Hoàng Pháp -
 
Trao các quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Thống đốc NHNN Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao 4 nhiệm vụ cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, 10 nhiệm vụ cho người đứng đầu ngành Y tế và 5 nhiệm vụ quan trọng cho Thống đốc và ngành ngân hàng.

5 nhiệm vụ quan trọng cho Thống đốc và ngành ngân hàng

Theo đó chiều 16/11, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thống đốc NHNN Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng. Chúc mừng bà Nguyễn Thị Hồng được Đảng, Nhà nước tin tưởng giao nhiệm vụ là Thống đốc thứ 15 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, cũng là nữ Thống đốc đầu tiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao 5 nhiệm vụ quan trọng cho Thống đốc và ngành ngân hàng.

Anh1: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thống đốc NHNN Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Thống đốc NHNN Việt Nam đối với bà Nguyễn Thị Hồng

Giao nhiệm vụ cho tân Thống đốc và ngành ngân hàng, Thủ tướng nêu rõ, trước hết, cần kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, trong đó phải thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng Việt Nam. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của NHNN và cũng là thành quả quan trọng nhiều năm qua, khi lạm phát từ mức trên 18% vào năm 2011 đã giảm xuống dưới 4% trong suốt nhiệm kỳ này. Nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức thấp, kinh tế vĩ mô ổn định thì mới có thể phát triển nhanh và bền vững. Trong đó cần sử dụng công cụ chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, lưu ý ổn định các thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, phấn đấu tăng tỉ lệ dự trữ ngoại hối.

Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tiền tệ, tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận tín dụng chi phí thấp, thủ tục đơn giản, thuận tiện. NHNN cần nghiên cứu biện pháp giảm chi phí lãi vay, bởi nhiều ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, thậm chí phá sản. Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp, người dân.

Dù có sự cố gắng lớn, nhưng theo Thủ tướng, tín dụng năm nay tăng trưởng thấp, mới đạt gần 7%, do tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đó còn nhiều lĩnh vực có tiềm năng cho vay và phát triển tốt như nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xuất khẩu, thương mại điện tử, công nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông, y tế, giáo dục… Cùng với cho vay, các ngân hàng cần đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp về các phương án sản xuất kinh doanh, để ngân hàng có lợi và doanh nghiệp cũng có lợi. Đó mới là cái gốc của kinh doanh tín dụng bền vững. Để phục vụ phát triển, Thủ tướng yêu cầu NHNN nhất định không được để thiếu vốn tín dụng cho các lĩnh vực và dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có nhu cầu, có năng lực sản xuất mới, đặc biệt các dự án ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế số, để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. Ngành ngân hàng cũng cần tiếp tục xóa, giảm, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho các tỉnh miền Trung vừa qua chịu thiên tai, bão lũ trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, 4 NHTM Nhà nước cần thể vai trò quan trọng để góp phần ổn định vĩ mô.

Thứ ba, cần tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng phải hiệu quả, đủ mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại, không để “mất bò mới lo làm chuồng”. Nếu để xảy ra vi phạm trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng thì có nghĩa là cơ quan giám sát ngân hàng chưa làm tròn nhiệm vụ.

Nhiệm vụ thứ tư là cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém. Đây là nhiệm vụ trọng yếu Chính phủ và NHNN đã đôn đốc chỉ  đạo, thực hiện thời gian qua, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Do đó, NHNN cần có định hướng cụ thể đối với từng NHTM, trước hết giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ này đối với NHNN là vừa hạn chế nợ xấu gia tăng, vừa giảm nợ xấu đang có, vừa có cơ chế để các tổ chức tín dụng phát triển lành mạnh, bền vững; cần đặt mục tiêu Việt Nam có ngân hàng lọt vào tốp đầu các ngân hàng tốt nhất khu vực.

Trong nhiệm vụ thứ năm, Thủ tướng yêu cầu ngành ngân hàng không ngừng hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng gắn với đào tạo đội ngũ cán bộ năng động, sáng tạo, hiệu quả; đi tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa, góp phần giảm chi phí, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Thủ tướng cũng đề nghị NHNN đoàn kết, thống nhất, lắng nghe các chuyên gia, chủ động đề xuất với Thủ tướng và Chính phủ các giải pháp, quyết sách thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, nhận thức sâu sắc về trách nhiệm lớn lao của người đứng đầu, chỉ đạo điều hành hệ thống ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi mà nền kinh tế thế giới biến động khó lường, dịch bệnh COVID-19, sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số. Điều đó đòi hỏi hệ thống ngân hàng cần có bước đi phù hợp.

Tân Thống đốc NHNN cũng khẳng định sẽ cùng tập thể NHNN chủ động bám sát diễn biến tình hình, nắm chắc chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành, hoàn thành tốt vai trò của một ngân hàng Trung ương, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống… làm sao để hệ thống ngân hàng thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế.

4 nhiệm vụ cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ

Trước đó, chiều 15/11, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng PGS. TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng. “Chúng ta xác định đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn mà Đảng, Nhà nước giao cho đồng chí Huỳnh Thành Đạt”, Thủ tướng phát biểu tại lễ trao quyết định.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt

Thủ tướng đề nghị tân Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng như toàn thể cán bộ Bộ KH&CN phát huy tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Cuộc cách mạng 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 đặt ra cho Bộ KH&CN những yêu cầu nhiệm vụ rất quan trọng, tạo ra những thách thức rất lớn và cũng mở ra cơ hội phát triển chưa từng có của ngành khoa học công nghệ nước nhà.

Cho biết vừa đọc báo cáo mới về Singapore với những chính sách mới trong thu hút phát triển, khởi nghiệp, Thủ tướng đặt vấn đề phải chăng đây là bài học kinh nghiệm tốt cho chúng ta trong việc thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước mà “các đồng chí được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ với Đảng, Nhà nước” về lĩnh vực này.

Thủ tướng đề nghị tân Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN thực hiện đồng bộ các giải pháp để khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà thực sự là một động lực phát triển quan trọng và bền vững đất nước. “Không có những giải pháp triển khoa học công nghệ tốt, không đi trước, đón đầu thời đại mới thì sẽ thụt lùi rất xa”, Thủ tướng nói.

Do đó, Bộ KH&CN phải không ngừng đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn cuộc sống, tập trung vào cơ chế, chính sách, nguồn lực, những ưu tiên trong chỉ đạo thực thi phát triển công nghệ.

Thủ tướng đề nghị ngành KH&CN, đứng đầu là Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt tập trung vào 4 nhiệm vụ lớn.

Một là về cơ chế, thể chế phát triển KHCN, cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ cao trong cơ sở nghiên cứu KHCN, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển KHCN, đặc biệt là doanh nghiệp. Các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, dẫn dắt và đổi mới công nghệ. Kiến tạo, thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết thực chất, hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Từ các nghiên cứu đến sản xuất kinh doanh còn có khoảng cách. Vì vậy, “các đồng chí phải làm tốt hơn, rút ngắn hơn khoảng cách này”, Thủ tướng nêu rõ. Việc gắn chặt nhiệm vụ KHCN với mục tiêu kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu.

Đi liền với đó, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính ngân sách, cơ chế đặt hàng, nhận hàng, phát triển KHCN cũng như quá trình chuyển đổi số quốc gia. “Các đồng chí phải chủ động hơn nữa đề xuất với Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý.

Phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn trong lĩnh vực KHCN, nhất là quy trình, thủ tục đối với các đề tài nghiên cứu, các đề án quốc gia, các sáng kiến cải tiến để các nhà khoa học không nản lòng vì thủ tục.

Thứ hai là thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ công nghệ còn khoảng cách rất xa với thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh chính sách dành cho các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ nhiệm các đề tài quan trọng quốc gia, các nhà khoa học trẻ tài năng cũng như đội ngũ quản lý KHCN, những người luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, đề xuất những đột phá về cơ chế quản lý. Phải gỡ nút thắt này để giới khoa học thực sự bám vào đời sống, vào sản xuất để triển khai.

Thứ ba là ưu tiên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN. Cần rà lại công việc để làm sao các lĩnh vực KHCN có tính ứng dụng cao, KHCN thực sự là lực lượng sản xuất kinh doanh trực tiếp để nâng cao năng suất, chất lượng.

Nhiệm vụ nữa là chú ý hơn đến hợp tác hội nhập quốc tế về KHCN để rút ngắn khoảng cách, giải quyết câu hỏi làm sao học công nghệ Việt Nam có thể phát triển tốt hơn, nhanh hơn.

Với sự giúp đỡ của tập thể, Thủ tướng tin tưởng đồng chí Bộ trưởng sẽ tạo ra đột phá, cú hích, luồng sinh khí mới cho KHCN, qua đó đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội cả nước, nhất là thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển KHCN trong giai đoạn mới, “đừng để Việt Nam phải đi chậm hơn”.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định sẽ tập trung sức lực, trí tuệ để cùng với tập thể Ban cán sự Đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ và toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bộ KH&CN đoàn kết, kế thừa và phát huy hơn nữa những thành tựu, kết quả mà Bộ và ngành đạt được trong thời gian qua.

Bộ trưởng cũng khẳng định quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ Thủ tướng giao, khơi dậy và thúc đẩy tinh thần chung tay hợp tác, chia sẻ và sáng tạo của đông đảo lực lượng khoa học công nghệ trong và ngoài nước trong việc khai thác và phát triển các tiềm lực KHCN quốc gia.

Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế

Chiều cùng ngày, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng GS.TS Nguyễn Thanh Long đã được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế và trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế.

Đánh giá cao ngành y tế đã nỗ lực trong phòng, chống COVID-19 thời gian vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe còn quý hơn vàng, nên Bộ Y tế, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, phải nỗ lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế

Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là kiểm soát tốt dịch COVID-19, không để dịch quay trở lại, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, sốt xuất huyết, cúm mùa và dịch tả.

Tiếp đó là hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ khám chữa bệnh với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ và giảm chi phí khám chữa bệnh. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cần tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện ảnh hưởng đến chất lượng y tế, kiểm soát tốt hơn nữa chi phí y tế, dược phẩm, thực phẩm, vật tư trang thiết bị y tế; công khai minh bạch trong quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc; công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh. Nâng cao chất lượng công tác an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn trường học, khu công nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và phạm vi thanh toán bằng bảo hiểm y tế, quan tâm các đối tượng chính sách như người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, người già, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Bên cạnh mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân, Thủ tướng yêu cầu ngành y tế chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập. Xã hội hóa nguồn lực, đầu tư cho y tế là một chủ trương đúng đắn, nhưng Bộ cần tập trung thực hiện cơ chế chính sách và công cụ quản lý, không để tình trạng thương mại hóa quá mức khiến xảy ra tình trạng "tiền nào của nấy" về chất lượng điều trị. Không để người bệnh mù mờ về chi phí khám chữa bệnh.

Trước Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thời gian tới sẽ tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 và Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương và các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện tốt 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu.

Bộ Y tế cũng tập trung nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ ngành y. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như khám chữa bệnh từ xa, công khai y tế, hệ thống điều hành trạm y tế xã, mạng y tế Việt Nam kết nối thầy thuốc trên toàn quốc, hồ sơ sức khỏe toàn dân.

Bạn nghĩ sao?