Thùy Linh -
 
Trước tháng 7/2020, giá sắt cuộn 11.500 đồng/kg nhưng đến nay lên trên dưới 16.000 đồng/kg, tăng 4.500 đồng/kg (tương ứng mức tăng 39%). Thép khan hiếm, giá thép tăng mạnh từng ngày vào đúng thời kỳ cao điểm xây dựng khiến nhiều nhà thầu ngậm ngùi bù lỗ.

Giá thép tăng chóng mặt

Ngày 7/4, Công ty TNHH Thép Hoà Phát Hưng Yên gửi thông báo đến khách hàng tăng giá sản phẩm thép cốt bê tông cán nóng, mức tăng 300.000 đồng/tấn cho tất cả các sản phẩm, thời gian áp dụng từ ngày ký. Lý do Hoà Phát Hưng Yên đưa ra là do tình hình giá phôi thép, giá chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng khiến nhà máy phải tăng giá thành phẩm.

Trước đó, vào ngày 1/4, nhà máy thép Hưng Yên cũng ra thông báo tăng giá sản phẩm thép cốt bê tông cán nóng, loại thép cây 150.000 đồng/tấn (giá chưa bao gồm VAT), thời gian áp dụng từ ngày 1/4 tại khu vực miền Nam. Tôn Hoà Phát cũng thông báo tăng 400 đồng/kg áp dụng từ 1/4. Ngày 4/4, Hoà Phát tiếp tục điều chỉnh giá thép. Như vậy chỉ trong 1 tuần, giá thép được điều chỉnh tăng 3 lần.

Thep 2

Giá thép tăng mạnh trong đầu tuần tháng 4/2021

Theo ghi nhận của phóng viên, giá thép tại miền Bắc ngày 9/4 ghi nhận giá đang ở mức cao. Thương hiệu Hòa Phát, thép cuộn CB240 có giá 15.280 đồng/kg. Giá thép D10 CB300 đang ở mức 15.370 đồng/kg.

Với thép Việt Ý hiện giá thép cuộn CB240 đang ở mức 15.430 đồng/kg, trong khi đó thép D10 CB300 hiện ở mức 15.330 đồng/kg.

Thương hiệu thép Việt Đức hiện mức giá thép cuộn CB240 15.380 đồng/kg và D10 CB300 là 15.310 đồng/kg.

Thép Kyoei ghi nhận tăng cao, hiện giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 đang ở mức cao ngày thứ 3 liên tiếp 15.380 đồng/kg.

Với thép Mỹ ghi nhận mức giá cao ngày thứ 5 liên tiếp, với thép cuộn CB240 đang ở mức 15.390 đồng/kg; thép D10 CB300 là 15.410 đồng/kg.

Anh Trần Viết Thanh, chủ một cửa hàng vật liêu xây dựng huyện Hoài Đức, Hà Nội chia sẻ: “Theo chu kỳ thị trường, cuối năm giá thép giảm, vào vụ từ tháng 2 dương lịch giá tăng trở lại nhưng đợt này giá tăng liên tục từ trong năm, khan hàng, các nhà phân phối phải chia sẻ nhau. Trước tháng 7/2020, giá sắt cuộn 11.500 đồng/kg nhưng đến nay lên trên dưới 16.000/kg, tăng 4.500/kg (tương ứng mức tăng 39%)”.

Anh Triệu Nhật Quang, chủ cửa hàng thép Hoàng Mai xác nhận, giá thép xây dựng tăng liên tục, chưa có đợt nào giảm nên chỉ báo giá 2 ngày/lần. “Thời gian này, hoạt động xây dựng nhiều, trong khi nguồn hàng đang khan khiến ngay cả những đại lý lớn như của tôi cũng bị “ép”. Nếu lấy hàng phải lấy cả xe, không thì thôi chứ không được lựa chọn”, anh Quang cho biết.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), ngay từ sau Tết Tân Sửu, giá bán thép thành phẩm trong nước đã tăng mạnh, bình quân khoảng 14.500 - 15.100 đồng/kg (tăng 20%) so với giá đầu tháng 12/2020 và là vùng giá cao nhất trong 5 năm qua.

Nguyên nhân do giá các nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu. Cụ thể, giá quặng sắt tính đến đầu tháng 3 ghi nhận mức trên 170 USD/tấn, tăng 55% so với cuối năm 2020 và gấp đôi cùng kỳ năm trước; Giá thép cuộn cán nóng (HRC) ghi nhận 660 USD/tấn, giảm 6% so với cuối năm và tăng 44% so cùng kỳ năm trước.

Việc thiếu hụt nguồn cung thép và thời gian giao hàng kéo dài ở châu Âu, Mỹ cũng là lý do khiến giá thép tăng mạnh. Nhu cầu thép tại Trung Quốc tăng cao sau dịch bệnh trước đà phục hồi kinh tế và các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng. Năm 2020, nước này đã nhập 38,56 triệu tấn thép, tăng 150% so với năm trước. Theo số liệu thống kê từ Bộ Công Thương, xuất khẩu sắt và thép Việt Nam đạt 1.826 tỷ USD trong quý đầu năm nay, tăng mạnh 65,2% (tương đương 720 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số đó, xuất khẩu sắt và thép thô, cũng như thép cuộn tăng 14,4% và 54% trong khi thép hình giảm 1,6%.

Nhà thầu ngậm ngùi bù lỗ do dự đoán thiếu chính xác

Các chuyên gia dự báo nhu cầu thép năm 2021 sẽ tăng từ 3 - 5% so với năm 2020. Động lực tăng đến từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn đang được triển khai như cao tốc Bắc - Nam; cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ; sân bay quốc tế Long Thành; thị trường bất động sản, nhà ở được dự báo sẽ “nóng” trở lại trong năm nay; một số hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP... được thực thi kỳ vọng có thêm thị trường xuất khẩu mới. Nhu cầu tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm sẽ càng đẩy giá thép tăng cao thời gian tới.

Thep 1

Giá nguyên liệu tăng gây nhiều khó khăn cho các nhà thầu xây dựng. Ảnh minh họa

Mức tăng cao này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành các công trình xây dựng khiến cho các nhà thầu lao đao. Bà Phạm Thị Thanh Huệ, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và XNK 168 Thái Nguyên (xã Thịnh Đức, T.P Thái Nguyên) bày tỏ: Hiện nay, chúng tôi đang thi công hạ tầng, nhà xưởng cho Dự án MDF Dongwha Việt Nam của nhà đầu tư Dongwha Enterprise CO, LTD (trụ sở chính tại Incheon, Hàn Quốc) tại Khu công nghiệp Sông Công II (T.P Sông Công). Hiện nay, Công trình mới hoàn thành 90% khối lượng các hạng mục và chậm tiến độ hơn 1 tháng. Nguyên nhân là do giá vật liệu xây dựng tăng cao khiến cho nhà thầu bị đội vốn lên gần 2 tỷ đồng. Vì thế, Công ty đang đề nghị chủ đầu tư gia hạn thời gian sang quý I/2021 hoặc cấp thép cho đơn vị để tiếp tục thi công công trình.

Ngay cả đối với một số doanh nghiệp lớn trên cũng gặp phải khó khăn tương tự. Ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Giám đốc Công ty TNHH xây dựng Hà Long cho hay: Đây là một trong những lần giá thép tăng cao trở lại trong vòng nhiều năm nay. Điều này khiến cho các công trình mà chúng tôi đang thi công vào đầu năm 2021 đều đội chi phí lên từ 500 triệu -1 tỷ đồng. Dù vậy, nhưng Công ty vẫn đành phải chấp nhận bù lỗ vì giao dịch hợp đồng đã ký kết và công trình cũng đã thực hiện được hơn 2/3 tiến độ.

Theo nhiều nhà thầu, trong quá trình thi công xây dựng công trình, việc giá cả vật liệu xây dựng tăng, giảm là hết sức bình thường. Các nhà thầu thi công xây dựng khi tiến hành đàm phán hợp đồng trọn gói cũng đã tính đến những rủi ro do yếu tố trượt giá, đặc biệt là các công trình xây dựng phức tạp có thời gian thi công kéo dài. Tuy nhiên, việc giá cả nguyên vật liệu lại có sự tăng đột biến gây rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Công, Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Tư vấn công nghệ thiết bị và Kiểm định xây dựng Coninco phân tích rằng nhiều nhà thầu thi công xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản khi đang thực hiện nhiều hợp đồng xây dựng không điều chỉnh giá. Những công trình sử dụng vốn ngân sách thì việc chờ đợi nhà nước cho phép chỉnh giá một cách cụ thể thường mất thời gian dài. "Nhiều nhà thầu trúng thầu đã bỏ vì giá nguyên vật liệu tăng cao khiến bị lỗ nặng khi tiếp tục thi công. Trong khi những công trình được điều chỉnh giá thì thủ tục điều chỉnh giá rất rườm rà. Vì vậy nhiều công trình thi công với tiến độ rất chậm do nhà thầu kìm hãm lại chờ điều chỉnh giá."

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến các nhà thầu lúng túng, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản khi giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng cao là sự biến động về giá vượt quá khả năng dự đoán của các nhà thầu và chủ đầu tư.

Có thể thấy, để tháo gỡ khó khăn trên, giải pháp mà các DN thực hiện chủ yếu là duy trì sản xuất cầm chừng, chấp nhận bù lỗ. Vì thế, về lâu dài, đại diện một số nhà thầu kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công Thương cần có biện pháp bình ổn và kiểm soát giá thép ở thị trường trong nước. Cũng như cần có dự báo chính xác hơn để nhà thầu, nhà cung cấp chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ, sản xuất.

Bạn nghĩ sao?