Đây là thông điệp truyền thông mới trong công tác phòng, chống Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19.

Tiểu ban Truyền thông (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19) vừa ban hành Kế hoạch truyền thông chống dịch Covid-19 từ ngày 1 -7/10 với thông điệp “Trên dưới một lòng, kiểm soát dịch thành công, khôi phục kinh tế - xã hội”.

Theo đó, hệ thống báo chí, truyền thông cần lưu ý làm rõ, truyền thông có điểm nhấn đối với những giải pháp chuyển trạng thái “Zero COVID” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” với 6 nguyên tắc cơ bản, cốt lõi, tạo sự ủng hộ của người dân: Y tế là trụ cột, là trung tâm; Kinh tế là cơ sở, là nền tảng; Dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; Ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên. Vaccine, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

covid2

Nhiều địa phương đang từng bước kiểm soát dịch thành công, khôi phục kinh tế - xã hội 

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần phân tích, lý giải kỹ về các ý kiến chỉ đạo, kết luận, thông điệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến những điều chỉnh, thay đổi giải pháp trong công tác phòng, chống dịch, để tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; Phản ánh, phân tích, lý giải làm rõ vấn đề áp dụng chính sách phòng, chống dịch khác nhau, sự không thống nhất trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh” giữa các địa phương... để từ đó có điều chỉnh cho nhất quán, đồng bộ, logic.

Truyền thông thống nhất về việc chỉ lấy cơ sở khoa học để đánh giá việc kiểm soát các nguy cơ dịch tễ (xét nghiệm + tiêm đủ vắc-xin và đủ thời gian + tự khai báo y tế trung thực + áp dụng công nghệ), từ đó đưa ra tiêu chí về an toàn/không an toàn.

Tăng cường bài, chương trình truyền thông phân tích cái được, cái chưa được, có đánh giá, có nhận định...; cần thiết phải điều chỉnh các tiêu chí phân loại nguy cơ đã cũ như F1, F2, F3... chỉ còn người nhiễm và người nghi nhiễm; những biện pháp chống dịch không thể dùng đi dùng lại trong bối cảnh xã hội hoạt động lại bình thường như cách ly tập trung F1; biện pháp hành chính cần rõ hơn nữa là được làm gì, đặc biệt là không được làm gì (từ góc độ chính quyền).

Ủng hộ các biện pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh nhưng cũng chỉ rõ, phê phán những biện pháp, cách làm chưa phù hợp, cứng nhắc, cực đoan ở cục bộ một số nơi.

covid1

Chứng nhận ngừa Covid-19 được tích hợp vào Hồ sơ sức khoẻ điện tử của mỗi cá nhân 

Thống nhất sử dụng ứng dụng (app) PC-COVID trong phòng, chống dịch để điều kiện thuận cho người sử dụng kể cả những người không sử dụng các tạo thiết bị thông minh, bảo đảm phủ hết các đối tượng cần thiết. Thống nhất ứng dụng (app) là thống nhất mã QR, nếu mã QR đã thống nhất thì ứng dụng, nền tảng nào cũng có thể tích hợp được.

Cần tăng cường truyền thông để chính quyền các cấp thống nhất triển khai 3 nền tảng bắt buộc dùng chung thống nhất trên toàn quốc là: Nền tảng QRCode, Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 và Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm trực tuyến.

Chủ động, kịp thời phản hồi, giải thích, điều chỉnh các thông tin trên mạng xã hội gây tâm lý bi quan, tiêu cực, tạo tâm lý kỳ vọng không có cơ sở; phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch Covid-19.

Giảm bớt lượng tin tức phản ánh không có chiều sâu về diễn biến dịch bệnh. Không đưa số liệu mà thiếu phân tích, thiếu kiểm chứng. Không giật tít lệch lạc bản chất về những vấn đề còn chưa có kết quả, kết luận cuối cùng.

Đối với thông tin cơ sở, chú trọng các hướng dẫn thực hiện đối với người dân: tham gia hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà, đi lại, học tập, đến trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng/quán ăn, tham gia các hoạt động văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, các sự kiện văn hóa, nghệ thuật, đi lại của người dân giữa các địa bàn có cấp độ dịch khác nhau, tự lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc sức khỏe và điều trị tại nhà...

Thông tin đối ngoại tập trung tuyên truyền các chủ trương, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ một cách nhanh nhất, chính xác và kịp thời, đặc biệt là kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Tiếp tục tăng cường thông tin về diễn biến tích cực trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam gần đây để tạo sự yên tâm, tin tưởng của người dân trong và ngoài nước, người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài, bạn bè quốc tế.

Đối với doanh nghiệp viễn thông, cần nghiên cứu thay đổi cách thức và thông điệp gửi đến các thuê bao phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại các địa phương. Tổ chức tốt hoạt động các tổng đài hỗ trợ khai báo y tế, tiếp nhận thông tin và hỗ trợ kịp thời người dân cần trợ giúp về các vấn đề về y tế, lịch tiêm vắc-xin, cập nhật thông tin tiêm chủng và chứng nhận tiêm chủng, cài đặt Sổ sức khỏe điện tử..., hỗ trợ công tác tập hợp, phân tích, đánh giá tình hình công tác phòng, chống dịch.

Ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch cần tổ chức lại một cách khoa học, bài bản các nền tảng, ứng dụng công nghệ phòng, chống dịch hiện có và tích hợp vào một ứng dụng duy nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ mới, tập trung vào hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn trong vùng dịch vì cách ly và hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trở lại tại các địa phương nới lỏng giãn cách.

Các Sở Thông tin và Truyền thông, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tại Kế hoạch truyền thông đã ban hành và chỉ đạo hệ thống báo chí, truyền thông tại địa bàn tuyên truyền các nội dung trên. Tham mưu cho các cấp có thẩm quyền phương án, kịch bản truyền thông phù hợp với diễn biến tình hình dịch trên địa bàn; Phối hợp với các đơn vị chức năng, đầu mối chuyên trách để xử lý các vấn đề phát sinh trên không gian truyền thông.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?