Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn thương mại điện tử
Ngày 11/8/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị trực tuyến phổ biến, hướng dẫn triển khai kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn. Kế hoạch này hướng tới mục tiêu đưa các hộ sản xuất nông nghiệp (SXNN) tham gia sàn thương mại điện tử (TMĐT) để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế; hỗ trợ hộ SXNN đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn TMĐT; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản.
Theo các chuyên gia, sản lượng hàng nông sản tiêu thụ trên các sàn TMĐT hiện còn khiêm tốn. Theo số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đến tháng 8/2021 có 7.987 hộ nông dân và 14.594 sản phẩm nông sản đã được đưa lên các sàn TMĐT. Nông nghiệp là ngành duy nhất có tăng trưởng dương trong quý 3/2021 và duy trì xuất siêu ở mức 3,3 tỷ USD. Đây là kết quả của sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng sự phối hợp hiệu quả của các ngành chức năng, hội viên Hội Nông dân và cộng đồng doanh nghiệp trong hành trình vượt khó.
Con số xuất khẩu nông sản ấn tượng trên đã chứng tỏ sự nỗ lực rất lớn của người nông dân trong việc thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa chống dịch vừa đẩy mạnh sản xuất. Để đạt được kết quả khả quan, ngoài việc nỗ lực sản xuất chuyển đổi mô hình phù hợp với thị trường người nông dân cần chủ động bán hàng trên các sàn TMĐT, livestream quảng bá và bán sản phẩm trên mạng xã hội... Để từ đó, sản phẩm nông sản, đặc sản vẫn được tiêu thụ ổn định, thậm chí giá một số nông sản đặc sản còn tăng, quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm ổn định cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh ngày càng phức tạp.
Dịch COVID-19 bùng phát đã tác động xấu đến nhiều ngành, lĩnh vực khiến hoạt động sản xuất phải tạm dừng để ngăn dịch bệnh lây lan, người lao động mất việc, đời sống gặp nhiều khó khăn…Trong bối cảnh đó, ngành nông nghiệp một vẫn tiếp tục thể hiện rõ vai trò trụ đỡ của nền kinh tế khi tốc độ tăng trưởng của ngành vẫn đạt 2,74% và đóng góp 23,54% vào mức tăng chung cả nước.
Các sàn TMĐT còn giúp người dân kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời, thông qua các sàn TMĐT và nền tảng số cung cấp các thông tin hữu ích cho các hộ SXNN như thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu và năng lực sản xuất nông sản, thông tin thời tiết, mùa vụ, giống, phân...Từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.
Thành lập nhiều diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản
Từ nhiều tháng nay, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội, gây khó khăn trong khâu lưu thông, vận chuyển nên nguồn nông sản dồi dào của các tỉnh miền Tây bị ùn ứ, không thể tiêu thụ.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời hỗ trợ người dân ở các địa phương lân cận tiêu thụ nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Tổ công tác đặc biệt phía Nam (Tổ công tác 970) để kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản với trên 1.400 đầu mối. Từ các đầu mối kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản, đã chính thức ra mắt Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, với mục tiêu tạo không gian mở cho người bán-người mua nông sản gặp nhau. Từ khi thành lập đến nay, định kỳ mỗi tuần một lần, Diễn đàn tổ chức các cuộc kết nối giữa nông dân, hợp tác xã sản xuất, cung ứng nông sản với các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ với sự hỗ trợ, đồng hành của ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Nhiều diễn đàn đã ra đời như: Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, trái cây của Đồng Tháp, Sóc Trăng; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP các tỉnh Tây Nguyên; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ nông sản của tỉnh Bình Dương; Diễn đàn kết nối, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi của các tỉnh phía Nam...
Tại các diễn đàn, nhiều biên bản hợp tác đã được ký kết, doanh nghiệp có thêm nhiều thông tin về nông sản, đặc sản của các địa phương, đồng thời "đặt hàng" lại các nhà sản xuất để đảm bảo sản phẩm đúng tiêu chuẩn, được đóng gói đúng quy cách. Có thể thấy, diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản không đơn thuần là giúp doanh nghiệp tìm được nguồn hàng, mà còn giúp các cơ quan Nhà nước thay đổi phương thức quản lý, lãnh đạo điều hành từ địa phương cho đến cả nước. Trên cơ sở đó, ngành nông nghiệp sẽ có những chỉ đạo sát với thực tế, hình thành được một hệ sinh thái nông nghiệp bền vững.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chỉ khi nào chuyển biến triệt để tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp, nền nông nghiệp sẽ tạo ra giá trị giá tăng. Khâu phân phối, kết nối cũng tạo ra giá trị, chứ không chỉ nằm ở người sản xuất. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không có lưu thông, phân phối, công sức của nông dân cũng khó lòng tạo ra giá trị cao.
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số nông nghiệp trên cả nước, các cấp, ngành chức năng, sàn TMĐT, các tổ chức, cá nhân phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả để thực hiện Kế hoạch, bảo đảm thiết thực và hiệu quả. Các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền Kế hoạch trên các phương tiện thông tin như báo chí, phát thanh truyền hình, thông tin cơ sở... và các nền tảng số, mạng xã hội. Các hộ SXNN khi tham gia sàn TMĐT đảm bảo những điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận sản phẩm, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thực tế cho thấy, nhiều địa phương trong cả nước đã bán hàng nông sản trên các sàn TMĐT rất hiệu quả. Chính sách hỗ trợ các hộ SXNN đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn TMĐT là bước đi đúng đắn, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách nhanh nhất; tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch, giúp người dân giữ giá nông sản, không bị thương lái ép giá. Giúp khách hàng có thể mua sản phẩm một cách thuận tiện, nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh, đồng thời, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế cho các sản phẩm nông nghiệp của nước ta.
Theo Tầm nhìn
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến