Ngàn tấn phế thải của Vinhome Ocean Park đi về đâu?
Theo phản ánh của người dân xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội về việc thời gian vừa qua các xe có gắn dòng chữ “xe phục vụ vệ sinh môi trường” “xe vận chuyển chất thải” liên tục chở những thùng rác đầy ắp đến đổ tại địa phương. Nhóm Phóng viên Tạp chí Kinh tế tập đoàn đã nhiều tuần liền theo dấu các xe chở phế thải mang logo của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp Hà Nội (H.E.C). Các xe tải mang logo của công ty này lấy chất thải từ dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm đến đổ thải trái phép tại khu đồng Tổ Sáo, thôn Đông, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội.
Theo ghi nhận của Phóng viên, liên tiếp từ đầu tháng 10/2020 đến nay, hàng loạt xe chở phế thải của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp Hà Nội liên tục chở rác thải từ cổng ra vào phía đường Kiêu Kỵ của dự án dự án Vinhomes Ocean Park Gia Lâm. Các xe này di chuyển ra đường QL5, qua cầu Đông Trù rồi rẽ qua QL3 cũ. Từ đây các xe chở chất thải tiếp tục di chuyển qua đường Cao Lỗ, đường Việt Hùng đến đổ và san ủi xuống ao tại khu đồng Tổ Sáo, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Nơi đổ là hai ao rộng trên khu đất giữa cánh đồng, chỉ có duy nhất một lối ra vào được canh phòng cẩn mật, xung quanh quây tôn cao kín mít. Theo quan sát, cổng ra vào này chỉ để mở cho các xe dán mác xe phục vụ vệ sinh môi trường của Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp Hà Nội chở rác thải ra vào. Điển hình là các xe mang biển kiểm soát: 30Z 9650 ; 29H 185.62;
Với khối lượng rác thải phát sinh cực lớn nên việc đổ thải tại đây cũng diễn ra hết sức tấp nập, khẩn trương. Hằng ngày có tới hàng chục chuyến xe chở rác thải xuất phát từ dự án của Vinhomes Ocean Park Gia Lâm đến đổ và san gạt xuống ao tại khu đồng Tổ Sáo, thôn Đông, xã Việt Hùng. Thậm chí hoạt động của các xe chở phế thải này còn trở nên tấp nập hơn khi về đêm. Ghi nhận vào đêm 13/10, các xe chở này liên tục nối đuôi nhau ra vào đổ trộm phế thải. Máy xúc, máy ủi trong khu đất cũng “thức trắng đêm” để khẩn trương san lấp số phế thải trên xuống ao.
Trao đổi với Phóng viên, bà N.T.H - người dân Thôn Gia Lương, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, Hà Nội tỏ ra hoang mang và không hiểu tại sao rác thải lại được đổ tại đây, bà cho biết: “Đó là khu đồng Tổ Sáo(điểm đang đổ phế thải – PV), đấy là có ông ở thôn trên thuê thầu thôi, xong nó bán cho lại nhà nào ấy. Không phải bãi để được phép đổ rác thải đâu, ở đây không có khu nào được đổ rác thải cả”.
Để có được thông tin chính xác khách quan, Phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Việt Hùng. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh từ Phóng viên, ông Nguyễn Hữu Sáng – Chủ tịch UBND xã Việt Hùng đã lập tức gọi điện cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống kiểm tra và khẳng định nếu có sẽ cho xử lý:
“Nguồn gốc đất chỗ này là đất trang trại chăn nuôi, họ có xin phép điều chỉnh làm thêm một số chuồng để chăn nuôi gà, chứ không phải là chỗ chứa chất thải về môi trường. Đấy không phải là nó đổ chất thải vào đấy, chắc là cái trạc thải để nó xây dựng cái chuồng chăn nuôi gà theo hướng công nghiệp, chứ không phải đổ chất thải. Tôi đã cho anh em xuống kiểm tra rồi, nếu có sẽ cho dừng hết. Không có chuyện đổ phế thải xuống ao được đâu” – Chủ tịch UBND xã Việt Hùng cho hay.
Ông Nguyễn Hữu Sáng cũng cho biết, về khu đất mà Phóng viên đang đề cập là “đất trang trại” do ông Phạm Văn Thu đang thuê thầu. Toàn bộ khu đất trang trại này được UBND huyện Đông Anh phê duyệt để sử dụng vào mục đích chăn nuôi gà công nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Ai hưởng lợi từ hoạt động đổ thải trái phép?
Theo ghi nhận, rác thải phát sinh từ quá trình xây dựng các tòa nhà cao tầng có lẫn cả rác thải nguy hại khó phân hủy như thùng sơn, hộp keo, giẻ lau dính dầu, bóng đèn, gương kính vỡ, đến các loại rác sinh hoạt và rác thải xây dựng khác như đầu mẩu gỗ, mảnh bê tông, gạch vỡ, đất đá vụn,… Theo quy định của pháp luật, toàn bộ số chất thải trên phải được phân loại rõ ràng và chuyển tới nơi tái chế hoặc nơi xử lý đúng theo quy định. Chi phí để xử lý loại rác thải này cũng là con số không nhỏ.
Cũng theo nguồn tin của Phóng viên có được, việc đổ thải trái phép đã mang lại nguồn thu bất chính không nhỏ cho chính các lái xe và các công ty môi trường. Việc dùng loại phế thải xây dựng này để san lấp rẻ hơn gấp nhiều lần so với sử dụng các loại vật liệu san lấp thông thường khác như đất, cát,... Khi lợi ích từ loại rác thải “tốn tiền xử lý” để “đẻ ra tiền” đã khiến nhiều tổ chức, cá nhân ngang nhiên đánh đổi môi trường lấy kinh tế, coi thường pháp luật.
Với mục đích siết chặt quản lý phế thải xây dựng, ngăn chặn việc đổ trộm phế thải ra môi trường, UBND TP Hà Nội đã ra chỉ thị Số: 07/CT-UBND ngày 16/5/2017 “về việc tăng cường quản lý phá dỡ, thu gom, vận chuyển, xử lý phế thải xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Cùng với đó là hàng loạt các văn bản pháp lý như: Luật Bảo vệ môi trường, Thông tư 08/2017/TT-BXD của Bộ Xây Dựng quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng; Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên thực tế ghi nhận cho thấy, nhà thầu thu gom vận chuyển xử lý phế thải là Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị và Công nghiệp Hà Nội đã ngang nhiên coi thường pháp luật, xả thải trái phép, hủy hoại môi trường, gây ô nhiễm và bức xúc trong nhân dân. Chế tài thì đã rõ, còn việc xử lý hay không thì vẫn đang phụ thuộc vào độ “bận” của các cơ quan chức năng.
Tạp chí Kinh tế tập đoàn sẽ tiếp tục thông tin./.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến