Chống COVID-19 là “cuộc chiến lâu dài”
Tại buổi gặp gỡ, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (Đại học Y Dược TPHCM) bày tỏ phấn khởi với kết quả ban đầu của TPHCM trong công tác phòng chống dịch. Ngành y tế TPHCM đã đảm bảo tiêm vaccine cho nhóm người có nguy cơ cao, nhóm người có bệnh nền; phát triển mô hình chăm sóc, điều trị F0 tại nhà hiệu quả và đảm bảo cơ sở y tế đủ oxy cho người bệnh. Minh chứng rõ ràng nhất là số bệnh nhân tử vong đã giảm rõ rệt.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Chống COVID-19 là “cuộc chiến lâu dài”. Chúng ta có thể quét sạch lần này nhưng cũng không đảm bảo COVID-19 sẽ không đến lần nữa. Chúng ta có thể tiêu diệt COVID-19, nhưng không thể tiêu diệt trong hôm nay, tháng này, năm nay mà phải trong những năm tới cùng các quốc gia khác chứ không thể đơn độc.
Do đó, xét về tổng thể, TPHCM cần xác định “sống chung” với dịch bệnh và tính toán mở cửa kinh tế từng phần để phục hồi. Bởi nếu không mạnh dạn mở cửa thì ngân sách sẽ thiệt hại rất nhiều. Nếu tiêm chủng đủ, nên mạnh dạn trong mở cửa. Trước hết, cần tính toán mở lại các hoạt động sản xuất hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trước. Nếu có trường hợp dương tính tại một số doanh nghiệp thì đương nhiên phải cách ly nhưng các trường hợp còn lại có thể chỉ cần xét nghiệm để xác định ca mắc, có biện pháp xử lý phù hợp, thay vì bắt đóng cửa, dừng hoạt động cả doanh nghiệp.
GS.TS Lê Hoàng Ninh, nguyên Viện trưởng Viện Y tế công cộng TPHCM nhấn mạnh, điều kiện cần để mở cửa là phải bao phủ vaccine, điều kiện đủ là 5K và các yếu tố khác. GS.TS Lê Hoàng Ninh đề nghị, thay vì nói là “5K + vaccine” thì cần chuyển trọng tâm ngược lại thành “Vaccine + 5K”, ưu tiên vaccine.
Thống nhất cần mạnh dạn từng bước nới lỏng, GS. Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược TPHCM đề nghị, cần tập trung bao phủ vaccine và can thiệp sớm tại cộng đồng đối với F0. Theo đó, nguồn lực lúc này cần được tập trung vào bao phủ vaccine tới người dân, nhất là đối với người có nguy cơ cao, người trên 65 tuổi. Bên cạnh đó, TPHCM cần chuẩn bị, tăng cường hệ thống y tế để chăm sóc F0 tại cộng đồng, can thiệp sớm, hỗ trợ kịp thời cho F0 khi có yêu cầu chăm sóc y tế.
“Không thể không mở cửa”
Từ góc độ kinh tế, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng: Hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa.
Theo ông, hệ lụy đối với việc tăng trưởng GRDP của TPHCM trong năm 2021 và những năm tiếp theo là cái giá phải trả rất lớn về kinh tế. Đối với doanh nghiệp đó là sự kiệt quệ mà nếu không kịp thời cứu thì doanh nghiệp sẽ chết, sau này có cứu cũng muộn màng. Đối với người dân, sau 3,5 tháng giãn cách, tỉ lệ hộ nghèo đang gia tăng, sức chịu đựng của người dân cũng cạn. Bên cạnh đó, ngân sách cũng đang gặp khó khăn. Ngoài ra cũng không thể tính hết được là các tổn thương về tinh thần, tâm lý…
Nhìn chung, đứng từ góc độ kinh tế, từ doanh nghiệp, từ người dân, từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương và các chi phí khác về mặt xã hội,.. chuyên gia cho rằng: Chúng ta không thể không mở cửa.
Vậy mở thế nào? TS. Vũ Thành Tự Anh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần thích nghi một cách an toàn với COVID-19 và cần có phương án dự phòng, quản lý rủi ro. Trong đó, phải bảo vệ những người có rủi ro nhiều nhất là người trên 65 tuổi, 50 tuổi trở lên, trẻ em… Điều kiện đầu tiên để mở cửa hiển nhiên là vaccine. Tiếp đó, tất cả đơn vị được phép mở ra, tiến độ mở ra phải có phương án dự phòng, phải có phương án quản lý rủi ro, phải có phương án thay đổi và thích nghi với điều kiện mới. Đơn cử siêu thị, cần có đường vào, đường ra riêng biệt. Những chuyện như vậy cần có quy chuẩn, quy trình, có hướng dẫn cụ thể để thích nghi, phòng ngừa trong bối cảnh mới.
Góp ý với lãnh đạo TPHCM, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM nhấn mạnh: TPHCM đã liên tục đột phá, đổi mới để phát triển thành phố, bảo vệ nhân dân. Thời điểm này, rất cần sự đột phá mạnh mẽ của thành phố để bảo vệ nhân dân, khôi phục kinh tế.
Về việc mở cửa, PGS.TS Trần Hoàng Ngân đồng thuận với việc chuẩn bị các điều kiện để mở cửa trên cơ sở an toàn. Sự phấn khởi chờ đợi của người dân khi TPHCM được trở lại trạng thái “bình thường mới” đang mang lại sức mạnh, đó là sự cộng hưởng của lòng dân.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân đề xuất TPHCM 7 nội dung cần quan tâm. Trong đó, tập trung hỗ trợ vaccine để tiêm cho người mũi 2 đến hạn, nhằm giảm tỉ lệ tử vong; đầu tư nhân lực và năng lực cho các trạm y tế; triển khai thẻ xanh một cách đơn giản, thuận lợi; xây dựng chiến lược huy động nguồn lực tài chính cho thành phố...
TS. Trần Du Lịch cho rằng: Chúng ta phải xác định mở cửa một cách nhất quán, dứt khoát, không nên mở cửa giật cục. Cả TPHCM lẫn doanh nghiệp không còn nguồn lực, sau nhiều tháng giãn cách, doanh nghiệp đã kiệt quệ. Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn lao động, hệ thống cung ứng bị đứt gãy...
Cần đánh giá kỹ các tiêu chí an toàn, điều kiện hoạt động để mở cửa chứ không được "đóng mở bất thường", doanh nghiệp sẽ bị đấm bồi và tiếp tục chết nhiều hơn", TS. Trần Du Lịch nói.
Từng bước mở cửa dần, bảo đảm an toàn, không chủ quan
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên ghi nhận các góp ý, gợi mở tâm huyết của các chuyên gia ở lĩnh vực y tế, kinh tế.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, dù có nhiều góc nhìn khác nhau nhưng các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng chúng ta không thể loại hẳn COVID-19 ra khỏi cộng đồng, ít nhất trong thời điểm này và một thời gian nữa. Các chuyên gia cũng đánh giá, những điều kiện chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch COVID-19 của TPHCM đến giờ này tương đối đảm bảo như: Mở rộng độ bao phủ vaccine, có thuốc điều kháng virus, chăm lo an sinh xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận chăm sóc y tế…
Các chuyên gia cả y tế và kinh tế đều đánh giá, sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn và nền kinh tế bị tổn thương nhiều, cần được sớm phục hồi. Với nhìn nhận như vậy, các chuyên gia đề nghị TPHCM từng bước phải mở dần, trên cơ sở đảm bảo an toàn, tuyệt đối không chủ quan. Đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, đã đến lúc cần thống nhất điều này.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cần chuẩn bị chiến lược để TPHCM chuyển sang giai đoạn bình thường mới – sống trong môi trường có COVID-19. Do đó, cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, tinh thần và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để ứng phó phù hợp với môi trường sống có COVID-19.
Bí thư Thành ủy TPHCM thông tin, hiện nay, TPHCM đang chuẩn bị kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, với 13-14 chiến lược, trụ cột nhất là chiến lược về y tế. Chuẩn bị cho điều kiện bình thường mới, TPHCM củng cố hệ thống y tế từ cơ sở đến thành phố; phát huy nguồn lực cả hệ thống y tế dự phòng, y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc… để hình thành mạng lưới y tế đủ sức chăm lo cho dân.
Trong chiến lược về mặt y tế, phải có quy định rõ ràng khi phát hiện F0 ở cộng đồng thì ứng phó thế nào. Nếu như trước đây, khi phát hiện F0 thì đóng cửa; giờ đây, trong điều kiện bình thường mới, nếu phát hiện ca mắc COVID-19 thì phải “sống chung” như thế nào? Về điều này, TPHCM đang tính lại cách ứng phó trong tình hình mới.
Cùng với đó, TPHCM có chiến lược về an sinh, quan tâm đến an sinh xã hội, nhà ở xã hội và các vấn đề để người dân có điều kiện sống tốt hơn. “TPHCM làm được một số kết quả nhưng không chủ quan và rất cần sự chung sức đồng lòng của các nhà khoa học, tiếp tục giúp TPHCM khôi phục từng bước chắc chắn và phát triển trở lại, làm tròn sứ mệnh của thành phố với nhân dân, với đất nước”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh./.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến