Đức Anh -
 
Đại dịch COVID-19 đang tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh đối với các dự án bất động sản đã mở bán, làm giảm sức mua cũng như khiến kế hoạch “bung hàng” của không ít chủ đầu tư dừng lại.
1

 

Thị trường BĐS khu vực TP.HCM được ghi nhận có sự khởi sắc trở lại, bất chấp việc nguồn cung mới sẽ không tăng nhiều so với các quý trước đó. Lý giải về điều này, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam - ông Nguyễn Văn Đính cho rằng:"Trong những tháng cuối năm, nhiều sản phẩm đã được hình thành từ thời điểm trước sẽ được các chủ đầu tư “bung” ra thị trường, tỷ lệ hấp thụ sẽ ở mức cao hơn và việc tăng giá là điều không thể tránh khỏi"

Tuy nhiên theo các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính và nhà đất, những kết quả quan trọng mà Việt Nam đã đạt được trong phòng chống dịch COVID-19 thời gian qua đã gia tăng niềm tin đối với nhiều doanh nghiệp và vì đứng trước áp lực cân đối nguồn vốn chi trả cho hoạt động kinh doanh bao gồm cả lãi suất ngân hàng, dự báo trong thời gian còn lại của năm 2020 và đặc biệt từ quý 1/2021, thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chứng kiến việc “tái khởi động,” dù mức độ không quá sôi động nhưng cũng là dấu hiệu khả quan.

2

 

Đại diện doanh nghiệp chuyên đầu tư căn hộ tại quận 9 chia sẻ, do dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên công ty đang điều chỉnh chiến lược kinh doanh, nhất là khi có quy hoạch Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

Dự tính phải tới đầu quý 1/2021, công ty mới ra mắt dự án thay vì kế hoạch ban đầu là vào giữa tháng 12/2020.

Bên cạnh việc chỉ ra những suy giảm của thị trường bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh do yếu tố dịch COVID-19, nhiều chuyên gia, công ty tư vấn cũng nhấn mạnh tới yếu tố lạc quan vào thời gian tới.

Theo bà Võ Thị Khánh Trang, Trưởng Bộ phận nghiên cứu thị trường, Công ty Savills Việt Nam, trong ba tháng cuối năm 2020, thị trường dự kiến có thêm hơn 50.000m2 từ 7 dự án mới; trong đó, khu vực ngoài trung tâm chiếm hơn 80% thị phần.

Đáng chú ý, với triển vọng kinh tế tích cực của nền kinh tế, tiêu dùng nội địa tăng mạnh và tác động từ Hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu-EVFTA sẽ tạo động lực thúc đẩy cho ngành bán lẻ Việt Nam.

Sự hợp tác giữa các nhà bán lẻ Việt Nam và EU được kì vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội mở rộng thị trường giúp các doanh nghiệp phát triển nhanh chóng và bền vững hơn. Điều này sẽ gia tăng sự gia nhập của doanh nghiệp lớn từ nước ngoài vào Việt Nam, kéo theo nhu cầu thuê mặt bằng.

3

 

Đối với phân khúc căn hộ, theo nhận định của đại diện Công ty Savills Việt Nam, bất chấp đại dịch COVID-19, căn hộ cao cấp ở Tp. Hồ Chí Minh vẫn không “hạ nhiệt”. Một dự án mở bán sớm trong tháng 10/2020 ở khu vực Thủ Thiêm, Quận 2 dù có giá bán trung bình tới 7.000 USD/m2 nhưng vẫn thu hút được nhiều khách mua.

Dự kiến trong quý 4/2020 thị trường Tp. Hồ Chí Minh sẽ có hơn 16.000 căn hộ được mở bán; trong đó, 90% đến từ các giai đoạn tiếp theo của những dự án hiện hữu. Khu vực phía Đông của Thành phố (Quận 2, Thủ Đức, Quận 9, Bình Thạnh) sẽ tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới.

Trái ngược với phân khúc văn phòng cho thuê, căn hộ bán, đất nền gặp khó khăn khi nguồn giảm sâu tới 65% so với quý 2/2020. Toàn thị trường chứng kiến chỉ có khoảng 470 nền rao bán trong quý 3/2020, thấp nhất từ năm 2016 đến nay do 14 dự án dừng bán do pháp lý. Mảng đất nền trở nên kém hấp dẫn với nhà đầu tư trong tình hình dịch bệnh bùng phát vì các vấn đề về pháp lý, uy tín của chủ đầu tư và thiếu các dự án quy mô lớn.

Theo tính toán của Công ty Savills Việt Nam, thời gian tới, phân khúc đất nền sẽ khởi sắc với sự tham gia của các thương hiệu lớn như: Khang Điền, Vingroup tại huyện Bình Chánh, Củ Chi và Quận Bình Tân.

Trong khi đó, theo khảo sát của Công ty CBRE Việt Nam, dự báo đến hết năm 2020 thị trường văn phòng vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.

Dưới góc độ doanh nghiệp, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp. Hồ Chí Minh, thị trường bất động sản thành phố sẽ có khả năng tự phục hồi trở lại mạnh mẽ ngay sau khi kiểm soát được đại dịch COVID-19 gắn với việc tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế pháp luật và công tác thực thi pháp luật, từ đó giúp thị trường bất động sản đồng bộ và bền vững hơn.

Nếu tiếp tục kiểm soát hiệu quả đại dịch COVID-19, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội tiếp nhận dòng dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Thị trường bất động sản có cơ hội thu hút thêm nhiều nguồn vốn FDI và được hưởng lợi trước hết là bất động sản công nghiệp, kéo theo là văn phòng cho thuê, nhà cho thuê và nhiều lĩnh vực dịch vụ khác.     

Bạn nghĩ sao?