Triệu Hồ -
 
Như đã phản ánh trong bài viết “Thanh Oai, Hà Nội: Hoạt động xả thải độc hại ra môi trường diễn ra một cách công khai, kéo dài?” phản ánh tình trạng các nhà xưởng sát sông Đáy thuộc địa phận xã Thanh Cao hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường. Qua tìm hiểu được biết các nhà xưởng trên không có bất kỳ hồ sơ giấy phép gì về môi trường, UBND xã Thanh Cao đã đình chỉ hoạt động, thậm chí đã lập tổ công tác kiểm tra xử lý để ngăn chặn việc hoạt động tại đây. Nhưng dường như các động thái của UBND xã chỉ để cho có bởi việc xả thải hủy hoại môi trường tại đây vẫn ngang nhiên tiếp diễn?
Không có bất kỳ giấy tờ, hồ sơ pháp lý gì về môi trường nhưng các xưởng này vẫn hoạt động xả thải 24/24.

Không có bất kỳ giấy tờ, hồ sơ pháp lý gì về môi trường nhưng các xưởng này vẫn hoạt động xả thải 24/24.

Như đã phản ánh trước đó, dãy nhà xưởng nằm trên phần đất hành lang thoát lũ sát đê Tả sông Đáy, thuộc địa phận xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai đang phát tán khí thải độc hại cùng hàng ngàn khối nước thải ra sông Đáy. Hoạt động xả thải công khai đồng loạt, có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng về môi trường. Việc xả thải tại đây không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và canh tác của người dân thôn Đại Từ, xã Lam Điền, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Sau phản ánh của báo chí, các xưởng vẫn hoạt động bình thường, chỉ đóng cổng và chuyển việc xả khói đen sang ban đêm.

Sau phản ánh của báo chí, các xưởng vẫn hoạt động bình thường, chỉ đóng cổng và chuyển việc xả khói đen sang ban đêm.

Theo ghi nhận vào chiều ngày 23/02/2021, sau phản ánh của báo chí, tình hình hoạt động phía trong các xưởng trên vẫn diễn ra một cách khẩn trương, tấp nập, ồn ào. Chỉ khác ở chỗ, một số cổng ra vào ở phía bên ngoài chỉ để mở hờ hoặc chốt khóa chứ không mở toang như trước. Việc đốt lò xả khói đen cũng chuyển sang diễn ra chủ yếu vào ban đêm. Còn về tình hình hoạt động và khối lượng xả thải hầu như không có gì thay đổi.

Trụ sở UBND xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội

Trụ sở UBND xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội

Trao đổi với phóng viên vào ngày 15/1/2021, bà Nguyễn Thị Tuyết – công chức Địa chính – Xây dựng xã Thanh Cao cho biết, do lãnh đạo xã đi vắng nên chỉ trao đổi, cung cấp thông tin với phóng viên, chứ không ghi hình phỏng vấn. Thông tin từ bà Tuyết cho biết tại khu vực này có 4 xưởng, gồm 3 xưởng giặt là và 1 xưởng nhựa. Việc xây dựng nhà xưởng thì UBND xã có nắm được, UBND xã đã kiểm tra và yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm dừng sản xuất: “Họ không có những giấy tờ liên quan đến bảo vệ môi trường thì UBND xã đã yêu cầu họ dừng sản xuất, đến khi nào họ cung cấp được giấy tờ thì mới tiếp tục sản xuất. Nhưng hiện nay các hộ sản xuất lén lút ngoài thời gian hành chính. Chúng tôi cũng đã báo cáo và lập tổ công tác kiểm tra xử lý. UBND xã đang có ý kiến đề nghị cắt điện để không cho họ hoạt động” – bà Tuyết cho hay.

Vị Công chức Địa chính – Xây dựng xã Thanh Cao cũng cho biết thêm: “Sau khi nhận được phản ánh thì UBND xã có mời các chủ xưởng này lên, thanh lý hợp đồng đối với các hợp đồng hết hạn, các trường hợp sử dụng đất không đúng cũng tiến hành thanh lý hợp đồng và báo cáo huyện để huyện cho hướng xử lý đối với các xưởng này”.

Cũng theo thông tin được cung cấp từ phía Địa chính – Xây dựng xã Thanh Cao thì do các xưởng trên không có bất kỳ hồ sơ giấy phép gì về môi trường nên từ trước đó UBND xã Thanh Cao đã thành lập tổ kiểm tra xử xý để ngăn chặn việc hoạt động trái phép khi chưa có hồ sơ về môi trường của các xưởng này. Tổ kiểm tra xử lý liên ngành gồm cả công an xã do Phó chủ tịch UBND xã Thanh Cao là ông Nguyễn Hữu Hải là tổ trưởng phụ trách. Nhưng dường như động thái này của UBND xã chỉ để cho có bởi trên với thực tế, các nhà xưởng dù đã bị đình chỉ nhưng vẫn đang xả thải hủy hoại môi trường một cách thản nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra.

Còn về phía Công an xã Thanh Cao, ông Trương Trung Hiếu – Trưởng Công an xã Thanh Cao cũng từ chối ghi hình phỏng vấn và chỉ cung cấp thông tin, ông cho hay: “Các vấn đề liên quan đến nhà xưởng cạnh bên sông chúng tôi đã có báo cáo sang UBND xã rồi. Các ban ngành chỉ tập hợp ý kiến để báo cáo lại UBND xã, phát ngôn thì UBND xã sẽ trả lời. Chúng tôi đã báo cáo đầy đủ sang bên UBND xã, có văn bản phối hợp làm việc thôi, chúng tôi chỉ là cơ quan tham mưu cho UBND xã thôi. Trả lời trực tiếp thì để UBND xã trả lời thì sẽ cụ thể và chính xác hơn”.

Tiếp tục phản ánh những bức xúc của người dân trước tình trạng ngang nhiên xả thải hủy hoại môi trường tại đây, Phóng viên đã trực tiếp đến liên hệ và đặt lịch làm việc với ông Lê Bá Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thanh Cao. Dù đã cố gắng liên hệ rất nhiều lần, song hết lần này đến lần khác vị chủ tịch UBND xã vẫn cáo bận, từ chối cung cấp thông tin. Trao đổi qua điện thoại với Phóng viên, ông Lê Bá Tuấn – Chủ tịch UBND xã Thanh Cao chỉ trả lời ngắn gọn: “Thay mặt địa phương xin trân trọng cảm ơn nội dung cơ quan truyền thông các anh đã phản ánh. Nội dung các anh phản ánh vượt quá thẩm quyền xử lý của xã. Chúng tôi đã báo cáo đề xuất UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng của huyện phối hợp xử lý, mong rằng qua nội dung phản ánh của cơ quan báo chí, UBND huyện sẽ chỉ đạo xử lý dứt điểm các vi phạm, đảm bảo ổn định tình hình địa phương”.

Những cống nước thải lớn từ các nhà xưởng này vẫn đang liên tục xả nước có màu xanh đục bốc mùi nồng nặc xả trực tiếp đầu độc sông Đáy (Ảnh cắt từ Video)

Những cống nước thải lớn từ các nhà xưởng này vẫn đang liên tục xả nước có màu xanh đục bốc mùi nồng nặc xả trực tiếp đầu độc sông Đáy (Ảnh cắt từ Video)

Trước những thông tin, ý kiến trả lời thể hiện rõ việc chối bỏ “đá bóng” trách nhiệm, Phóng viên đã tiếp tục liên hệ với UBND huyện Thanh Oai và Công an huyện Thanh Oai để làm rõ sự việc. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà đã nhiều tuần liền trôi qua nhưng đến nay Phóng viên vẫn chưa nhận được bất kỳ câu trả lời chính thức nào từ các đơn vị này.

Sự im lặng khó hiểu của UBND huyện Thanh Oai càng khiến dự luận bất bình bởi sự việc đã tiếp diễn nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm, thậm chí còn “đá bóng trách nhiệm” trong việc xử lý khiến môi trường sống quanh khu vực đang từng ngày, từng giờ bị ô nhiễm, hủy hoại nghiêm trọng hơn.

Người dân địa phương và dư luận huyện Thanh Oai, Chương Mỹ vô cùng bức xúc và nghi ngờ: Liệu có sự "bao che", "dung túng" hay có sự "yếu kém" trong quản lý, nên chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng không làm đúng với chức trách và trách nhiệm của mình? Có hay không sự  "làm ngơ" trong việc xử lý các doanh nghiệp đang hoạt động trái phép xả thải hủy hoại môi trường? Và còn những uẩn khúc gì sau hoạt động của các nhà xưởng nghênh ngang coi thường pháp luật này?

Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất.

Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường:

Đối với hồ sơ pháp lý về môi trường: Điều 11 Khoản 2 quy định rõ:

a) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi không thực hiện việc khắc phục ô nhiễm môi trường do hoạt động của mình gây ra;

b) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống thu gom nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa; không có đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ, phân loại chất thải rắn tại nguồn; để phát tán khí độc hại ra môi trường; không hạn chế tiếng ồn, độ rung, phát sáng, phát nhiệt gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường và người lao động; xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường; không vận hành thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường;

c) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi không có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, bụi thải đạt quy chuẩn kỹ thuật;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định.

Đối với nước thải và Khí thải: Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trong trường hợp thải lượng nước thải từ 800 m³/ngày (24 giờ) đến dưới 1.000 m³/ngày (24 giờ); Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp lưu lượng khí thải từ 10.000 m³/giờ đến dưới 15.000 m³/giờ;

Đối với việc không thu gom chất thải: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định;  Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không phân loại, không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao chất thải rắn công nghiệp thông thường cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định; không báo cáo định kỳ về tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định;

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không lưu trữ chứng từ chất thải nguy hại đã sử dụng; không lưu trữ báo cáo quản lý chất thải nguy hại và các hồ sơ, tài liệu khác liên quan đến hoạt động quản lý chất thải nguy hại theo quy định;

b) Không thu gom chất thải nguy hại theo quy định; để chất thải nguy hại ngoài trời gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

Bạn nghĩ sao?