Năm 2020 và 9 tháng đầu năm 2021 chúng ta đã chứng kiến những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 lên cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong tháng 8 năm 2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020.
Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong tháng 8/2021 là 5.761 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 67.956 tỷ đồng, giảm 57% về số doanh nghiệp và giảm 76,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, giảm 34,1% về số doanh nghiệp và giảm 44,6% về vốn đăng ký so với tháng 7/2021.
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp khởi nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn trong điều kiện bình thường. Hơn 1 năm qua, khi đại dịch COVID-19 diễn ra thì những khó khăn này tăng lên gấp bội, đặc biệt là vấn đề vốn.
Theo đánh giá của Cơ quan Thương mại và Đầu tư của Chính phủ Australia, Việt Nam đang đứng thứ 3 Đông Nam Á về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp, top 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu.
Tuy nhiên, Việt Nam lại nằm trong số 20 quốc gia có khả năng thực hiện các kế hoạch kinh doanh thấp nhất, chỉ khoảng 3% được gọi là thành công. Điều này cho thấy, khoảng cách giữa khát vọng, ý chí và hành động cụ thể là quá lớn. Cần nhiều hơn sự hỗ trợ của thể chế, chính sách để tiến gần hơn tới các khát vọng, hành động.
Hạn chế về vốn và cơ chế chính sách liên quan đến huy động vốn là một trong những nguyên nhân quan trọng. Các dự án khởi nghiệp thường được bắt đầu từ những nguồn vốn tự có hạn hẹp của các thành viên sáng lập, trong khi khả năng vay vốn ngân hàng hay kêu gọi vốn từ các quỹ đầu tư là rất thấp.
Đánh giá về vấn đề này tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chuyên đề “Giải pháp tài chính cho doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay” do Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển tổ chức, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, tại Việt Nam, không chỉ trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này, thực tế hàng nghìn doanh nghiệp khởi nghiệp đã và đang không có vốn. Mặc dù họ có trong tay ý tưởng, thậm chí có những doanh nghiệp có cả hợp đồng xuất khẩu nhưng đều không có vốn để thực hiện.
Theo chuyên gia Lê Xuân Nghĩa, mấu chốt của vấn đề này nằm ở việc chúng ta đang thiếu đi 1 cơ quan/tổ chức sẵn sàng đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp này.
Đã có rất nhiều bài học hay từ các quốc gia trên thế giới khởi nghiệp thành công và hiện đều là những quốc gia đang phát triển vô cùng mạnh mẽ như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Mỹ, Phần Lan,…
Lấy dẫn chứng về câu chuyện khởi nghiệp ở một quốc gia khởi nghiệp vô cùng thành công là Mỹ, ông Nghĩa cho hay, tại Mỹ có Bộ doanh nghiệp nhỏ và Bộ này đưa ra hoạch định chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi đây là đối tượng yếu thế và cần có chính sách riêng.
Ngoài ra, Bộ này còn có nhiệm vụ đứng ra bảo lãnh cho doanh nghiệp để thực hiện việc vay vốn ngân hàng. Số liệu cho thấy, mỗi năm Bộ doanh nghiệp nhỏ của Mỹ bỏ ra 190 tỷ USD để hỗ trợ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp của người Việt.
Tại Việt Nam, chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Chính phủ nói nhiều về khởi nghiệp, bản thân Thủ tướng cũng rất trăn trở nhưng thực tiễn chính sách chưa có gì giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, thậm chí kém xa khởi nghiệp của Mỹ, của Nhật.
“Thật ra Chính phủ ta rất nhiệt thành nhưng lại chưa có những chính sách hỗ trợ hay và đi vào thực tiễn như của Mỹ. Quỹ dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp loay hoay mãi đến bây giờ vẫn chưa ra. Hay như chính sách liên quan đến hỗ trợ tài chính cho họ như nghị định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, sửa đổi cho phù hợp với tình hình Việt Nam thôi mà 2 năm rồi, sửa câu chữ vẫn chưa xong. Vô vàn hội thảo rồi mà vẫn chưa ra được nghị định này, các doanh nghiệp khởi nghiệp phải sang tận Singapore để đăng kí hoạt động”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cho rằng, để thực hiện hóa tham vọng trở thành một quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam cần xây dựng Quỹ bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp. Quỹ này yêu cầu một số vốn tương đối lớn, bởi vậy cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cũng như từ Ngân hàng trung ương. Đặc biệt điều kiện cho vay từ quỹ này nên là cho vay tín chấp. Bởi với các doanh nghiệp khởi nghiệp, tài sản thế chấp của họ gần như là bằng 0.
Một số nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam sẽ vực lên sau đại dịch COVID-19. Nhưng ông Nghĩa cho rằng đây là điều khó khăn.
Ở các quốc gia phát triển điều này là hoàn toàn có thể khi họ đã bỏ ra 1 nguồn tiền khổng lồ để hỗ trợ doanh nghiệp, người thất nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh. Nước Mỹ chi ra gần 5.000 tỷ USD ( tương đương 1 nửa GDP của Mỹ) hay Chính phủ Nhật chi khoảng 30% tổng GDP để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong hơn 1 năm qua.
Sau đại dịch thì số tiền này sẽ thành 1 tổng cầu rất lớn tạo sức bật cho nền kinh tế của các quốc gia này. Tuy nhiên thì tại Việt Nam, Chính phủ mới chỉ chi ra khoảng 1% GDP để thực hiện các gói hỗ trợ và điều này khó có thể tạo ra một sức bật sau đại địch.
Bởi vậy, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa cho rằng việc xây dựng 1 Quỹ bảo lãnh quốc gia dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ thời điểm này là thực sự cần thiết. Trước mắt là để giải quyết các vấn đề hậu COVID-19. Nhưng trong tương lai là dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp để đi vào các lĩnh vực công nghệ sáng tạo. Chỉ có điều đó mới có thể phục hồi lại nền kinh tế cũng như hiện thực hóa khát vọng trở thành một quốc gia khởi nghiệp của Việt Nam.
Theo Tầm nhìn
- 1
- 2
- 3
- 4
- 5
- 6
- 7
- 8
- 9