Thùy Linh -
 
Ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, giá thuê nhà phố tại TP.HCM lao dốc kỷ lục, nhiều nơi ghi nhận mức giảm sâu 40% so với cùng kỳ năm 2019.

TP.HCM chỉ chiếm 0,6% diện tích và 6,6 % dân số so với cả nước, nhưng lại là trung tâm kinh tế của cả nước, là nơi hoạt động kinh tế năng động nhất, đi đầu trong cả nước về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Điều này cũng phần nào lý giải việc nhiều ngành nghề, dịch vụ, hoạt động kinh tế tại TP.HCM luôn dẫn đầu trong cả nước.

Nhiều năm trở lại đây, mặt bằng tại các con đường lớn luôn là “con gà đẻ trứng vàng” đối với các nhà đầu tư. Bởi ngoài việc, giá trị tài sản BĐS luôn tăng trưởng theo mức tịnh tiến hàng năm, … giá cho thuê mặt bằng cũng đem lại khoản lợi nhuận kếch xù cho nhà đầu tư.

h1

Những tấm biển treo “cho thuê nhà”, “giảm giá thuê”, … xuất hiện ngày một dày đặc hơn tại thị trường cho thuê nhà phố TP.HCM, có nơi ghi nhận mức giảm sâu 40% so với cùng kỳ năm 2019. 

Từ năm 2019 trở về trước, nhà mặt tiền ở trục giao thông chính tại trung tâm TP.HCM được mệnh danh là mặt bằng vàng, giá thuê mặt bằng tại đây thường được các bên thương lượng âm thầm vì cung ít cầu nhiều. Việc tăng giảm giá chỉ là làn sóng ngầm với tính bảo mật cao, hiếm khi tiết lộ ra ngoài.

Thế nhưng, sau những tác động của đại dịch Covid-19, việc kinh doanh, bán lẻ trên các trục đường chính đều rơi vào tình cảnh chung sa sút doanh thu trầm trọng. Ảnh hưởng của đại dịch khách nước ngoài thưa thớt trên các con phố sầm uất, sức mua của khác hàng trong nước cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Thu không bù nổi chi, nhiều cửa hàng kinh doanh đành phải chọn giải pháp dời đi hoặc đóng cửa.

Bộ mặt thương mại sầm uất của các tuyến đường trục chính trung tâm TP.HCM vốn luôn sáng đèn, nhộn nhịp người mua kẻ bán nay đã không còn được như trước. Thay vào đó, hình ảnh cửa đóng, then cài, những tấm biển treo “cho thuê nhà”, “giảm giá thuê”, … xuất hiện ngày một dày đặc hơn. Xu hướng giảm giá thuê nhà cũng vì thế lên ngôi, giá thuê giảm từ tỷ lệ nhỏ dăm bảy phần trăm hồi quý đầu năm nhích dần đến hai con số và hiện chào giá thuê công khai hơn trước.

Theo khảo sát của PV, tại khu vực Q.1, TP.HCM giá thuê nhà giảm phổ biến ở mức 15-25% thậm chí giảm sâu 30-40%. Thị trường cho thuê nhà phố vẫn khá ảm đạm vì không có nhiều hợp đồng thuê được ký kết trong 3 quý vừa qua.

Nguyên nhân là các khách thuê mặt bằng lo ngại tình hình kinh doanh khó có thể phục hồi nhanh, họ chọn phương án an toàn là án binh bất động chờ tín hiệu tốt hơn của thị trường mới khởi động lại.

Theo các đơn vị tư vấn khảo sát, trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ trong khu phố Hàn Quốc, thuộc khu Phú Mỹ Hưng, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM luôn duy trì ở mức cao khoảng 95%. Đến cuối quý II, đầu quý III/2020, tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, đặc biệt là các mặt bằng nội khu. Nguyên nhân là Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu dẫn đến lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đi lại, khiến các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc.

Các chuyên gia nhận định hiện nay khách thuê nhà phố tại TP.HCM rất thận trọng, dè dặt khi đưa ra quyết định thuê mặt bằng mới. Điều này càng làm cho thị trường cho thuê nhà phố sau đại dịch Covid-19 vốn đã dồi dào về nguồn cung, nay lại tiếp tục theo chiều hướng dồi dào hơn.

Trên thực tế, khách thuê nhà phố luôn có thông lệ đánh giá thường niên về tính hiệu quả của mặt bằng kinh doanh. Đặc biệt trong mùa dịch có thể họ sẽ đánh giá tình hình kinh doanh theo từng quý thậm chí từng tháng. Họ có thể đặt lên bàn cân và thay đổi phương án thuê để tìm ra đâu là lựa chọn tối ưu trong giai đoạn nhạy cảm này.

Trước tình hình chung, hiện nay nhiều khách đơn vị kinh doanh quy mô trung bình và nhỏ không vội ra quyết định thuê mặt bằng nhà phố lúc này để tránh rủi ro.

Bạn nghĩ sao?