07:27 - 02/09/2020
 
Đồng chí Lê Giản (tên thật là Tô Gĩ) sinh ngày 2/8/1913, tại làng Xuân Cầu, Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Làng cổ nho nhỏ ấy đích thực là đất địa linh nhân kiệt có lắm người tài.

 Làng Xuân Cầu (còn gọi là Huê Cầu đã đi vào ca dao “Ai về Đồng Tỉnh, Huê Cầu”). Thời phong kiến, làng có tới 11 người đỗ Tiến sỹ(1). Làng Xuân Cầu cũng là quê hương của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy lừng danh thời chống Pháp. Đồng chí Lê Giản cùng với các nhà cách mạng lớp đầu Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Quang Đẩu là hậu duệ đời thứ 3 của quan Đốc học Nam Định Tô Ngọc Nữu. Khi triều đình Huế ký Hiệp ước Giáp Thân 1884, còn gọi là Hòa ước Patenôtre, chia nước Việt Nam làm 3 kỳ dưới sự thống trị của thực dân Pháp, cụ Đốc Nam đã phản đối bằng cách từ chức về quê dạy học, cụ kết thân với cụ Ngô Quang Huy là Đốc học Bắc Ninh. Nhân cách ấy chính là lửa trui rèn nên phẩm cách trung nghĩa, hiên ngang, không chịu khuất phục, không cam tâm làm nô lệ, bồi đắp lòng thương người, tâm hồn bao dung, nhân hậu của Lê Giản và những người anh em họ là Tô Hiệu, Tô Chấn và Tô Quang Đẩu. Vì thế chăng mà cả 4 anh em họ Tô đều tham gia cách mạng từ rất sớm, khi mới chỉ 13 – 14 tuổi. Thân phụ của đồng chí Lê Giản là cụ Tô Chuẩn làm nghề thầy đồ, dạy chữ Nho và chữ Quốc ngữ cho con em trong làng. Mẹ ông tần tảo làm nghề buôn bán nhỏ nuôi gia đình. Từ nhỏ, Lê Giản được cha dạy chữ. Đến năm 10 tuổi, ông cùng với người anh họ Tô Hiệu theo học các lớp đồng ấu, dự bị, sơ đẳng ở trường làng. Năm 11 tuổi, vì mẹ mất, gia cảnh khó khăn, ông được cha gửi ra Hà Nội ở nhờ một người bà con buôn bán tơ lụa nuôi cho ăn học và giúp đỡ việc nhà. Những năm tháng học tập tại các trường Hàng Vôi, Sinh Từ ở Hà Nội, Lê Giản đã sớm chịu ảnh hưởng của các thành viên Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đang hoạt động bí mật tại Bắc Kỳ. Vì vậy ông tiếp cận được với nhiều tài liệu tuyên truyền của Hội. Những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho học viên các khóa đào tạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Long Châu, Trung Quốc được Hội tập hợp lại in thành sách bí mật chuyển về nước đã mang đến ánh sáng thôi thúc chàng thanh niên họ Tô dấn thân vào con đường cách mạng. 14 tuổi, Lê Giản tham gia vào tổ chức Học sinh đoàn và Xích vệ đoàn, những tổ chức ngoại vi của Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nhiều lần tham gia rải truyền đơn tại Hà Nội. Năm 1929, khi 16 tuổi, ông thôi học và đi làm thư ký giúp việc cho một nhà buôn Pháp ở Hàng Gai (Hà Nội). Tháng 12/1929, ông được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, đánh dấu bước chuyển về chất từ một thanh niên yêu nước trở thành một đảng viên Cộng sản đi theo con đường cách mạng vô sản của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

0104_2

 Đồng chí Lê Giản

Sau khi Đông Dương Cộng sản Đảng hợp nhất với An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn thành Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6/1930, Lê Giản được người anh họ là Tô Chấn bố trí vào Sài Gòn hoạt động cùng với Tô Hiệu, Tô Quang Đẩu. Có thể nói, tài năng, chí lớn cộng với truyền thống, gia đình quê hương đã hun đúc nên những gia đình cách mạng với nhiều cán bộ cách mạng thuộc lớp người “khai quốc” như Tô Hiệu, Tô Chấn, Tô Gĩ, Tô Quang Đẩu. Bấy giờ chính quyền thực dân tại Nam Kỳ thẳng tay đàn áp các phong trào cách mạng, Tô Hiệu bị bắt rồi bị đày đi Côn Đảo, bản thân Lê Giản cũng bị mất liên lạc với tổ chức nên tham gia hoạt động cho Việt Nam Quốc dân Đảng. Năm 1931, ông xin vào làm cho một chủ tàu biển chạy tuyến Sài Gòn - Hải Phòng - Hongkong - Singapore với ý định tìm đường sang Pháp và Liên Xô hoạt động. Tuy nhiên khi ra đến Hải Phòng, do bị chỉ điểm nên ông bị thực dân Pháp bắt giam. Sau thời gian dài thẩm tra, do không có chứng cứ buộc tội nên chính quyền thực dân buộc phải trả tự do cho ông. Ra khỏi nhà tù, ông quyết định ở lại Hải Phòng tìm cách bắt liên lạc với tổ chức. Vì vậy mà ông đã gặp được các đồng chí Trần Huy Liệu, Nguyễn Đức Kinh, nối liên lạc được với Đảng và hoạt động trong phong trào Mặt trận Dân chủ, Hội Ánh sáng, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Ái hữu tư thục… cho đến năm 1937. Cũng chính cơ duyên gặp gỡ này đã khởi đầu mối quan hệ thân tình, mang lại nhiều lợi ích cho Đảng suốt nhiều năm sau này giữa hai nhà cách mạng Trần Huy Liệu và Lê Giản. Năm 1938-1939, ông được giao nhiệm vụ xây dựng, phát triển tổ chức của Đảng tại Hải Phòng, trực tiếp phụ trách Cơ quan giao thông liên lạc, ấn loát ở Hải Phòng. Mặc dù thực dân Pháp truy lùng, khủng bố gắt gao nhưng cơ sở Đảng và phong trào quần chúng ở địa bàn đồng chí Lê Giản phụ trách vẫn bảo đảm bí mật và phát triển, trở thành hạt nhân lãnh đạo quần chúng và công nhân đấu tranh.

Đầu năm 1940, phong trào cách mạng bị khủng bố dữ dội, nhiều cơ sở Đảng bị phá vỡ, nhận thấy cơ sở ở Hải Phòng có nhiều dấu hiệu bị lộ, đồng chí Lê Giản nhận được lệnh phải di chuyển khỏi Hải Phòng trong vòng 24 giờ. Trong khi chưa kịp rời Hải Phòng, do mất liên lạc với tổ chức, ông bị thực dân Pháp bắt và kết án. Tại nhà tù thực dân, dù bị mọi đòn tra tấn, mọi thủ đoạn dụ dỗ, ép buộc nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết, kiên trung bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng. Không đè bẹp được ý chí sắt đá của ông, tháng 6/1940 kẻ thù đày ông đến nhà tù Bắc Mê, Hà Giang, sau đó, tháng 11/1940 lại giam cầm ông ở nhà tù Sơn La. Khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/1941 ông bị chính quyền thực dân đưa xuống tàu thủy đày biệt xứ đến Karianga thuộc đảo Madagascar (châu Phi), nơi thực dân Pháp từng giam giữ Vua Thành Thái, Vua Duy Tân. Cùng bị đưa lên tàu lưu đày đến Madagascar với ông có 6 đảng viên cộng sản khác là các đồng chí Hoàng Đình Giong, Phan Bôi, Vũ Văn Địch (tức đồng chí Trần Hiệu), Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Văn Minh), Đoàn Ngọc Rê (tức Dương Công Hoạt)(2). Tính đến thời điểm đó, có tổng cộng 27 người Việt Nam bị thực dân Pháp lưu đày ở Madagascar. Theo Hồi ký của đồng chí Lê Giản, giữa bốn bức tường của nhà tù trên đảo Madagascar, những người cộng sản Việt Nam vẫn học chữ nho, kinh tế học, trao đổi về chủ nghĩa Mác-Lênin, về triết học duy tâm, duy vật; luôn tin tưởng vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng Việt Nam và mong muốn ngày trở về Tổ quốc để góp phần giành độc lập cho nước nhà. Đồng chí Trần Hiệu cũng từng kể lại rằng, tại trại tù Madagascar, trong thời gian chưa tìm ra đường về nước, ông và các đồng chí Lê Giản, Phan Bôi, Hoàng Đình Giong… đã chia nhóm hướng dẫn dân bản địa cách nung gạch, ngói để xây nhà, cách trồng lúa nước, cách xe sợi dệt vải, hướng dẫn dân nghề mộc, chế tác đồ trang sức, gò dụng cụ gia đình, cách nấu các món ăn của người Việt… Vì vậy mà chỉ sau vài tháng, cả diện mạo vùng này đã thay đổi, nhân dân và chính quyền bản địa rất tin yêu, quý mến những người bạn đến từ Việt Nam.

Tháng 11/1942, quân đội Anh chiếm lại được Madagascar và đến tháng 6/1943 thì trả tự do cho nhóm lưu đày. Để tìm cách trở về nước hoạt động, với sách lược khôn ngoan, Lê Giản cùng các đồng chí của mình tình nguyện tham gia quân Đồng Minh chống phát xít và tương kế tựu kế tìm cách để Cơ quan tình báo chiến lược Anh (OSS) tuyển mộ vào Đội điều hành đặc biệt (SOE) phục vụ kế hoạch tung điệp viên xuống những thuộc địa của Anh và Pháp bị quân Nhật chiếm từ đầu Thế chiến thứ hai. Chính vì vậy, ông cùng các đồng chí của mình được Cơ quan Tình báo chiến lược Anh đưa sang Ấn Độ để huấn luyện nghiệp vụ hoạt động tình báo. Thời gian huấn luyện tại Ấn Độ, đồng chí Lê Giản và đồng chí Phan Bôi đã bí mật bắt nối liên lạc với Đảng Cộng sản Ấn Độ. Cuối năm 1943, hai đồng chí Lê Giản và Hoàng Đình Giong nhận được lệnh chuẩn bị về nước để thu thập tin tức và làm hạt nhân phát triển phong trào chiến tranh du kích chuẩn bị cho những chiến dịch lớn của quân đồng minh đánh lại phát xít Nhật. Theo đề nghị của nhóm, đồng chí Hoàng Đình Giong được người Anh đưa về Côn Minh (Trung Quốc) sau đó về nước trước để thăm dò. Có lợi thế là người dân tộc Tày quê ở Cao Bằng, lại giỏi tiếng Trung, thông thạo địa bàn, rất nhanh chóng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã tìm cách bắt liên lạc với tổ chức và gặp được đồng chí Vũ Anh - Ủy viên Trung ương Đảng (tức Trịnh Đông Hải, đại diện Trung ương bên cạnh lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp chỉ đạo phong trào tại Cao Bằng) báo cáo tình hình về chủ trương lợi dụng quân Đồng minh trở về nước hoạt động rồi trở lại Ấn Độ. Tháng 7/1944, đồng chí Lê Giản và đồng chí Hoàng Đình Giong được người Anh chọn đưa về nước đợt đầu nhưng do điều kiện thời tiết, gió lớn không thể nhảy dù xuống Cao Bằng, hai đồng chí đành quay trở lại Calcutta.

Ngày 25/10/1944, đồng chí Lê Giản và đồng chí Hoàng Đình Giong được không quân Anh đưa về nước lần thứ hai và cho nhảy dù xuống bản Ngần, xã Vĩnh Quang, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng. Nhóm các đồng chí khác cũng được lần lượt đưa về nước và được giao nhiệm vụ bắt liên lạc với các tổ chức chống phát xít, sau đó truyền thông tin về cho bộ chỉ huy quân Đồng Minh ở Côn Minh (Trung Quốc). Về phía Đảng ta, chuyến trở về của Lê Giản và các đồng chí của mình khiến Trung ương Đảng rất vui mừng, Tổng Bí thư Trường Chinh khen ngợi: “Các đồng chí đã rất mưu trí lợi dụng bọn đế quốc để trở về nước hoạt động”. Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ tổ chức xây dựng căn cứ địa ở Việt Bắc. Ông cùng với đồng chí Đàm Quang Trung được Bác Hồ giao nhiệm vụ xây dựng sân bay Lũng Cò vào tháng 6/1945 để nhận tiếp tế từ các máy bay Mỹ thuộc OSS cho Việt Minh, cũng như phục vụ hoạt động di tản các phi công Mỹ bị quân Nhật bắn rơi. Sân bay được thiết kế dài khoảng 400m, rộng khoảng 20m, loại máy bay L5 của Mỹ có thể cất, hạ cánh an toàn. Chỉ 2 tháng sau thi công, tháng 8/1945, sân bay Lũng Cò đã hoàn thành và đón chuyến bay đầu tiên với 2 sỹ quan quân Đồng minh cùng với lương thực, vũ khí và thuốc men của quân Đồng Minh viện trợ cho Việt Minh.

Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 9/1945, đồng chí Lê Giản được Trung ương Đảng và Bác Hồ điều động về Hà Nội làm Phó Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ (Sở Công an Bắc Bộ). Khi được Bác giao nhiệm vụ Phó Giám đốc Sở Liêm phóng Bắc Bộ, đồng chí Lê Giản báo cáo với Bác: “Thưa Bác, cháu xa đất nước lâu ngày, không hiểu gì về tình hình đất nước, vả lại nghiệp vụ không có thì làm gì được ạ”. Bác nói: “Chú chưa biết thì tìm hiểu để biết, đã có Đảng giúp đỡ. Công tác cách mạng cần thì phải làm, chứ cán bộ ta có ai được học hành đầy đủ cả đâu. Nếu không biết thì nhân dân sẽ bảo cho mà biết. Phải hoc, phải tìm hiểu, phải dựa vào nhân dân mà làm việc. Chú đã được học phần nào về tình báo rồi… nên Bác mới nghĩ việc đưa chú sang ngành Liêm phóng. Phải đoàn kết với anh em mà làm việc. Khi làm việc chú phải thiết diện vô tư”. Trong giây lát được Bác giao nhiệm vụ, đồng chí Lê Giản đã học được hai bài học lớn đầu tiên: Làm Công an phải thiết diện vô tư; phải dựa vào dân và phải đoàn kết nội bộ. Bác còn giải thích: “Thiết diện là mặt sắt, Vô tư là không thiên vị nghĩa là phải hết sức Công minh. Nếu chú không “Thiết diện, vô tư” thì Bác sẽ “Thiết diện, vô tư” với chú”. Có thể nói “Thiết diện, vô tư” không chỉ là lời căn dặn của Bác đối với đồng chí Lê Giản, đó còn là chỉ thị công tác đầu tiên của Bác đối với lực lượng Công an cách mạng. Thật dễ hiểu, dễ nhớ và thẳng thắn. Trong Hồi ký của của mình đồng chí Lê Giản kể rằng, khi về Hà Nội tăng cường cho Sở Liêm phóng, cả gia đình ông được tạo điều kiện bố trí cho ở 1 phòng trên tầng 2 tại nhà số 1A Trần Bình Trọng vốn vừa là nhà ở vừa là trụ sở làm việc. Cùng ở với gia đình ông ở đây còn có các đồng chí Hoàng Mỹ, Phạm Gia Nội, Nguyễn Tài. Một lần khoảng trung tuần tháng 10/1946 (hoặc tháng 11), Bác Hồ bất ngờ ghé thăm các anh em Sở Liêm phóng Bắc Bộ sau đó thăm gia đình đồng chí Lê Giản. Vợ ông khi đó lần đầu được gặp Bác, bà chưa từng nghĩ Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gần gũi, thân thiết đến thế. Bà hỏi ông: “Không biết trên thế giới này có vị Chủ tịch nào gần gũi và thân thiết giống như Bác của chúng ta không”. Cùng với 4 chữ “Thiết diện, vô tư”, câu hỏi của bà cũng là câu mà ông thường tự hỏi và tự nguyện học tập, rèn luyện, tu dưỡng để trở thành một công bộc của nhân dân như lời Bác thường căn dặn.

Tháng 2/1946, đồng chí Lê Giản lại được Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm Giám đốc Nha Công an Trung ương. Trên cương vị đứng đầu ngành Công an, ông đã hoạt động tích cực để bảo vệ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Ông đã chỉ đạo phá vụ án phố Ôn Như Hầu nổi tiếng. Việc khám phá vụ án phố Ôn Như Hầu không chỉ đập tan một cuộc đảo chính phản cách mạng mà còn phá tan hệ thống tổ chức của một đảng phản động có thực lực nhất; phá vỡ liên minh phản cách mạng giữa các đối tượng bên trong với thế lực bên ngoài. Tổng Bí thư Trường Chinh khi đó đánh giá: “Những vụ khám bắt trên đây có một tác dụng vô cùng quan trọng, nó lột mặt nạ bọn phản động bên trong, tay sai của bọn phản động bên ngoài... Nó lôi ra ánh sáng dư luận một bọn giả danh chính trị, giả danh quốc gia dân tộc... cắm một cái mốc trên con đường thống nhất dân tộc, biểu lộ sức mạnh và uy tín của chính quyền nhân dân”.

Đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Nha Công an Trung ương đến tháng 9/1952, thời kỳ nhiều khó khăn, vất vả, đồng chí Lê Giản đã tổ chức tốt ATK Định Hóa, chỉ đạo lực lượng Công an trong toàn quốc tiễu phỉ, trừ gian, xây dựng cơ sở, nắm tình hình địch, kiểm soát nội bộ, thực hiện chính sách tôn giáo và dân tộc, lập Đội Trừ gian, Đội Công an xung phong, Ban Công an tiền phương, xây dựng mạng lưới giao thông liên lạc trong khu căn cứ địa, tập trung bảo vệ lãnh tụ, các cơ quan đầu não của Đảng và Chính phủ… Năm 1953, đồng chí giữ chức vụ Vụ trưởng Vụ Trị an hành chính Bộ Công an, rồi Cục trưởng Cục Biên phòng. Trong thời gian công tác ở ngành Công an, với trọng trách của mình, đồng chí đã có những đóng góp to lớn đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của ngành Công an, góp phần đắc lực bảo vệ chính quyền, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.

Tháng 5/1958, đồng chí Lê Giản được Đảng, Nhà nước phân công làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao rồi Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Là một lãnh đạo của ngành Tòa án, đồng chí đã tích cực tham gia nghiên cứu, xây dựng tổ chức bộ máy ngành Tòa án hợp tác chặt chẽ với ngành Công an và các ngành khác. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ ở Tòa án nhân dân tối cao kể rằng, Phó Chánh án Lê Giản là người coi trọng nguyên tắc tập trung dân chủ, luôn luôn chủ động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Không chỉ là hạt nhân tập hợp, đoàn kết nội bộ; ông cũng là người thẳng thắn dám nhận khuyết điểm, thiếu sót, trong các bản kiểm điểm cá nhân, ông đều dành phần lớn để kiểm điểm lại các khuyết điểm của mình.

Lời căn dặn của Bác phải “Thiết diện, vô tư” không chỉ là kim chỉ nam trong mọi suy nghĩ và hành động của ông khi công tác ở ngành Công an mà còn được ông áp dụng nghiêm cẩn cùng với nguyên tắc “phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” khi công tác ở ngành Tòa án. Nhiều người công tác ở Tòa án nhân dân tối cao kể lại rằng, mỗi khi cấp dưới báo cáo một vụ án nào đó, ông đều thận trọng lật đi lật lại từng vấn đề rồi mới đưa ra ý kiến, quyết định. Có nhiều vụ án, cấp dưới trình bày còn có những quan điểm chưa rõ hoặc trái chiều nhau thì ông nghiên cứu lại hồ sơ từ đầu. Đã nhiều lần, ông cương quyết không chấp nhận đề nghị của các tòa chuyên trách về một số vụ án sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng. Chính vì vậy, các tòa chuyên trách do ông phụ trách, công tác giám đốc thẩm được đẩy mạnh, các vụ án được xét xử kịp thời nhưng vẫn đảm bảo chất lượng và phát hiện kịp thời những sai sót. Đặc biệt, ông chú trọng sửa chữa hiện tượng hữu khuynh của các Thẩm phán như xử quá nhẹ những tội phản cách mạng, những tội hình sự có tính chất nghiêm trọng, các tội phạm về hiếp dâm, giết người, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Hơn 21 năm công tác liên tục tại ngành Tòa án, trong đó có 19 năm giữ chức vụ Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, đồng chí Lê Giản đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với quá trình xây dựng và phát triển của ngành Tòa án. Năm 2011, đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh.

“Công tác cách mạng cần thì phải làm, chứ cán bộ ta có ai được học hành đầy đủ cả đâu... Phải hoc, phải tìm hiểu, phải dựa vào nhân dân mà làm việc… Khi làm việc chú phải Thiết diện, vô tư”.

(Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Cách mạng trước tháng 8/1945, với hơn 50 năm công tác, ở nhiều vị trí khác nhau, dù ở hoàn cảnh khó khăn của thời kỳ hoạt động bí mật, bị địch bắt, tù đày, đồng chí Lê Giản vẫn một lòng một dạ kiên trung với Đảng, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Trong kháng chiến hay trong hòa bình, dù ở lĩnh vực công tác nào ông cũng luôn nhớ lời Bác dặn “Thiết diện, vô tư” tận tâm với sự nghiệp cách mạng.

(1) 11 người đỗ Tiến sỹ gồm: Nguyễn Hắng (1586), Nguyễn Tính (1640), Nguyễn Hanh (1688), Quản Danh Dương (1710), Nguyễn Quốc Dực (1718), Quản Dĩnh (1727), Đỗ Hoàng Giáp (1721), Đỗ Gia Cát (1787), Tô Trân (tức Tô Ngọc Quang, 1826). Các Phó bảng: Tô Huân (1868), Nguyễn Đạo Quán (1898).

(2) Đồng chí Hoàng Đình Giong (sau trở thành Chính ủy Quân giải phóng Nam Bộ, hy sinh năm 1947), đồng chí Phan Bôi (một cán bộ xuất sắc của ngành Công an, sau là Thứ trưởng Bộ Nội, hy sinh năm 1947), đồng chí Trần Hiệu (sau trở thành Phó Giám đốc Nha Công an Trung ương, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao), Nguyễn Văn Ngọc (sau là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Văn Phòng (sau là Chánh án Tòa Dân sự, Tòa án Nhân dân Tối cao), Đoàn Ngọc Rê (sau là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc).

Theo Tầm nhìn

Bạn nghĩ sao?