Tại phiên họp sáng 8/6, Quốc hội Việt Nam đã tiến hành thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

 Trong đó EVFTA được thông qua với tỷ lệ gần 95%, tương đương 100% đại biểu có mặt tại phiên họp đồng thuận. EVIPA được thông qua với tỷ lệ hơn 95%, với 459/461 đại biểu bỏ phiếu, một đại biểu không biểu quyết.

Theo nguyên tắc giữa Việt Nam & EU đã thỏa thuận, hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày đầu tiên của tháng thứ hai, sau khi hai bên hoàn tất việc phê chuẩn - tức 1/8 tới. Trong khi đó, EVIPA sẽ phải chờ Quốc hội từng nước thành viên trong khu vực EU phê chuẩn. Quá trình này có thể kéo dài trong thời gian ít nhất là 3 năm.

Untitled

 

Việc Quốc hội Việt Nam thông qua EVFTA đánh dấu hoàn tất quy trình phê chuẩn pháp lý sau hành trình gần 16 năm từ ý tưởng đến hiện thực.

Báo cáo tại Quốc hội sáng 20/5, Bộ trưởng Công Thương cho biết Chính phủ đã có kế hoạch hành động với 5 nhóm công việc chính nhằm đảm bảo việc thực thi hiệp định hiệu quả. Những việc này gồm tuyên truyền và phổ biến; xây dựng pháp luật và thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ trương và chính sách đối với tổ chức công đoàn và tổ chức của người lao động tại cơ sở; Chính sách an sinh xã hội và phát triển bền vững. Từng công việc cụ thể đã được Chính phủ chi tiết và giao cho từng bộ, ngành thực hiện. 

Dựa trên những định hướng lớn của kế hoạch hành động này, Bộ Công Thương được giao phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện EVFTA cho từng cơ quan, địa phương nhằm kịp thời ban hành vào đúng thời điểm hiệp định có hiệu lực.

Ngoài ra, để hoàn thiện cơ sở pháp lý, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương rà soát và xây dựng văn bản pháp luật ở cấp Chính phủ, trường hợp cần thiết Chính phủ sẽ xem xét ban hành theo thủ tục rút gọn.

Trước đó, trong tờ trình về việc phê chuẩn hiệp định của Chủ tịch nước cho biết EVFTA góp phần tăng cường sự gắn kết về kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU. Theo đó, EVFTA và EVIPA sẽ tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, châu Á - Thái Bình Dương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khối ASEAN, khu vực và trường quốc tế. 

Trong khi đó, EVIPA được coi là động lực thúc đẩy Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, bình đẳng, minh bạch và thân thiện hơn đối với nhà đầu tư. Theo đó, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn FDI trong những lĩnh vực mà EU có tiềm năng, thế mạnh như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Các quy định của hiệp định được xây dựng chi tiết, có tiêu chí rõ ràng, ghi nhận quyền ban hành và thực hiện chính sách của mỗi bên. Điều đó góp phần bảo đảm để các quy định EVIPA được hiểu và áp dụng một cách nhất quán, giúp hạn chế tối đa khả năng tranh chấp xảy ra. Mặt khác, việc thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp thường trực theo EVIPA để giải quyết tranh chấp giữa nhà nước và nhà đầu tư của mỗi bên được đánh giá là bước tiến mới so với cơ chế trọng tài giải quyết tranh chấp theo từng vụ việc mà Việt Nam đã áp dụng theo 66 Hiệp định song phương về khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký kết trong gần 30 năm qua. 

Cơ chế thường trực sẽ loại bỏ sự can thiệp của nhà đầu tư vào việc lựa chọn thành viên cơ quan giải quyết tranh chấp, hạn chế xung đột lợi ích, nâng cao yêu cầu về chuyên môn và tính độc lập của các thành viên này. Mặt khác, quy trình giải quyết tranh chấp theo hai cấp (sơ thẩm và phúc thẩm) góp phần giảm rủi ro, nâng cao tính nhất quán của quá trình giải quyết tranh chấp.

Với những điểm tiến bộ nêu trên so với FTA song phương đã và đang có hiệu lực, EVIPA tạo cơ sở pháp lý bảo đảm Việt Nam thực thi các cam kết theo hiệp định này và pháp luật một cách công bằng, minh bạch, nhất quán và có hiệu quả.

Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp cũng đặt ra những thách thức lớn hơn, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử, đúng trình tự thủ tục nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài và giải quyết có hiệu quả những tranh chấp này, đồng thời cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp.

2

 

Hiệp định EVFTA gồm 17 Chương, 8 Phụ lục, 2 Nghị định thư, 2 Biên bản ghi nhớ và 4 Tuyên bố chung điều chỉnh nhiều vấn đề bao gồm: thương mại hàng hóa, gồm quy định chung và cam kết mở cửa thị trường, quy tắc xsuất xứ, hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp kiểm dịch và vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS), các hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), thương mại dịch vụ (gồm các quy định chung và cam kết mở cửa thị trường), đầu tư, phòng vệ thương mại, cạnh tranh, doanh nghiệp Nhà nước, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, thương mại và phát triển bền vững, hợp tác và xây dựng năng lực, pháp lý - thể chế. Với mức độ cam kết đạt được, EVFTA được coi là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và đảm bảo cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU, đồng thời phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như đã lưu ý đến chênh lệch về trình độ phát triển giữa hai bên. Một số cam kết chính trong EVFTA như: Thương mại hàng hóa; Quy tắc xuất xứ; Các biện pháp phi thuế theo ngành; Phòng vệ thương mại; Hải quan và thuận lợi hóa thương mại; Các hàng rào kỹ thuật trong thương mại…

Bạn nghĩ sao?