Đức Anh - 19:57 - 07/11/2020
 
Đảm bảo đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu (2021) sắp tới. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa càng trở nên cấp thiết.
1

Ảnh minh họa 

Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Hoàng Anh Tuấn nêu rõ, nhằm đảm bảo nguồn hàng, hiện Bộ Công Thương đang lên kế hoạch cân đối cung- cầu hàng phục vụ dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Cụ thể, Bộ  sẽ phối hợp với các Sở Công Thương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất và phân phối thường xuyên bám sát diễn biến cung- cầu, giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu qua đó kịp thời đưa ra các giải pháp điều hành.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sở, doanh nghiệp đảm bảo xây dựng các chương trình bình ổn thị trường, nhất là các giai đoạn sát Tết. Đồng thời tăng cường các điểm bán tại khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa… nhằm đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đặc biệt, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp tục xây dựng chương trình bình ổn thị trường, tập trung vào các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm...

Thông tin thêm về việc chuẩn bị hàng Tết, bà Trần Thị Phương Lan cho hay, thành phố đã lập các tổ nắm bắt thông tin thị trường hàng hóa, tổ điều phối hàng hóa; chủ động ký kết với các đơn vị phân phối để bảo đảm nhu cầu hàng hóa cho nhân dân; hỗ trợ cung cấp danh sách 2.156 địa điểm giúp các doanh nghiệp có thể mở thêm kho hàng dự trữ và bán lưu động khi cần thiết… Đồng thời, Hà Nội duy trì thường xuyên hoạt động của hệ thống thương mại gồm 142 siêu thị, 27 trung tâm thương mại, 1.700 cửa hàng tiện lợi, 455 chợ và 11.382 trang web, sàn thương mại điện tử...

Trong bối cảnh dịch COVID-19, Hà Nội đã triển khai sớm kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu. Theo đó, thành phố đẩy mạnh đa dạng hóa mạng lưới phân phối, bảo đảm hàng hóa đến tay người tiêu dùng nhanh chóng, thuận lợi nhất; tạo điều kiện hỗ trợ cơ sở sản xuất, phân phối tham gia chương trình tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; mở rộng nhóm hàng bình ổn thị trường gắn với kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất kinh doanh… Các nhóm hàng trong chương trình bình ổn thị trường gồm: Lương thực; thịt gia súc, gia cầm; thủy hải sản, trứng, thực phẩm chế biến; rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị, sữa; nhóm hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bánh, mứt, kẹo, nước giải khát…

Tại phiên họp của Tổ điều hành thị trường trong nước do Bộ Công Thương vừa tổ chức chiều 16/10, đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ nay đến cuối năm sẽ đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có cơ hội vay vốn với lãi suất thấp nhằm kích thích tiêu dùng, sản xuất nguồn hàng phục vụ nhu cầu tăng cao vào cuối năm.

Bên cạnh đó, để tạo động lực luân chuyển hàng hóa, giải phóng hàng tồn để tái sản xuất, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh liên tục tổ chức các hội chợ xúc tiến tiêu dùng, triển lãm sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các hội nghị hội thảo phổ biến, giải đáp về các hiệp định FTA mới ký kết, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội mà các FTA mang lại.

Bạn nghĩ sao?