PV -
 
Các hợp tác xã cần liên kết trong đầu tư công nghệ chế biến, để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao, bền vững với môi trường, vừa thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, vừa nâng cao giá trị sản phẩm.
1

 

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều biến động, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế thông qua sản lượng đầu ra tăng lên hàng năm, tạo việc làm và thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương.

Nhiều hợp tác xã vẫn đẩy mạnh áp dụng công nghệ chế biến sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, kết nối, xây dựng chuỗi tiêu thụ để đưa ra thị trường những sản phẩm mới. Đơn cử như trong đợt dịch Covid-19 vừa qua HTX Tâm An của Sơn La đã mạnh dạn cùng với doanh nghiệp và người dân đưa ra thị trường sản phẩm bánh xoài, bún dâu tây, thay vì ngồi nhìn nông sản không tiêu thụ được.

Bà Nguyễn Thị Thu – Giám đốc Hợp tác xã Tâm An chia sẻ và đề xuất: “Trong năm 2021 chúng tôi kỳ vọng cao hơn nữa ở vấn đề kết nối hợp tác để tạo thành hệ sinh thái, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp, các hợp tác xã, người dân là nòng cốt tham gia vào chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp, hợp tác xã là tiên phong trong vấn đề ứng dụng công nghệ chế biến và kết nối thị trường, có sự tham gia của Nhà nước trong vấn đề định hướng chính sách và làm thế nào để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, HTX tiếp cận được cái đó”.

2

 

3

 

Xu hướng phát triển hợp tác xã thế giới hiện nay không chỉ việc hợp tác, liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, các hợp tác xã với nhau, mà còn với các doanh nghiệp tạo thành chuỗi giá trị. Thông qua sự hợp tác này, hợp tác xã phát triển ngày càng vững mạnh, đối đầu được với những khó khăn, thách thức và cạnh tranh từ bên ngoài. Khi các hợp tác xã đủ lớn mạnh cũng sẽ tạo được sự bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán, gia nhập, mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh.

Để khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã tiếp tục phát triển và nâng cao vai trò của mình trong hỗ trợ kinh tế thành viên và cộng đồng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng –Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới, Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhấn mạnh: “Trước hết chúng ta phải xác định kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã, tổ hợp tác xã là một trong những thành phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thứ hai là phải phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững, bảo đảm nguyên tắc tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu, lợi ích của người dân và tổ chức tham gia với nhiều hình thức liên kết đa dạng, phát huy tối đa lợi thế của các vùng miền.

4

 

Phải phát triển kinh tế tập thể gắn sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường, nhất là khu vực nông thôn. Nhà nước phải xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách để hỗ trợ khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã. Vấn đề thứ năm là phát triển kinh tế tập thể phù hợp với quy luật khách quan, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và cuộc cách mạng 4.0”.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện các chính sách tại Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021- 2025, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ở địa phương mình; đồng thời tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể, Hợp tác xã.

Thực tế cho thấy kinh tế hộ gia đình ở Việt nam còn nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn sẽ rất khó khăn, không có khả năng cạnh tranh để tồn tại. Vì vậy, các hợp tác xã cần phải liên kết trong đầu tư công nghệ chế biến, để tạo những sản phẩm công nghệ cao, bền vững với môi trường, vừa thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, vừa nâng cao giá trị sản phẩm đưa ra thị trường, đặc biệt là xuất khẩu.

Bạn nghĩ sao?