Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 7 tháng năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 32.700 doanh nghiệp, tăng 41,5% so với cùng kỳ năm trước; 21.800 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; 8.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Số liệu Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cũng cho thấy, hầu hết doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động đều có thời gian hoạt động ngắn, chủ yếu dưới 5 năm và quy mô vốn nhỏ dưới 10 tỷ đồng.
Trong đó, không ngoài dự đoán, bất động sản là lĩnh vực có tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng cao nhất so với cùng kỳ năm 2019 với 927 doanh nghiệp, tăng tới 98,5%.
Mặc dù hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp bất động sản đã phần nào trở lại nhờ những biện pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp được ban hành từ đầu quý II/2020 nhằm khôi phục lại hoạt động sản xuất chung của nền kinh tế, nhưng xu thế chung phải tạm ngừng hoạt động gần như không thay đổi.
Đặc biệt, dịch Covid-19 bất ngờ trở lại từ cuối tháng 7/2020 như cú “đấm bồi” vào những doanh nghiệp đang gắng gượng đứng lên sau khi phải chịu cú đòn chí mạng ở giai đoạn chống dịch lần thứ nhất và “sức lực” đã bị bào mòn đáng kể.
Trong bối cảnh này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-TTg về việc giảm tiền thuê đất của năm 2020 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
Theo đó, đối tượng áp dụng là doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định hoặc Hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh từ 15 ngày trở lên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (người thuê đất).
Về mức giảm tiền thuê đất, giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với người thuê đất nêu trên; không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất còn nợ của các năm trước năm 2020 và tiền chậm nộp (nếu có).
Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thể hiện rõ không mặn mà với giãn thuế, bởi “giãn” thêm thời gian nộp, chứ không phải là giảm hay hoãn vô thời hạn, trong khi số thuế phải nộp không quá nhiều do hoạt động sản xuất kinh doanh bị gián đoạn trong thời gian dịch bệnh, không phát sinh nhiều doanh thu, dẫn đến số thuế phải nộp cũng không cao.
Trong khi đó, việc giãn nộp tiền thuê đất lại có những dấu hiệu tích cực bởi dù không hoạt động sản xuất kinh doanh thì doanh nghiệp cũng không tránh khỏi tiền thuê đất do đã trả theo năm.
Đáng chú ý, theo nhận định từ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), các doanh nghiệp bất động sản đã phải chịu nhiều khoản chi phí cố định gồm lãi vay, chi phí đầu tư, vốn..., nay còn phải gánh thêm chi phí phát sinh trong mùa dịch như: Hỗ trợ đối tác thuê mặt bằng, giảm giá cho thuê mặt bằng, giãn tiến độ trả tiền thuê, miễn tiền thuê trong một thời gian... Ngoài ra, tính thanh khoản thấp làm tăng nguy cơ doanh nghiệp bị thiếu dòng tiền dẫn đến nợ thuế, nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, miễn và giảm nghĩa vụ thuế, phí là quá ít, hầu như chưa có, chưa kịp thời và nhất là một số điều kiện hỗ trợ không hợp lý, không thực tế đối với doanh nghiệp.
Theo chuyên gia này, để thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó thì cần giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với những doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp (theo quyết định, hợp đồng của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hàng năm) phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa từ quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Còn bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam và cũng là trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) lại cho rằng: “Tiền thuê đất hiện nay cơ cấu cũng rất lớn nhưng khác với tiền thuế, do tiền thuế giá trị gia tăng nằm trong giá bán sản phẩm, người mua chịu thuế, còn tiền thuê đất sẽ tính trực tiếp vào chi phí của doanh nghiệp. Nếu tiền thuê đất cao thì giá thành sẽ cao. Theo tôi, giảm 50% tiền thuê đất sẽ hợp lý và có lợi hơn giảm về thuế”.
Có thể nhận thấy rõ, những khó khăn sau đợt giãn cách xã hội lần 1 chưa đi qua thì việc bùng phát dịch lần 2 khiến thị trường lâm vào cảnh “khó chồng khó”. Vì thế, trong bối cảnh này lại càng cần các biện pháp mạnh tay hơn, các giải pháp tích cực để hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản nói riêng và các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh nói chung.
Được biết, một số chuyên gia đã đề xuất cần tính toán đến “gói hỗ trợ lần 2” trên cơ sở tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ giai đoạn vừa qua, từ đó rút ra những điều chỉnh cần thiết. Tại cuộc họp thảo luận về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội diễn ra ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã đề cấp đến việc xây dựng “gói hỗ trợ lần 2”. Kỳ vọng, khối doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều điểm tựa để duy trì sản xuất, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2020 - 2021.
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9
- Thông điệp gửi mẹ qua chiếc chong chóng tuổi thơ
- Tập đoàn Geleximco và những dự án nhà ở ghi dấu ấn
- Tập đoàn BRG lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh tại giải thưởng BCI Asia Awards 2022
- Những “chuyến tàu trở về tuổi thơ” xuất phát tại công viên xanh lớn nhất miền Bắc
- Sổ tiết kiệm HDBank trị giá 300 triệu đồng đã tìm được chủ nhân
- Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5, giá vé tăng, hàng không và đường sắt dự kiến tăng chuyến