"Trong những ngày tháng lịch sử hào hùng của dân tộc, ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 đặt nền móng quan trọng cho việc ra đời của ngành quản lý đất đai Việt Nam.
Suốt 75 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước ta đã trải qua những thời kỳ lịch sử vẻ vang, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng vững mạnh, đem lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đồng hành cùng lịch sử xây dựng và phát triển của dân tộc, ngành quản lý đất đai đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng qua các thời kỳ.
Những chủ trương chính sách đúng đắn đã góp phần quan trọng giải phóng nguồn lực đất đai, đưa đất đai trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế; đảm bảo được an ninh lương thực; góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân... Đặc biệt, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đất đai nhất là chính sách mở rộng thời hạn giao đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm, cùng với chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng công nghệ đã khuyến khích nông dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; chuyển biến quan trọng nhất là đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực trở thành một trong những quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp đảm bảo đủ lương thực trong nước, có dự trữ chiến lược và xuất khẩu gạo, nông sản hàng đầu thế giới.
Tổng cục Quản lý đất đai đã xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành hệ thống chính sách về đất đai phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chính sách đất đai không chỉ còn là “mệnh lệnh” hành chính mà từng bước đã chuyển sang điều hành bằng cơ chế và kinh tế đã tạo ra nguồn nội lực to lớn thúc đẩy sản xuất phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; thừa nhận giá trị quyền sử dụng đất trong thị trường bất động sản.
Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc sử dụng đất đai hiệu quả, bền vững, chống suy thoái tài nguyên đất; thông qua công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đất đai được phân bổ hợp lý để sử dụng phù hợp với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực; phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, giải quyết việc làm và đời sống cho hàng triệu lao động; phát triển đô thị và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.
Việc công nhận quyền sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã bảo đảm mọi thửa đất đều có chủ sử dụng, bảo hộ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất làm cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản yên tâm đầu tư, sử dụng đất có hiệu quả.
Nguồn lực về đất đai tiếp tục được phát huy, góp phần tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, đồng thời bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, lợi ích của nhà nước, chủ đầu tư. Nguồn thu từ đất đã tăng qua các năm cho ngân sách nhà nước năm 2005 đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, đến năm 2019 đã đạt trên 191 nghìn tỷ đồng, trung bình nguồn thu từ đất đóng góp từ 12% đến 15% cho ngân sách, cá biệt có những nơi nguồn thu từ đất chiếm tới trên 30% ngân sách địa phương.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được Tổng cục tập trung chỉ đạo, đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều thủ tuc hành chính, phối hợp liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu về đất đai cho các ngành, lĩnh vực để góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc khơi thông nguồn lực đất đai để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc cắt giảm từ 1/2 - 1/3 thời gian thực hiện thủ tục khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền tài sản trên đất, chỉ số đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản (một trong 10 chỉ số để đánh giá môi trường kinh doanh) tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ - đứng thứ 60/190 quốc gia được đánh giá...
Để tiếp tục phát huy những thành tựu to lớn, trong thời gian tới, toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành quản lý đất đai sẽ tiếp tục đoàn kết, phát huy trí tuệ tập thể, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ cơ bản sau: Trước mắt, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách pháp luật đất đai phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước “nắm chắc, quản chặt” quỹ đất đai. Tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương, tổng kết thi hành luật đất đai để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong thời gian tới, đồng thời phân bổ nguồn tài nguyên đất đai cho các ngành kinh tế, xã hội, đảm bảo mục tiêu của quốc phòng, an ninh; tăng cường chỉ đạo, tổ chức triển khai và kiểm tra việc thi hành pháp luật về đất đai; đánh giá tác động của các chính sách, pháp luật đất đai đối với phát triển kinh tế, xã hội và cộng đồng.
Ngành quản lý đất đai sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống dữ liệu đất đai, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai trên tất cả các lĩnh vực; xây dựng hệ thống thông tin đất đai thành một bộ phận của hệ thống dữ liệu quốc gia; chuyển dần các hoạt động đăng ký, giao dịch trong lĩnh vực đất đai sang giao dịch điện tử; tổ chức việc quản lý, khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin đất đai; cập nhật, chỉnh lý kịp thời các dữ liệu địa chính, điều tra cơ bản về đất đai, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất, thống kê, kiểm kê đất đai và các dữ liệu khác thuộc cơ sở dữ liệu đất đai.
Ngành sẽ tập trung điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng và chất lượng tài nguyên đất đai toàn quốc, trong đó chú trọng việc điều tra các vùng đặc thù về thoái hóa, xâm nhập mặn, ngập úng, khô hạn, hoang mạc hóa, xói mòn, rửa trôi, ô nhiễm đất phục vụ quản lý, sử dụng đất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; đổi mới phương pháp thực hiện và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác thống kê, kiểm kê đất đai định kỳ và theo chuyên đề nhằm cung cấp số liệu chính xác phục vụ công tác quản lý nhà nước về đất đai và phát triển kinh tế, xã hội.
Ngành quản lý đất đai tập trung hoàn thiện hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu sử dụng đất phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tổng cục quản lý đất đai tiếp tục nghiên cứu đổi mới nội dung và phương pháp theo công nghệ tiên tiến trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lồng ghép với các yếu tố môi trường và biến đổi khí hậu; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong giám sát biến động tài nguyên đất đai và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ưu tiên giám sát việc quản lý, sử dụng đất chuyên trồng lúa, đất rừng để góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái.
Ngành cũng hoàn thiện hệ thống cơ chế tài chính về đất đai với các yêu cầu cụ thể như hệ thống định giá đất trở thành công cụ tài chính điều tiết các quan hệ đất đai và quản lý thị trường bất động sản; xây dựng hệ thống phát triển quỹ đất bảo đảm phát triển và quản lý quỹ đất một cách chặt chẽ, hợp lý, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội.
Tổng cục Quản lý đất đai coi trọng việc kiện toàn hệ thống bộ máy tổ chức, nâng cao năng lực cho ngành đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, đảm bảo chức năng thống nhất quản lý nhà nước về đất đai trên phạm vi cả nước, có sự phân công, phân cấp rõ ràng, hoạt động có hiệu quả, đủ năng lực thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước và các dịch vụ công về đất đai".
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến