Linh Nguyễn -
 
Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân (Hà Nội) vừa công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Đứng đầu là Tổng công ty Licogi - CTCP, CN Licogi số 1 với số tiền nợ là 10,62 tỷ đồng.
Tổng công ty Licogi dẫn đầu các doanh nghiệp có số nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lớn

Tổng công ty Licogi dẫn đầu các doanh nghiệp có số nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp lớn

Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân mới đây đã công bố danh sách 618 đơn vị, doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 7/2021, với tổng số nợ là 173,1 tỷ đồng.

Những đơn vị này đã có hành vi vi phạm pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của 5.718 lao động, gây ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Theo danh sách mà Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân công bố, đứng đầu là Tổng công ty Licogi – CTCP, CN Licogi số 1 với số tiền nợ là 10,62 tỷ đồng.

Doanh nghiệp có số nợ cao thứ 2 là Công ty lắp máy điện nước – Licogi (trực thuộc Tổng công ty Licogi – CTC) với số nợ 10,433 tỷ đồng. Đứng thứ 3 là Công ty TNHH MTV xây dựng công trình giao thông 875 nợ số tiền 6,84 tỷ đồng.

Anh 2

Danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tính đến tháng 7/2021

Đáng nói, theo danh sách được công bố thì có đến 7 doanh nghiệp thuộc “họ” Licogi nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ngoài Tổng công ty Licogi - CTCP, CN Licogi số 1 và Công ty lắp máy điện nước – Licogi thì Công ty Cổ phần Licogi 13 - Vật liệu xây dựng đang nợ bảo hiểm xã hội 5,06 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Licogi 166 nợ 3,3 tỷ đồng. Tổng công ty Licogi nợ 1,7 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Licogi 13 Cơ giới hạ tầng nợ 1,2 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Licogi 13 nợ 963 triệu đồng.

Được biết, nếu chậm đóng bảo hiểm xã hội, doanh nghiệp sẽ vi phạm vào một trong những điều cấm tại Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014.

Doanh nghiệp được phép nợ bảo hiểm xã hội đến dưới 30 ngày. Nếu chậm nộp từ 30 ngày trở lên thì sẽ phải nộp đủ số tiền chưa đóng và nộp thêm số tiền lãi cho Quỹ Bảo hiểm xã hội, đồng thời còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật liên quan.

Theo Luật Hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018, việc trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, chủ doanh nghiệp sẽ chịu mức phạt tù có thể lên tới 7 năm và tiền phạt có thể lên tới 1 tỷ đồng.

Tại Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động) quy định: Người nào gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?