Thu Trang -
 
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), dịch vụ logistics được đánh giá là một trong những lĩnh vực nhiều có tiềm năng và khả năng bứt phá mạnh nhất tại Việt Nam trong năm 2021. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra ngày càng rõ nét.

Việc tạo lập một nền tảng hạ tầng và dịch vụ logistics vững chắc được coi là một trong những thành tố đặc biệt quan trọng trong quá trình “dọn tổ đón đại bàng” cũng như tạo lập cơ sở cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hội nhập với tâm thế chủ động, hiệu quả và bền vững hơn.

Đây cũng là mối quan tâm lớn của cả Chính phủ, các cơ quan chức năng, các tổ chức đầu tư, tư vấn, đánh giá độc lập của quốc tế và đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp chủ hàng tại Việt Nam.

Thực tế, Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã đặt mục tiêu: “Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên”.

logistics

Doanh nghiệp logistics đang có nhiều tiềm năng lớn để phát triển 

Quyết định 221/QĐ-TTg cũng đặt ra 6 nhóm nhiệm vụ chính mà các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội cần thực hiện để đạt được mục tiêu nêu trên; trong đó, phát triển thị trường dịch vụ logistics là một trong 6 nhóm nhiệm vụ chính mà Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg đã đưa ra.

Có vị trí địa lý thuận lợi, chính trị ổn định, dân số trẻ với sức mua tăng và thị trường bán lẻ trực tuyến bùng nổ, ngành logistics tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng nhờ nhu cầu mua bán hàng hóa ngày càng tăng.

Nhu cầu đối với dịch vụ vận chuyển quốc tế, vận tải nội địa và dịch vụ phân phối gia tăng. Triển vọng của nền kinh tế nói chung và sản xuất và xuất khẩu nói riêng mang đến tiềm năng tăng trưởng nhanh và là cơ hội tốt cho ngành logistics Việt Nam trong năm 2021.

Thực tế, logistics luôn gắn liền với xuất, nhập khẩu, trong khi đó hoạt động xuất, nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2021 rất sôi động.

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, hoạt động xuất, nhập khẩu cả nước 4 tháng đầu năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đạt tốc độ tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Cụ thể, ước tính tháng 4/2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 25,5 tỷ USD, giảm 14% so với tháng trước và tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, 4 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 102,61 tỷ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.695,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ hoạt động thương mại sôi động, 4 tháng đầu năm 2021, vận tải hàng hóa đạt 617,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Bộ Công Thương cho hay, trong quý I/2021, vận tải hàng hóa bằng đường bộ vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất; vận tải đường sắt tăng trưởng mạnh nhất, trong khi vận tải thì hàng không vẫn ghi nhận mức ảnh hưởng nặng nề nhất vì đại dịch COVID-19.

Bạn nghĩ sao?