Quỳnh Chi - 20:43 - 06/08/2021
 
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lây lan rộng khiến chuỗi cung ứng nuôi trồng – chế biến – tiêu thụ thủy sản đang gặp nhiều khó khăn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị các địa phương phía nam tạo điều kiện để các doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất.

thuy san 1

Gỡ nút thắt cho chuỗi cung ứng tiêu thụ thủy sản phía Nam. (Ảnh: TTXVN)

Các tỉnh, thành phía Nam là nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến thủy sản lớn của cả nước. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 lây lan rộng khiến chuỗi cung ứng nuôi trồng – chế biến – tiêu thụ thủy sản đang gặp nhiều khó khăn. Đây là thông tin được các doanh nghiệp chia sẻ tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, thủy sản trong điều kiện dịch COVID-19 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức chiều 31/7.

Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, hiện tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ là nơi tập trung tới 70% sản lượng nuôi trồng, chế biến thủy sản cả nước; trong đó, cá tra tập trung 100% tại Đồng bằng sông Cửu Long với sản lượng 1,55 triệu tấn, sản lượng tôm trên 780.000 tấn chiếm 85% sản lượng tôm cả nước; các sản phẩm khai thác là 1,74 triệu tấn, chiếm 47% sản lượng thủy sản khai thác toàn quốc.

Trước tình hình dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có dấu hiệu tăng nhanh số ca nhiễm tại các vùng nuôi trồng, chế biến thủy sản trọng điểm. Các doanh nghiệp đề xuất ngành nông nghiệp và các ngành liên quan sớm tháo gỡ các khó khăn bất cập trong quản lý và kiểm soát dịch bệnh.

Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định và không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản, Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các địa phương phía nam quan tâm, động viên các doanh nghiệp và chỉ đạo tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg, đồng thời giám sát việc tuân thủ mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường - 2 địa điểm” theo nguyên tắc ưu tiên đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của người lao động là trước hết và trên hết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Công ty TNHH Cỏ May (Đồng Tháp) cho biết, dù doanh nghiệp đã nỗ lực để tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” song nguy cơ xuất hiên ca nhiễm COVID-19 vẫn rất cao do phải duy trì đội ngũ vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa thường xuyên. Do đó, doanh nghiệp đề xuất ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ lao động thường xuyên di chuyển như lái xe, đội nhân công thu hoạch thủy sản của địa phương. Đây cũng là cơ sở để các địa phương khác tạo điều kiện phân luồng xanh cho các xe vận chuyển thủy sản đến nơi tiêu thụ.

Theo đại diện Công ty Cỏ May, phần lớn thủy sản nước ngọt như cá rô phi, cá điêu hồng, lươn, ếch được tiêu thụ tươi sống thông qua các chợ đầu mối lớn ở TP HCM. Tuy nhiên hiện các chợ đầu mối này đã đóng cửa khá lâu dẫn đến tình trạng nuôi sản xuất thì ùn ứ trong khi người tiêu dùng thành phố không có sản phẩm để mua. Vì vậy, trong lúc chờ các chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại, cần xem xét tổ chức các điểm tập kết, trung chuyển thủy sản giữa các tỉnh với TP HCM để việc lưu thông hàng hóa được thông suốt mà vẫn đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Bộ NN&PTNT cũng đề nghị địa phương chỉ đạo ngành chức năng liên hệ với từng doanh nghiệp đang gặp khó khăn trên địa bàn để hỗ trợ tháo gỡ và vận chuyển nguyên vật liệu, bố trí nhân công lao động duy trì sản xuất; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện quy định phòng chống dịch để đảm bảo mục tiêu vừa duy trì sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu cá hoạt động khai thác, ra, vào cảng (hoặc bố trí địa điểm phù hợp trong trường hợp cảng cá thực hiện phong tỏa phòng chống dịch); bốc, dỡ thủy sản và hàng hóa bảo đảm an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình sản xuất công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất hiệu quả có giá thành hạ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, khả năng truy xuất nguồn gốc và sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Các địa phương ưu tiên hướng dẫn xét nghiệm và tiêm vaccine cho công nhân tại các nhà máy chế biến thủy sản, các đầu mối, thương lái thu gom thủy sản nhằm giảm đi lại, chi phí dịch vụ, duy trì sản xuất trước mắt cũng như lâu dài để ổn định chuỗi sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản.

Theo Tầm nhìn                                                                           

Bạn nghĩ sao?