Thùy Linh - 15:06 - 20/07/2021
 
Gần 4.000 doanh nghiệp đang kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics... đã có những phản hồi tích cực về cải cách thủ tục hành chính cơ quan hải quan.

Sáng 15/7 tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan tổ chức hội thảo trực tuyến công bố "Báo cáo: Mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu: Kết quả khảo sát năm 2020".

Báo cáo được thực hiện dựa trên kết quả phản hồi của 3.657 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu, sản xuất xuất khẩu, gia công, chế xuất, dịch vụ logistics và đại lý hải quan… Báo cáo phản ánh chi tiết tình hình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, các khó khăn, vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành, cũng như đề xuất kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi và góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, những thành tích về xuất nhập khẩu hàng hoá đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy những nỗ lực phi thường của các doanh nghiệp Việt Nam trước khó khăn của dịch bệnh.

Những chuyển biến tích cực

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2020 đạt tới 545 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2019. 6 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 316 tỷ USD, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Anh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo

Kết quả Báo cáo mức độ hài lòng của doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu đã phản ánh những cố gắng to lớn của Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và các bộ, ngành trong việc cải cách thủ tục hành chính và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực khi tiến hành khai hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa, hoàn thuế/không thu thuế, cho đến giải quyết khiếu nại của các cơ quan hải quan. Thêm nữa, lĩnh vực này cũng đang có một số cải cách lớn như gần đây đã có sự giảm bớt chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra sau thông quan, thủ tục xác nhận hàng hoá qua khu vực giám sát qua hệ thống quản lý hải quan tự động.

Tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng việc nộp thuế dễ dàng đã tăng từ 22,7% (2015) lên đến 39,8% (2020). Các thủ tục thông quan như kiểm tra hồ sơ hay kiểm tra thực tế hàng hóa cũng nhận được đánh giá tích cực từ khoảng 21% doanh nghiệp, tăng mạnh từ các mức tỷ lệ 9% và 5,6%.

Các doanh nghiệp cũng đánh giá cao hơn về chất lượng phục vụ của cán bộ, công chức hải quan so với những năm trước. Mức độ thực hiện kỷ cương, tác phong làm việc và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức hải quan đều có những chuyển động tích cực.

Cụ thể, các doanh nghiệp đánh giá cao nhất công chức hải quan về tiêu chí văn minh, lịch sự khi tiếp xúc (53%), thực hiện đúng thẩm quyền (51%), công tâm, tận tuỵ khi thi hành công vụ (47%), coi doanh nghiệp là đối tác hợp tác (46%), cuối cùng là nhanh chóng, chính xác khi giải quyết công việc (45%).

Về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục cấp giấy phép và giấy tờ tương đương trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa, tỷ lệ doanh nghiệp gặp thuận lợi cao nhất khi tuân thủ thủ tục này, theo đánh giá của các doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải là thấp nhất (17,1%), Bộ Công Thương đạt cao nhất (41,6%), kế đến là Bộ Khoa học và Công nghệ (28,4%).

Cùng đó tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ hoặc tương đối dễ trong thực hiện thủ tục của các bộ, ngành đều có sự cải thiện theo thời gian. Trong đó, chuyển biến nhiều nhất là tại Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Bộ Công Thương cũng nằm trong top 3 bộ dẫn đầu về mức độ thuận lợi khi thực hiện thủ tục công bố hợp quy trong lĩnh vực quản lý chất lượng hàng hóa.

Mức độ phổ biến của việc chi trả chi phí ngoài quy định trong quá trình thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu cũng đã giảm bớt. Một mặt, thể hiện nhận thức của doanh nghiệp trong kinh doanh liêm chính cũng đã có chuyển biến. Mặt khác, cũng thể hiện những nỗ lực của cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác trong việc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ.

Tiếp tục cải thiện trong thời gian tới

Dù ghi nhận những mặt tích cực nổi bật đáng mừng như thông tin về chính sách, thủ tục xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn, tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI, còn rất nhiều việc mà cơ quan hải quan và các bộ, ngành khác cần tích cực triển khai trong thời gian tới để tiếp tục tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp.

Anh 2

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI

“Các doanh nghiệp đề nghị cần tăng tính công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác giải đáp vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Việc phối hợp giữa cơ quan hải quan và các bộ, ngành trong giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp cần hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật cần đảm bảo tính nhất quán và ổn định, mục tiêu cuối cùng là giảm thiểu chi phí tuân thủ bất hợp lý và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong cả chuỗi thủ tục xuất nhập khẩu…”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng cơ quan hải quan và các bộ ngành tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính và chuyển hẳn sang việc giải quyết thủ tục theo phương thức trực tuyến, chứ không phải vừa làm trên mạng đồng thời làm cả trên giấy như hiện nay.

Ông Hoàng Việt Cường, Phó Tổng Cục trưởng, Tổng cục Hải quan, bày tỏ sự phấn khởi khi so sánh với những năm trước đã thực hiện, kết quả điều tra năm 2020 có những chuyển biến đáng chú ý như: thông tin về chính sách và thủ tục hành chính xuất nhập khẩu dễ tiếp cận hơn. Doanh nghiệp đánh giá cao hơn về chất lượng thông tin do cơ quan hải quan cung cấp. Doanh nghiệp cũng hài lòng hơn đối với việc hỗ trợ, giải đáp của các cơ quan khi doanh nghiệp gặp vướng mắc về tiếp cận thông tin...

Thông qua báo cáo này, ngành hải quan cùng các đơn vị chức năng sẽ nhanh chóng nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp trong hoạt động xuất, nhập khẩu; để từ đó điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi, góp phần tạo thuận lợi thương mại cho cộng đồng doanh nghiệp.

Khảo sát 2020 có sự tham gia của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu tới từ nhiều thành phần kinh tế và lĩnh vực hoạt động. Cụ thể, phản hồi cuộc điều tra này có 2.487 doanh nghiệp tư nhân, 1.070 doanh nghiệp FDI và 100 doanh nghiệp có vốn nhà nước, lần lượt chiếm 68%, 29,3% và 2,7% tổng số phản hồi. Về lĩnh vực hoạt động chính, 37,2% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu, 34,2% doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu và 11,5% doanh nghiệp gia công. Ngoài ra, có 4,7% doanh nghiệp chế xuất, 1,7% doanh nghiệp dịch vụ logistics, 0,4% doanh nghiệp là đại lý hải quan và 10,3% là các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác.

Mức độ hài lòng của doanh nghiệp với thủ tục xuất nhập khẩu được khảo sát trên các khía cạnh như: Tiếp cận thông tin quy định về hải quan và thủ tục hành chính hải quan; Thực hiện thủ tục hành chính hải quan; Thủ tục giám sát hàng hóa; Sự phục vụ của công chức hải quan…

Bạn nghĩ sao?