Đức Anh - 08:03 - 23/11/2020
 
Bộ Công Thương vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về Thương mại điện tử nhằm giải quyết một số vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.
1

 

Không thể phủ nhận Nghị định 52 về TMĐT là văn bản trực tiếp điều chỉnh các hành vi kinh doanh trên môi trường điện tử. Sau 7 năm thực hiện Nghị định, cùng với sự phát triển và lan tỏa của công nghệ số, TMĐT Việt Nam đã có nhiều bước tiến vượt bậc, góp phần tạo ra diện mạo và phương thức vận hành mới cho thương mại nói chung và nền kinh tế số nói riêng.

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, cùng với sự đổi mới liên tục của công nghệ, hoạt động TMĐT cũng là lĩnh vực chịu nhiều tác động và thay đổi nhanh chóng nhất. Nhiều mô hình TMĐT mới xuất hiện, đa dạng về cách thức hoạt động, phức tạp về chủ thể tham gia và chưa được điều chỉnh bởi các khuôn khổ pháp luật hiện hành; các hành vi vi phạm về TMĐT ngày càng diễn ra tinh vi; hoạt động TMĐT có yếu tố nước ngoài phát sinh dưới nhiều hình thức, và một số vấn đề khác đang đặt ra yêu cầu mới đối với cơ quan quản lý nhà nước… Do đó, yêu cầu cấp thiết đặt ra là cần sửa đổi Nghị định 52, tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về TMĐT để đáp ứng yêu cầu phát triển, đặc biệt trong bối cảnh TMĐT là hoạt động thương mại hiện đại có tăng trưởng nhanh và mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu thương mại, qua đó góp phần hướng đến phát triển kinh tế số và chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định nhằm minh bạch thông tin hàng hoá, dịch vụ trong hoạt động TMĐT, chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cụ thể, sửa đổi quy định về thông tin hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động TMĐT tại Điều 30 Nghị định 52. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng quản lý chặt hơn đối với thông tin hàng hóa công khai trên website, đồng thời các thông tin này phải theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phù hợp với đặc tính của từng loại hàng hóa.

Bổ sung quy định về thông tin vận chuyển và giao nhận tại điểm d khoản 1 Điều 33 Nghị định 52; theo đó, bổ sung quy định về việc phân định rõ trách nhiệm của thương nhân, tổ chức cung ứng dịch vụ lưu kho, vận chuyển, giao hàng (gọi chung là dịch vụ logistics) về cung cấp chứng từ hàng hóa trong quá trình giao nhận, đảm bảo điều kiện thực thi cho các cơ quan phòng, chống hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại.

2

 

Bên cạnh đó, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định đối với quản lý hoạt động TMĐT trên mạng xã hội: Với mục tiêu thiết lập cơ sở pháp lý đầy đủ cho TMĐT trên mạng xã hội hoạt động với định hướng tạo sân chơi công bằng, bình đẳng giữa các phương thức hoạt động TMĐT dù trong lãnh thổ Việt Nam hay xuyên biên giới; hạn chế hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường mạng, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung các hình thức hoạt động của sàn giao dịch TMĐT, theo đó khoản 2 Điều 35 đã bổ sung mạng xã hội có các đặc tính như sàn giao dịch TMĐT thì thực hiện theo quy định về sàn giao dịch TMĐT.

Đối với quy định về trách nhiệm thực hiện thủ tục thông báo website TMĐT bán hàng: Dự thảo sửa đổi quy định về trách nhiệm của thương nhân, tổ chức, cá nhân sở hữu website TMĐT bán hàng tại Điều 27 Nghị định 52 theo hướng thu hẹp phạm vi thực hiện thủ tục hành chính của tổ chức, cá nhân. Theo đó, chỉ website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến mới phải thực hiện thủ tục hành chính thông báo với Bộ Công Thương.

                                                       

Bạn nghĩ sao?