Phạm Tiến Nhuận khẳng định, sẽ chỉ đạo BGH trường Tiểu học Kim Liên sớm có phương án giải quyết việc này, không những trả số nợ gốc cho ông Luận mà thậm chí phải tính toán cả phần lãi trong suốt 3 năm ông Luận phải chịu với phía ngân hàng, tránh làm ảnh hưởng tới hình ảnh của ngành giáo dục huyện.

Trao đổi qua điện thoại với PV ông Vũ Ngọc Uông - Chủ tịch UBND xã Kim Liên khẳng định, xã đứng ra xây dựng cơ sở vật chất cho trường (cụ thể ở đây là nhà ăn bán trú), còn việc trường tự hoàn thiện phần mái tôn và các hạng mục khác là do kế hoạch của trường, xã không can thiệp và không có trách nhiệm chỉ đạo trong việc này.

Liên quan tới sự việc này, bà Nguyễn Thị Hiên cho biết, khi có quyết định luân chuyển, bà đã bàn giao lại toàn bộ cho bà Hòa. Ngoài những hạng mục BGH cũ thuê anh Luận làm, khi bà Hòa về tiếp quản, anh Luận vẫn tiếp tục thi công những hạng mục khác do BGH mới thuê làm. Hơn nữa, ngày... BGH mới mà đại diện là bà Trần Thị Hòa đã có biên bản nhận nợ với anh Luận. Vì thế, bà Hòa và BGH mới phải chịu trách nhiệm nhanh chóng tìm cách chi trả cho anh Luận.

Cũng trong thời gian này, anh Luận có nhận được thông báo từ BGH trường Tiểu học Kim Liên về việc họp bàn giải quyết số nợ trên. Theo đó, BGH trường Tiểu học Kim Liên nói rằng, hiện giờ không thể có tiền để chi trả mà phải đi huy động từ nhiều nguồn, nhất là XHHGD, nên mong muốn anh Luận chia sẻ khó khăn cùng nhà trường, chia nhỏ thời gian chi trả ra thành 3 đợt trong 3 năm tới. Cụ thể mỗi năm nhà trường sẽ trả anh Luận 110 triệu đồng cùng với lãi theo lãi cho vay của ngân hàng nông nghiệp huyện Kim Thành vào tháng 12 hàng năm.

Tuy nhiên, anh Luận kiên quyết không đồng ý. Anh cho biết, cơ sở thi công của anh là cơ sở nhỏ lẻ, vốn không có nhiều. Hàng ngày, cơ sở chỉ nhận làm mái tôn, cửa sắt và nhiều việc khác cho các hộ gia đình, và các nhà xưởng quanh xã. Khi nhận được đề nghị của bà Hiên về việc tu bổ khu nhà ăn, cửa cổng… của trường anh cũng rất khó khăn trong việc xoay sở tiền để lấy nguyên vật liệu về làm, thậm chí là đi vay ngân hàng và phải trả lãi mấy năm nay để hoàn thiện các hạng mục thi công cho trường tiểu học Kim Liên một cách sớm nhất.

Điều đáng nói, khi làm việc với bà Hiên, một phần là cơ sở nhỏ, một phần là chỗ quen biết nên tất cả những thỏa thuận đều chỉ nói với nhau chứ không có hợp đồng hay phương án cụ thể nào. Vì thế, khi nhà trường thay đổi nhân sự anh không biết làm thế nào để lấy lại được số tiền mà mình đã bỏ ra thi công. Anh đã nhiều lần gọi điện, gặp trực tiếp, thậm chí gửi đơn thư tới các đơn vị liên quan để trình bày về việc này nhưng tới 3 năm trôi qua vẫn không được giải quyết.

Việc một công dân ròng rã đi đòi nợ một trường tiểu học trong suốt 3 năm với số tiền có thể không phải là quá lớn nhưng cho thấy sự bất cập trong giải quyết vấn đề của nhà trường. Đối với các hộ sản xuất nhỏ, đọng vốn đồng nghĩa với việc tiến tới phá sản, đặc biệt vừa trải qua mùa dịch bệnh này.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?