Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, pháp luật đất đai đã đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai ở TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên). Tuy nhiên, hiện còn có một số vướng mắc về đấu thầu đất công cần tháo gỡ. 

Công tác quản lý đất đai có chuyển biến

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, cho biết: Để triển khai Luật Đất đai, TP. Điện Biên Phủ đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đồng bộ và kịp thời, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; các văn bản được ban hành đều bám sát chủ trương đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; giúp cho Luật sớm đi vào cuộc sống, giải quyết kịp thời các vấn đề bức thiết mà thực tế đang đòi hỏi; Góp phần phát huy nguồn lực tài nguyên và môi trường cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý, ngăn ngừa, tham nhũng, lãng phí trong lĩnh vực đất đai, đưa công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn đi vào nền nếp.

UBND TP. Điện Biên Phủ đã chủ động triển khai, hướng dẫn chỉ đạo các xã, phường tăng cường công tác quản lý về đất đai. Giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng đất, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai, tổ chức nhiều hội nghị đối thoại với Nhân dân để kết hợp tuyên truyền pháp luật về đất đai. Do đó các tổ chức, Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh cơ bản đã nhận thức được nội dung của pháp luật đất đai, góp phần cùng thành phố quản lý, sử dụng đất đai, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định.

Theo đó, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã chỉ ra vị trí, quy mô, mục đích sử dụng đất, phục vụ cho mục tiêu quốc phòng, an ninh của tỉnh và mục tiêu phát triển của các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn thành phố, phát huy tốt nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đảm bảo Nhà nước quản lý và sử dụng đất tiết kiệm khai thác hợp lý, có hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường, tạo nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

db

Một góc Thành Phố Điện Biên Phủ 

Công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật đã được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, có chiều hướng thuyên giảm; quyền lợi của người sử dụng đất được đảm bảo; một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất tiếp tục được tháo gỡ để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất; việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai ngày càng được tăng cường, phát huy dân chủ; bộ máy quản lý từng bước được kiện toàn theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Cùng với đó, thực hiện đầy đủ các bước lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: Điều tra thu thập thông tin, tài liệu từ cấp cơ sở và các ban ngành liên quan; Phân tích, đánh giá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội và môi trường tác động đến việc sử dụng đất; Phân tích, đánh giá tình hình quản lý, sử dụng đất đai, kết quả thực hiện và tiềm năng đất đai; Xây dựng phương án điều chỉnh quy hoạch; Xây dựng báo cáo tổng hợp và thuyết minh tổng hợp các tài liệu có liên quan. Hội thảo, lấy ý kiến góp ý của nhân dân và các đơn vị liên quan, UBND các phường (xã) về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây là một trong những yếu tố cần thiết để địa phương thực hiện tốt công tác quản lý đất đai, sử dụng tài nguyên đất có hiệu quả theo yêu cầu của Luật đề ra.

 Cần quy định cụ thể đối tượng, trình tự thủ tục đấu thầu đất nông nghiệp

Ông Lê Tiến Dũng, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ, cho biết, trong quá trình triển khai, thực hiện, áp dụng thi hành các điều khoản của Luật Đất đai, sửa đổi bổ sung năm 2013 trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ hiện vẫn còn tồn tại một số điểm, như: Việc triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn vẫn còn có một số nội dung pháp luật về đất đai chưa có quy định điều chỉnh; một số nội dung mặc dù đã có quy định nhưng khó khả thi vì chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương. Thiếu các quy định để xử lý chuyển tiếp giữa Luật cũ và Luật mới về các trường hợp giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thể hiện ở một số tồn tại đến nay chưa được giải quyết do chưa có quy định để giải quyết. Cụ thể như:

Trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ hiện nay có 105,59ha đất công (đất nhận bàn giao từ C.ty CP Chế biến nông sản, đất hợp tác xã Him Lam, đất công ích) chưa có phương án sử dụng hiệu quả. Do phần lớn diện tích trên thuộc khu vực đất được quy hoạch vào mục đích khác, đất đã nằm trong quyết định thu hồi để thực hiện dự án gần 20 năm không thực hiện, nên không hoàn tất được các thủ tục giao đất, cho thuê đất gây lãng phí đất đai; Chưa có hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục đấu thầu đất công ích dẫn đến các phường, xã trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đến nay chưa thực hiện đấu thầu 18,19ha đất  công ích (trong đó, Nam Thanh có 3,12ha, Thanh Minh có 5,71m2 Thanh Trường có 9,46ha) ; Chưa có quy định cụ thể cho việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc đất lúa không còn khả năng canh tác lúa nước cho cá nhân sang mục đích sử dụng khác quy hoạch được phê duyệt.

dbb

TP. Điện Biên Phủ tập trung giải quyết nhiều kiến nghị về đất đai 

Chính vì vậy, TP. Điện Biên Phủ kiến nghị đề xuất giải pháp trong công tác đấu thầu đất, đề nghị sửa Luật theo hướng quy định cụ thể về đối tượng, trình tự thủ tục thực hiện đấu thầu đất nông nghiệp. Trong đó, cho phép UBND cấp xã, phường được đấu thầu diện tích đất nông nghiệp (đất công) do phường quản lý, được quy hoạch sử dụng vào mục đích khác và đã nằm trong quyết định thu hồi các dự án nhưng chưa thực hiện ngay, để đảm bảo đất đai không bị lãng phí, không thất thu ngân sách.

Đối với nội dung chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thành phố Điện Biên Phủ đề nghị sửa Luật theo hướng quy định cụ thể đối với trường hợp cho chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc là đất lúa, đất rừng trước đây nay không còn là đất lúa, đất rừng cho hộ gia đình cá nhân.

Theo Báo Tài nguyên và Môi trường

Bạn nghĩ sao?