Bao Huy - 17:15 - 25/09/2021
 
Đời sống, an sinh xã hội, đặc biệt là phát triển kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sự bùng phát của dịch COVID -19, đặc biệt là đợt dịch lần thứ 4, dẫn đến nhiều địa phương phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
4354_3

 Dịch COVID -19, hài hòa các giải pháp để mở cửa kinh tế

Khống chế dịch đang có dấu hiệu khả quan

Đợt dịch COVID -19 lần 4 quét qua nhiều tỉnh thành, khiến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đời sống xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, do phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để đảm bảo công tác phòng chống dịch.

Việc khống chế dịch đang có dấu hiệu khả quan hơn và số người được tiêm vaccine tại khu vực phía Nam đang dần được phủ kín. Chính quyền các tỉnh, thành khu vực phía Nam đang dần hướng đến mở cửa nền kinh tế. Để có thể phục hồi nhanh mà vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Các địa phương khu vực phía Nam đã và đang tích cực đưa ra nhiều giải pháp để giúp doanh nghiệp, người sản xuất nơi đây, cùng với Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực có thể lưu thông được hàng hóa, đảm bảo đời sống cho người dân an tâm chống dịch bệnh. Nhiều địa phương có thể duy trì sản xuất trong thời gian giãn cách, tiếp tục sản xuất cho mùa vụ tiếp theo, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề, nhưng tình hình sản xuất, tiêu thụ, lưu thông nông sản của tỉnh Tiền Giang vẫn được chính quyền các tỉnh trong khu vực tạo điều kiện thuận lợi, giúp đưa sản phẩm nông nghiệp đến với người tiêu dùng nhanh chóng. Để thúc đẩy sản xuất hiệu quả, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, điều hành hoạt động vận tải gắn với phòng chống dịch.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang chia sẻ, Tiền Giang là một trong những tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nổi bật nhất là cây ăn trái với diện tích hơn 80.000 ha. Đây là một trong những nơi cung cấp nguyên liệu nông sản, phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Tỉnh đã thực hiện các giải pháp vừa giãn cách xã hội để ứng phó dịch bệnh nhưng cũng phải hoàn thành "mục tiêu kép", phát triển kinh tế - xã hội ổn định.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh Tiền Giang có hướng đi mới, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã có thể tái sản xuất hiệu quả nhất sau khi ứng phó dịch bệnh, mở cửa trở lại; trong đó, định hướng mở rộng sản xuất theo hướng tập trung chuyên canh nhằm đáp ứng đủ nguồn hàng cho các đơn hàng xuất khẩu, cung ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, trở lại guồng quay kinh tế như trước khi xảy ra dịch bệnh...

Tại tỉnh Đồng Tháp, để hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất sau dịch bệnh, UBND tỉnh đã đưa ra chiến lược khôi phục sản xuất. Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng, các doanh nghiệp cần có chiến lược khôi phục lại hoạt động sản xuất theo từng giai đoạn. Ban đầu các doanh nghiệp có thể tái khởi động 30% công suất nhà máy, sau đó tăng số lượng lao động theo nhu cầu sản xuất mới để cung ứng đơn hàng trong những tháng cuối năm 2021. Tỉnh sẽ có chính sách tiêm vaccine cho lực lượng lao động làm việc "4 tại chỗ" của các doanh nghiệp tái sản xuất để đảm bảo an toàn dịch bệnh trong môi trường làm việc đông người.

Tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Khi các doanh nghiệp của 19 tỉnh phía Nam thực hiện sản xuất "3 tại chỗ" để có thể duy trì sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước nói riêng và tránh đứt gãy chuỗi đơn hàng xuất khẩu nói chung, các doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc trang bị, hỗ trợ cho người lao động làm việc.

Nguồn kinh phí vốn dĩ chỉ dùng cho trả lương, đầu tư nguyên liệu, thiết bị sản xuất thì trong giai đoạn này phải chia sẻ cho sắm sửa vật dụng "3 tại chỗ", "4 tại chỗ" cho người lao động. Điều này khiến doanh nghiệp vốn đã bị giảm công suất làm ra hàng hóa lại phải tăng thêm gánh nặng.

Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nhiều ngành nghề và lĩnh vực đã bước đầu thích nghi và làm quen với khái niệm "sống chung" cùng dịch bệnh. Các doanh nghiệp không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K của Bộ Y tế, mà còn rà soát, lập kế hoạch và bố trí nguồn lực để thực hiện phòng, chống dịch tại nơi làm việc. Các doanh nghiệp mong muốn chính quyền địa phương tạo điều kiện cho họ được chủ động hơn trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh để có thể chủ động hơn khi tổ chức tái sản xuất.

Theo bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam (LEFASO), khi phối hợp, chia sẻ giữa doanh nghiệp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), các địa phương nên để doanh nghiệp chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty trong việc xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng. Mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông, giao dịch. Song song đó, CDC cũng tổ chức xét nghiệm cho doanh nghiệp 1 lần/tháng. Như vậy, đảm bảo mỗi công nhân sẽ được xét nghiệm 3 lần mỗi tháng.

Bên cạnh đó, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logictics Việt Nam (VLA), Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như tiếp tục giảm các loại thuế, phí, lãi suất ngân hàng như giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân cho người lao động; đồng thời, giãn thời gian nộp thuế từ 6-12 tháng; giảm lãi suất cho vay tương ứng mức 30% lãi suất năm; giảm 50% tiền thuê đất cho hai năm 2020-2021 và giãn thời gian nộp tiền thuê đất trong 12 tháng cho năm 2020 và năm 2021...

Ngoài ra, VLA cũng đề nghị giảm giá điện, nước phục vụ sản xuất kinh doanh; giảm 50% phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và giãn thời gian nộp từ 6-12 tháng; song song đó, triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, như gói cho vay phục hồi sản xuất lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp ngành vận tải - logistics; cho phép kéo dài thời gian cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp thuộc ngành này không quá 24 tháng; các khoản nợ phát sinh trước 1/5/2021 cũng được cơ cấu nợ...

Các hiệp hội kỳ vọng, với sự nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp cùng hỗ trợ tích cực của Nhà nước, đồng lòng của người dân, sau khi cơ bản khống chế được dịch COVID-19, các doanh nghiệp có thể nhanh chóng vận hành trở lại, lất lại nhịp sản xuất như trước đây và vị thế của nền sản xuất, xuất khẩu của thị trường Việt Nam trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?