Hùng Cường - 08:02 - 15/10/2020
 
Trong báo cáo cập nhật về kinh tế châu Á, HSBC nhận định dù có nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam vẫn ghi nhận tăng trưởng 1,8% trong nửa đầu năm 2020. Kết quả này là nhờ những nỗ lực khống chế dịch bệnh chủ động của Chính phủ để không cho số ca nhiễm tăng lên. Tuy nhiên, khi Việt Nam đặt mục tiêu phục hồi sớm so với những quốc gia khác thì đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 lần 2 vào cuối tháng 7 đã làm đình trệ quá trình này.
f

 

Để ứng phó, Chính phủ đã nhanh chóng đặt ra một vài điểm phong tỏa tại một số địa phương và tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Chỉ số đại diện cho tiêu dùng tư nhân, sự phục hồi hình chữ V của doanh số bán lẻ cũng bị trì hoãn. Ngoài ra, du lịch trong nước bị gián đoạn, đè nặng lên sự phục hồi của các dịch vụ liên quan.

Khối Nghiên cứu Kinh tế của HSBC kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 2,6% vào năm 2020 giảm so với mức dự báo 3% trước đây, đã tính đến tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần hai. Làn sóng Covid-19 lần hai đã được ngăn chặn thành công chỉ trong một tháng, giúp Việt Nam trở lại lộ trình phục hồi nền kinh tế dù có thể ở tốc độ chậm hơn so với dự đoán ban đầu. Các chỉ số đang cho thấy hoạt động kinh tế phục hồi mạnh, lấy lại đà tăng thời kỳ trước dịch. Tình hình các nước được cải thiện. Hoạt động xuất khẩu tăng hơn 7% trong tháng 7 và 8 so với cùng kỳ năm trước nhờ vào sự gia tăng lô hàng máy tính, bù đắp cho sự giảm sút của dệt may.

Việt Nam là nền kinh tế ASEAN duy nhất mà HSBC tiếp tục dự báo có tăng trưởng khả quan trong năm 2020. Với năm 2021, Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi do công nghệ dẫn đầu và dòng vốn FDI rất kiên định. HSBC kỳ vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 sẽ đạt mức 8,1%, giảm so với dự báo 8,5%.

Dịch Covid-19 tiếp tục gây áp lực giảm phát lên nền kinh tế. Lạm phát toàn phần điều chỉnh nhẹ từ bình quân 4,2% trong nửa đầu năm 2020 xuống còn 3,2% trong tháng 8 - xuống dưới mức trần lạm phát 4% do Ngân hàng Nhà nước đề ra. Giá thực phẩm vẫn tăng, HSBC dự đoán lạm phát của năm 2020 sẽ ở mức trung bình 3,4%, tăng so với dự báo trước đó 3,3%. Do lạm phát đang giảm và chậm hơn dự kiến phục hồi, các chính sách hỗ trợ tiền tệ thật sự cần thiết.

Trong ASEAN, tăng trưởng của Indonesia dường như không bị ảnh hưởng nhiều như các nơi khác và dù thách thức kéo dài, nền kinh tế có thể tăng trưởng hơn 5% trong năm tới. Philippines bị ảnh hưởng nhiều hơn trong năm nay, ít nhất là về mặt kinh tế, nhưng tài chính của quốc gia này vẫn còn khá dư thừa để thúc đẩy phục hồi sau khi sự lây lan của dịch Covid-19 giảm.

Tương tự ở Thái Lan, kinh tế cũng sụt giảm sâu trong năm 2020, một phần là do lượng khách du lịch, yếu tố rất quan trọng đối với Thái Lan, đã ở yên tại nhà. Nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhu cầu du lịch có quay trở lại hay không.

Malaysia đã vượt qua giai đoạn bùng phát dịch bệnh từ ban đầu, dù điều này cũng để lại những dấu ấn tồi tệ cho tăng trưởng kinh tế trong năm nay. Động lực thúc đẩy từ xuất khẩu và nhu cầu nội địa phải đủ mạnh để đưa Malaysia đạt tăng trưởng khá trong năm 2021. Singapore cũng sẽ hồi phục trở lại, dù quốc gia này khác với những nước khác khi họ phụ thuộc chính vào chu kỳ thương mại toàn cầu. Và Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng tích cực trong năm 2020 và năm 2021.

fAD

 

Theo HSBC, các nền kinh tế cần xác định hướng đi dài. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế vẫn có tin tốt khi hoạt động xuất khẩu của khu vực châu Á tích cực hơn so với quan ngại. Đà tăng có thể chậm dần trong tháng tới khi thế giới quay trở lại hoạt động bình thường và nhu cầu đối với những mặt hàng xuất khẩu từ châu Á ít lại so với trước và các nhà máy đóng cửa. Tăng trưởng sẽ tốt lên trong năm tới, nhưng đó chỉ là mặt dễ dàng. Các nền kinh tế sẽ phải dành cả năm 2021 để lấy lại những gì đã mất. 

Trong khi đó, nhận định về tăng trưởng GDP chín tháng của Việt Nam, tờ Nikkei của Nhật Bản nêu rõ, nhờ thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của Covid-19, nền kinh tế Việt Nam không chỉ duy trì tăng trưởng GDP dương mà còn tăng trưởng cao hơn bất kỳ quốc gia Ðông - Nam Á lớn nào khác.

Bạn nghĩ sao?