Ngọc Mai -
 
Sự thành công của Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020 không chỉ là bài học ý nghĩa với các nước đang phát triển trong nỗ lực phòng, chống đại dịch Covid-19, mà còn là một câu chuyện điển hình về tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng. Đó cũng là nền tảng, tiền đề quan trọng, sẵn sàng đưa đất nước thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.

Thành công của Việt Nam về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2020 là nền tảng, tiền đề quan trọng, sẵn sàng đưa đất nước thực hiện thành công kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025.

Trong Báo cáo số 8652/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH và ĐT) về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2016 - 2020 và dự kiến phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Bộ KH và ĐT nêu mục tiêu phát triển kinh tế trung hạn 2021 - 2025 là bảo đảm tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2016 - 2020 và đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

tan dung co hoi

 Nâng cao chất lượng trong một số ngành xuất khẩu lên mức giá trị cao hơn.

Vụ trưởng Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ KH và ĐT) Đỗ Thành Trung cho rằng, mục tiêu đặt ra 5 năm tới là rất cao và thách thức, đòi hỏi nỗ lực rất lớn mới đạt được. Cần nhìn vào thực lực của đất nước để luôn có giải pháp dự phòng. Yếu tố dịch Covid-19 cũng được xem xét đến trong kế hoạch năm 2021, từ đó đưa ra các giải pháp mang tính khả thi. Mặc dù dịch Covid-19 gây ra nhiều tác hại tiêu cực nhưng cũng mang lại cả cơ hội. "Nếu thích nghi và làm tốt được như năm 2020, Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội phát triển", ông Đỗ Thành Trung tin tưởng.

Nhằm thực hiện được mục tiêu đề ra, Bộ KH và ĐT đưa ra các giải pháp đột phá hướng vào yếu tố về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, thể chế, nguồn lực và cả yếu tố văn hóa. Đầu tư công được kỳ vọng tiếp tục trở thành động lực dẫn dắt tăng trưởng trong kế hoạch 5 năm tiếp theo với phương thức thay đổi hoàn toàn khác so với trước đây. Nghĩa là, vốn đầu tư công phải được tập trung cho đầu tư và phát triển dự án liên vùng, dự án xương sống của quốc gia để từ đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.

Trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến tình hình thế giới và KTXH trong nước, Trung tâm Thông tin và Dự báo KTXH quốc gia (NCIF) xây dựng hai kịch bản chủ yếu cho tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, theo kịch bản cơ sở, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 6,3%/năm, với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm. Theo kịch bản khả quan, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình có thể đạt gần 6,8%/năm, nền kinh tế mặc dù có điều chỉnh giảm nhẹ sau mức tăng trưởng cao năm 2021, nhưng sau đó sẽ hồi phục ổn định.

Kịch bản này diễn ra với giả định các nguy cơ về dịch Covid-19 vẫn thường trực, những giải pháp trợ giúp nền kinh tế của Chính phủ mang lại hiệu quả ở mức vừa phải trong khi bối cảnh quốc tế vẫn trong tình trạng rủi ro, bất ổn kéo dài; kinh tế và thương mại tăng trưởng chậm.

Theo TS. Đặng Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, trên cơ sở đánh giá các yếu tố ảnh hưởng và dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhiều khả năng sẽ đạt mức cao trở lại.

"Giai đoạn tới vẫn có những động lực, đặc biệt là từ việc thu hút đầu tư nước ngoài cũng như quá trình mà chúng ta có sự dịch chuyển chuỗi giá trị. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, chúng ta thấy rằng có những rủi ro và thách thức lớn, thứ nhất là yêu cầu cấp bách đổi mới mô hình tăng trưởng, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn tới. Thứ hai là kinh tế thế giới trở nên bất ổn sau đại dịch Covid-19, đặc biệt là các xu hướng về xung đột thương mại và bảo hộ thương mại trong giai đoạn tới", TS. Đặng Đức Anh nói.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mục tiêu cần hướng tới là tập trung khắc phục hậu quả của dịch Covid-19, duy trì tăng trưởng, đẩy nhanh quá trình cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh.

"Việc tái cơ cấu doanh nghiệp, việc lấy thời cơ để tạo ra cơ hội kinh doanh phải rất nhanh. Như vậy, thì một thể chế phải thực sự được tạo ra một sự năng động và xử lý hiệu quả của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Ngoài các chính sách tài chính thì cải cách thể chế để tạo ra khu vực doanh nghiệp năng động và có cơ hội để tái cơ cấu thể thể là vô cùng quan trọng", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh

Bạn nghĩ sao?