Mai Ngọc - 13:34 - 08/04/2021
 
Theo báo cáo Chỉ số Giá sinh hoạt theo không gian của Tổng cục Thống kê, xếp hạng 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Nội tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với mức giá đắt đỏ nhất cả nước.

Vượt qua TP.HCM vào năm ngoái, Hà Nội tiếp tục duy trì vị trí thành phố đắt đỏ nhất cả nước. Thành phố cảng Hải Phòng đã có bước thăng hạng khá lớn khi vượt tới 6 bậc so với năm 2018, 2 bậc so với năm 2019 để giữ vị trí thành phố đắt đỏ thứ 3 của Việt Nam.

Tổng cục Thống kê vừa công bố Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI). Theo đó, Hà Nội tiếp tục là địa phương đắt đỏ nhất cả nước với chỉ số SCOLI là 100% (năm 2019, Hà Nội cũng dẫn đầu). Đứng thứ hai sau Hà Nội là Thành phố Hồ Chí Minh với 99,05%.

Hải Phòng giữ vị trí đắt đỏ thứ 3 cả nước, tăng mức đắt đỏ 6 bậc so với năm 2018 và tăng 2 bậc so với năm 2019. Hầu hết các nhóm hàng của Hải Phòng đều thấp hơn Hà Nội từ 0,13%-7,79%. Đây là địa phương tập trung nhiều ngành công nghiệp quan trọng của đất nước, đặc biệt là cảng trung chuyển hàng hóa chiến lược quan trọng.

Trong những năm qua, Hải Phòng đã có những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các ngành kinh tế, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao. Kinh tế Hải Phòng phát triển sôi động dẫn đến mức giá một số nhóm hàng dịch vụ tại Hải Phòng cao so với các địa phương khác.

Anh

 

Đà Nẵng đã lùi xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng SCOLI 2020 với 97,11%. Chi phí của Đà Nẵng đứng ở vị trí cao do Đà Nẵng là một trong số các thành phố lớn của Việt Nam, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung với vai trò là trung tâm công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ; trung tâm văn hóa thể thao, giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; là thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng về trung chuyển vận tải trong nước và quốc tế; trung tâm bưu chính, viễn thông và tài chính, ngân hàng.

Lào Cai tăng 3 bậc so với năm 2019, đứng vị trí thứ 5 với 96,25%. Lào Cai thay đổi xếp hạng, theo Tổng cục Thống kê, chủ yếu do Bà Rịa - Vũng Tàu và Thừa Thiên - Huế lần lượt đứng ở vị trí thứ 4 và thứ 6 trong năm 2019 đã xuống hạng do giá các nhóm hàng văn hóa, giải trí, du lịch, giá nhà ở thuê, giá dịch vụ phục vụ cá nhân giảm vì Covid-19.

Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (viết tắt theo tiếng Anh là SCOLI) là chỉ tiêu thống kê quốc gia, phản ánh xu hướng và mức độ biến động giá sinh hoạt giữa các vùng, địa phương trong một thời gian nhất định (thường là một năm). Chỉ số SCOLI phục vụ hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đánh giá kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương.

Đồng thời chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI) và Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) theo sức mua tương đương. Các doanh nghiệp có thể sử dụng chỉ số SCOLI để đánh giá tính cạnh tranh liên quan đến giá, thị phần, chi phí sản phẩm; các cá nhân có thể sử dụng chỉ số SCOLI để thương lượng về mức tiền công và xem xét khả năng di cư giữa các địa phương…

Chỉ số này được dùng trong phân tích kết quả thực hiện chính sách xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn, trợ cấp tiền lương và nghiên cứu mức sống dân cư giữa các tỉnh, vùng, khu vực trong cả nước…

Đồng thời, chỉ số này còn là cơ sở để tính Chỉ số phát triển con người (HDI), tính Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là GRDP) theo sức mua tương tương, đánh giá mức sống tối thiểu và điều chỉnh mức lương vùng miền, tính toán các chi phí đầu tư, đánh giá tính cạnh tranh về giá, chế độ ăn, ở, công tác phí theo giá vùng miền. SCOLI được sử dụng để loại trừ yếu tố chênh lệch giá trong thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình giữa các vùng. Từ đó, tính ra thu nhập và chi tiêu của hộ gia đình với cùng một mặt bằng giá để tính toán tỷ lệ nghèo.

So với năm 2019, vị trí các địa phương có mức giá đắt đỏ trong năm 2020 không có sự thay đổi lớn. Tuy nhiên, các tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi phía Bắc có mức giá dần thấp hơn so với những năm trước đây do giao thông ngày càng thuận lợi nên chi phí vận chuyển và lưu trữ hàng hóa giảm. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có mức đắt đỏ hơn các tỉnh miền núi chủ yếu ở các nhóm hàng nhà ở thuê, dịch vụ, giải trí và du lịch.

                                                                    

Bạn nghĩ sao?